Chợ nổi ngày giáp Tết

02:01, 15/01/2016

Tháng Chạp, chợ nổi bắt đầu tấp nập những phiên chợ cuối năm. Hàng hóa từ các tỉnh miền Tây đổ về đây phong phú hơn, giúp các thương hồ tranh thủ được vụ buôn bán "thịnh" nhất trong năm.

Tháng Chạp, chợ nổi bắt đầu tấp nập những phiên chợ cuối năm. Hàng hóa từ các tỉnh miền Tây đổ về đây phong phú hơn, giúp các thương hồ tranh thủ được vụ buôn bán “thịnh” nhất trong năm.

Anh Tài sẽ tranh thủ về quê sau vụ bán Tết
Anh Tài sẽ tranh thủ về quê sau vụ bán Tết

Nhộn nhịp mua bán trên sông

Khoảng 6 giờ sáng, chợ nổi Long Xuyên đã bắt đầu nhộn nhịp. Khung cảnh bình yên của sông Hậu bị khuấy động bởi tiếng xuồng máy của dân đưa đò chở bạn hàng “ra ghe” mua nông sản.

Với dân địa phương, khái niệm chợ nổi không thông dụng, họ chỉ quen gọi “ra ghe mua đồ” với hàm ý đi chợ trên sông. Nông sản ở chợ nổi phong phú không kém trên bờ, từ trái dừa Sóc Trăng đến củ khoai ngọt đất Long An, bí đất Vĩnh Long, khóm miệt Kiên Giang... Bởi, thương hồ là “dân tứ xứ” nên nông sản cũng “gắn mác” nhiều vùng. 

Là người cắm sào ở chợ nổi Long Xuyên hơn 5 mùa Tết, anh Nguyễn Hữu Tài (bạn hàng từ huyện Kế Sách, Sóc Trăng) cảm nhận rất rõ nét đặc thù của chợ nổi dịp cuối năm. “Giữa tháng 11 âm lịch, việc mua bán đã bắt đầu nhộn nhịp. Mấy tháng trước đó, độ 7 - 8 ngày, tui mới về quê gom dừa lên một lần.

Còn bây giờ, cứ 3 - 4 ngày là phải đi một chuyến, bởi người ta bắt đầu mua nhiều hơn. Với lại, giá dừa cũng bắt đầu “nhích” lên khoảng 100.000 - 120.000 đồng/chục, chứ không còn nằm ở ngưỡng 80.000- 90.000 đồng/chục như trước”.

Không chỉ ghe anh Tài, mà những ghe lân cận cũng tất bật trong buổi chợ sáng. Theo chia sẻ của người thương hồ miệt Sóc Trăng này, cứ mỗi dịp Tết là bạn hàng trên bờ ra mua nông sản suốt ngày.

“Trước tháng Chạp, chợ nổi chỉ “sung túc” được buổi sáng, tầm 9- 10 giờ trưa là ngơi bạn hàng. Nhưng hiện giờ, họ ra mua đồ lai rai tới chiều, có người ra ghe của tui 2 bận/ngày. Cũng nhờ đó mà anh em thương hồ có được đồng vô kha khá để về quê ăn Tết”- anh Tài thiệt tình.

Thời điểm chúng tôi ghé thăm, chợ nổi vẫn chưa vào vụ mua bán nhộn nhịp nhất của năm. Anh Tài bảo rằng, muốn xem chợ nổi náo nhiệt cỡ nào thì nên quay lại đây khoảng 20 tháng Chạp.

Lúc đó, hàng hóa đổ về nhiều gấp đôi, ba lần hiện nay. Những ghe chở bông, chở kiểng cũng đến đây cắm sào khiến cho cả khúc sông trở nên vui nhộn, đẹp mắt lạ lùng.

Ăn Tết trên sông

Đời thương hồ “trôi nổi” quanh năm nên anh Tài và những bạn đồng nghề cũng có cách đón Tết rất riêng. Như mọi năm, chừng 27 Tết là chợ nổi đã vắng ghe. Buôn bán cả năm rồi nên không ai muốn “gạo chợ, nước sông” nữa, họ chỉ muốn về sum vầy với gia đình, con cái! Bởi vậy, chừng lối đó là dân thương hồ quay ghe, vượt đường sông trở về bản xứ ăn Tết.

Đối với những bạn hàng cố bám vào chợ nổi thì cái Tết của họ có phần kém vui hơn. Anh Nguyễn Văn Chia, một tiểu thương khác tại chợ nổi, chia sẻ: “Năm nào, tui cũng phải ăn Tết trên sông bởi mình tranh thủ đồng lời từ vụ bán Tết để lo cho gia đình. Tuy vậy, ăn Tết trên ghe cũng có cái vui riêng của nó. Hầu như vợ chồng tui sắm sửa không thiếu thứ gì, từ bánh mứt cho đến nồi thịt kho trong bếp”.

Bởi cuộc sống “lấy ghe làm nhà” nên anh Chia mang theo cả những cội mai vàng đặt trước mũi ghe. Với anh, đó chính là mùa xuân của đất trời. Cứ thấy mai nhú lộc, anh lại tranh thủ thời gian rãnh rỗi lặt lá, tưới phân để mai nở đúng mấy ngày đầu năm “cho có Tết với người ta”.

Anh Chia tâm sự, chợ nổi những ngày giáp Tết rất đông đúc nhưng bước sang 30 tháng Chạp lại thưa vắng buồn lắm.

Bởi thế, những chiếc ghe còn lại thường kết nối, đậu san sát nhau. Ở đó, họ là một “xóm ghe”, cùng nhau đón Tết giữa mênh mông sóng nước.

“Chúng tôi cũng đi chơi Tết. Thông thường, vào những ngày đầu năm, vợ chồng tui lại xuống xuồng bơi vô bờ. Phố xá nhộn nhịp giúp mình cảm thấy hào hứng, mà quên đi nỗi vất vả sau 1 năm dài đầu tắt mặt tối với cuộc mưu sinh” - anh Chia trải lòng.

Mùa Tết năm nay, vợ chồng anh Chia lại tiếp tục đón Tết trên ghe như thường lệ. Tuy nhiên, anh Chia vẫn không thôi ước vọng vào một cuộc sống “an cư lạc nghiệp” trên bờ, và mùa xuân của họ sẽ không còn “bồng bềnh” như chính cuộc mưu sinh.

Theo http://tintucmientay.com.vn/Van-hoa-dong-bang/nhip-song-van-hoa/Cho-noi-ngay-giap-Tet.html

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh