Đi làm xa quê nhiều năm, từng được thưởng thức nhiều món ăn của các vùng miền, nhưng với tôi món cháo nhộng ong rừng ở quê vẫn là "đặc sản" nhớ lâu nhất. Bát cháo thơm nức, có vị ngọt ngọt, béo ngậy của nhộng ong luôn khiến tôi thèm thuồng mỗi khi nhớ đến.
Đi làm xa quê nhiều năm, từng được thưởng thức nhiều món ăn của các vùng miền, nhưng với tôi món cháo nhộng ong rừng ở quê vẫn là “đặc sản” nhớ lâu nhất. Bát cháo thơm nức, có vị ngọt ngọt, béo ngậy của nhộng ong luôn khiến tôi thèm thuồng mỗi khi nhớ đến.
Hồi nhỏ cứ vào mùa khô, tôi và đám bạn thường rong ruổi khắp các dãy đồi, rừng cây để tìm bắt ong. Ở Bình Phước quê tôi khi ấy ong rất sẵn. Chúng tôi thường xuyên gặp lũ ong nên sớm có “ngón nghề” săn bắt sản vật này.
Đối với các loại ong ruồi, ong khoái (lấy mật) cách bắt khá đơn giản, chỉ cần hun khói cho ong bay đi là có thể chặt cả cành cây có tổ ong mang về. Thậm chí với ong ruồi, người bắt chỉ cần cuốn, hút một điếu thuốc to rồi thổi khói xua ong đi và dễ dàng cắt lấy tổ.
Riêng đối với ong đất, ong vò vẽ, việc bắt chúng không hề đơn giản. Người bắt phải thật cẩn thận bởi hai loại ong này nổi tiếng là độc, chỉ cần vài nọc độc có thể khiến con người ta bất tỉnh, thậm chí mất mạng. Những người lớn tuổi trong làng thường can ngăn, không cho chúng tôi đi bắt 2 loại ong trên là vì lý do như thế.
Để bắt loại ong này, đa phần người dân quê tôi phải thao tác vào ban đêm. Người bắt phải có mũ trùm đầu, mặc đồ bảo hộ từ đầu đến chân để đảm bảo không bị ong “chích”.
Nhộng ong đất sau khi săn bắt về, nấu được một nồi cháo ngon. |
Với ong vò vẽ thường làm tổ trên cao, người đi bắt phải bắc thang, hoặc trèo leo lên cây để tiếp cận tổ rồi đưa ngọn đuốc cháy vào lỗ (cửa) ra vào tổ ong. Thấy lửa, đàn ong trong tổ sẽ tự động bay ra và bị đốt hết cánh rồi rơi rụng xuống đất. Sau đó người bắt chỉ cần hái tổ mang về lấy nhộng.
Riêng với ong đất, do tổ thường nằm âm dưới các mô đất, gốc cây mục nên phải tìm được lỗ ra vào của tổ ong, thông thường mỗi tổ có 2 lỗ. Sau đó người bắt dùng một túi lưới, hoặc túi vải mùng giăng sẵn ở một lỗ. Tại lỗ còn lại thì dùng cỏ, rơm đốt hun khói vào trong để ong bay ra ngoài. Khi đó đàn ong sẽ dồn bay hết ra ngoài theo hướng lỗ có “bẫy” giăng sẵn. Khi đảm bảo ong đã bay hết vào túi thì dùng cuốc đào lấy tổ mang về.
Việc săn bắt ong vò vẽ, ong đất gian nan là thế nhưng mỗi lần thấy tổ ong, ở quê tôi ai cũng háo hức đi bắt để lấy nhộng đem về nấu cháo. Đây là món không thể thiếu sau những lần săn bắt ong.
Để làm món cháo nhộng ong rừng, đầu tiên nấu nồi cháo trắng sẵn, nhộng ong rửa sạch, để khô nước. Tiếp đó, bắc chảo dầu ăn bỏ hành, tỏi vào phi thơm, đổ nhộng ong vào xào, nêm nếm bột ngọt, nước mắm. Sau đó đổ chảo nhộng ong vào nồi cháo rồi thổi lửa cho cháo sôi trở lại là ăn được.
Nấu món cháo nhộng ong rừng đơn giản, dân dã là thế nhưng khi ăn mới cảm nhận được hết vị ngon của loại cháo này. Húp một bát cháo trắng nóng hổi, nhai nhẹ từng con nhộng ong mềm nhũn, người ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt ngọt, béo ngậy cùng mùi thơm ngon đến khó tả. Những buổi tối đi bắt ong về, được thưởng thức cháo nhộng ong luôn là một thú vui mà không phải ở đâu cũng có được.
Giờ đây quê tôi đất chật người đông, rừng cây bị thu hẹp dần nên tìm được tổ ong lấy nhộng là rất hiếm. Món cháo nhộng ong rừng vô tình đã trở nên “xa xỉ”, thậm chí nhiều người đã quên hẳn món này. Nhưng với tôi cứ đến thời điểm cuối năm, tôi lại nhớ một thời rong ruổi bắt ong rừng nấu cháo.
Theo http://danviet.vn/que-nha/nho-thoi-bat-ong-rung-ve-nau-mon-chao-nhong-649309.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin