Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) từ lâu đã nổi danh là loại bánh ngon, một trong những đặc sản của xứ Dừa được nhiều du khách ưa chuộng.
Khâu phơi bánh tráng. |
Bánh tráng Mỹ Lồng (xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) từ lâu đã nổi danh là loại bánh ngon, một trong những đặc sản của xứ Dừa được nhiều du khách ưa chuộng.
Đặc biệt, thời điểm chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng lại tăng cường hoạt động “hết công suất” để đáp ứng nhu cầu thị trường, người người, nhà nhà đều tập trung làm bánh, rộn ràng, nhộn nhịp.
Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng tập trung nhiều nhất ở ấp Nghĩa Huấn và rải rác một số hộ ở các ấp lân cận. Làng nghề hình thành từ khá lâu, mang tính truyền thống “cha truyền con nối”.
Những người ở Làng nghề kể rằng, ngày trước, bánh tráng chỉ được làm trong dịp Tết cổ truyền, nhưng ngày nay, bánh tráng của Làng nghề đã được sản xuất quanh năm, trở thành món đặc sản cung ứng thị trường hằng ngày. Đây là một trong những món quà quê hương cho những ai có dịp đến xứ Dừa Bến Tre.
“Giữ hương, lưu tiếng” làng nghề
Anh Hồ Văn Chí - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh cho biết: Lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, riêng Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng vẫn được giữ vững.
Sản phẩm của Làng nghề được sản xuất xuyên suốt trong năm và có sức tiêu thụ mạnh vào thời điểm giáp Tết. Hiện nay, toàn xã có 221 hộ sản xuất thường xuyên, tăng 29 hộ so với cùng kỳ, tập trung nhiều ở ấp Nghĩa Huấn (trên 150 hộ). Trung bình mỗi ngày Làng nghề sản xuất trên 150 ngàn cái, tổng thu nhập ước tính trên 30 tỷ đồng/năm, giải quyết trên 600 lao động tại địa phương.
Nghề làm bánh tráng đã tạo nguồn thu nhập khá cao và ổn định cho các hộ gia đình sản xuất, đồng thời cũng góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Làng nghề có chiều hướng phát triển sản xuất tốt, phần lớn sản phẩm đều có đầu ra ổn định, rất ít hàng tồn đọng. Đặc biệt, vào dịp Tết, lượng sản phẩm tăng cao.
Năm nay, giá cả các mặt hàng nguyên liệu đầu vào (dừa, gạo, đường…) tương đối ổn định, đầu ra cho sản phẩm cũng ổn định và tăng hơn đôi chút nên đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất.
Về với Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng thời điểm chuẩn bị cho những ngày Tết Nguyên đán Bính Thân sắp tới, chúng tôi cảm thấy như mùa Xuân “đã về trước” ở nơi đây. Khắp nơi trong khu vực làng nghề, nhà nhà đều tập trung làm bánh, nhộp nhịp, tươi vui, các liếp bánh được phơi đầy cả các khoảng sân nhà: trắng, tròn, tăm tắp dưới ánh nắng trời tươi sáng như những đóm hoa Xuân nổi bật giữa những vườn dừa xanh ngát.
Những con người lao động với đủ các lứa tuổi từ già đến trẻ của làng nghề đang hăng say, cần mẫn làm việc, chăm chút cho từng chiếc bánh sao cho thật tròn đẹp, thật thơm ngon để mang đến cho người tiêu dùng những chiếc bánh tráng “tuyệt vời nhất”.
Chúng tôi ghé thăm nhà chị Dương Thị Nhàn ở ấp Nghĩa Huấn, một trong những gia đình đã có hơn 20 năm làm nghề sản xuất bánh tráng. Lúc này, cả gia đình chị vẫn đang tất bật thực hiện các công đoạn làm bánh cho kịp giao cho các mối đã đặt hàng. Vừa tráng bánh, chị vừa vui vẻ trò chuyện với chúng tôi.
Chị cười chia sẻ, chị là người ở Phong Điền, về làm dâu xứ này đã nhiều năm, cũng từ gia đình chồng, chị đã biết đến nghề làm bánh tráng. Tuy có vất vả nhưng chị cảm thấy rất vui vì nhờ đó mà kinh tế gia đình ổn định và chị ngày càng yêu thích công việc này hơn.
Người thân trong gia đình chị cho biết thêm, đến nay chị đã là một “người thợ” làm bánh giỏi, thuần thục tất cả các khâu và trở thành một trong những “trụ cột” của gia đình từ việc làm bánh đến việc xem xét quản lý các khâu trong sản xuất, mua bán.
Nguyên liệu chính gia đình sử dụng là gạo sỏi Trà Vinh, dừa và các nguyên liệu khác mua tại địa phương. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình chị sản xuất từ 500 đến 600 chiếc bánh với 3 dạng bánh tráng: loại bình thường, loại nước cốt dừa nhiều (loại béo) và thêm loại sữa hột gà; thu nhập bình quân trên 10 triệu đồng/tháng.
Theo chị Nhàn, trong khâu làm bánh, phần nêm và khuấy bột là khá quan trọng để tạo nên hương vị bánh ngon, ngoài ra cũng phải kết hợp tốt với các khâu còn lại: tráng bánh cho đẹp và phơi bánh đủ độ nắng để cho ra chiếc bánh hoàn hảo nhất.
Bánh đi khắp nơi, về khắp chốn
Có nhiều nơi sản xuất bánh tráng nhưng bánh tráng của Làng nghề Bánh tráng Mỹ Lồng đã nổi danh là thơm ngon bậc nhất so với các nơi khác trong tỉnh. Chứng minh cho điều đó là thị trường tiêu thụ sản phẩm của Làng nghề từ lâu đã bứt phá ra khỏi nội tỉnh, nhiều tỉnh khác trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, vào dịp cận Tết, đơn đặt hàng cả trong và ngoài tỉnh tăng cao. Điển hình như hộ sản xuất của chị Nhàn, gia đình chị hiện đã nhận rất nhiều mối đặt hàng từ khắp các huyện trong tỉnh và một số mối ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Trà Vinh…
“Nếu cần số lượng lớn, họ đều đặt hàng từ hơn một tháng trước Tết, vì nếu đặt trễ thì sẽ không hộ nào nhận làm, do không làm xuể” - chị Nhàn cho biết. Khách có nhu cầu mua lẻ, có thể đến các quầy bánh được bày bán ở nhiều nơi tại khu vực Làng nghề.
Sở dĩ bánh tráng của Làng nghề vẫn giữ vững được “vị và tiếng” trong thời điểm cạnh tranh hàng hóa là nhờ nhiều yếu tố, trong đó có khâu quản lý, chăm chút cho Làng nghề của chính quyền địa phương và các ngành hữu quan. Yếu tố quan trọng nữa là “cái tâm” với nghề của những người sản xuất, muốn giữ vững nghề truyền thống của ông bà.
Các nghị quyết về sự phát triển kinh tế của xã, huyện và tỉnh, đặc biệt là sự quan tâm phát triển về lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho việc sản xuất và phát triển làng nghề. Địa phương cũng đã phối hợp các ngành hữu quan tổ chức một số lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hộ sản xuất bánh của Làng nghề.
Riêng đối với người làm bánh, ai cũng đã xác định là “bám trụ” với nghề truyền thống của ông bà để lại nên họ rất chăm chút cho chất lượng sản phẩm để không chỉ “giữ mối, giữ tiếng” lâu dài mà còn là giữ lại cả “cái tâm” với nghề làm bánh của các thế hệ trước.
Mặc dù Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức: cạnh tranh thị trường, cần tiếp tục đầu tư cải tiến kỹ thuật, mẫu mã… nhưng có thể khẳng định bánh tráng Mỹ Lồng đã có “chỗ đứng” khá vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Những chiếc bánh tráng béo, thơm, giòn rụm sau khi nướng chín càng làm tăng hương vị ngọt ngào ngày Xuân, là món quà mộc mạc, dân dã nhưng đong đầy tình cảm cho nhau giữa những người thân, bè bạn.
Theo http://baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=46651
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin