Để nâng cao chuỗi giá trị hạt ngọc sạch trồng ở vùng đất 1 lúa + 1 tôm phát triển bền vững, năm 2015, UBND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã xúc tiến đăng ký nhãn hiệu Gạo sạch Thạnh Phú.
Để nâng cao chuỗi giá trị hạt ngọc sạch trồng ở vùng đất 1 lúa + 1 tôm phát triển bền vững, năm 2015, UBND huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã xúc tiến đăng ký nhãn hiệu Gạo sạch Thạnh Phú.
Trồng lúa sạch ở Thạnh Phú |
Ông Hồ Văn Cường, Tổ phó Tổ hợp tác sản xuất lúa sạch ở ấp An Hòa, xã An Nhơn (Thạnh Phú) canh tác 1,7 ha trồng 1 vụ lúa + 1 vụ tôm khoe: Để làm ra hạt gạo sạch thì điều bất di, bất dịch là phải trồng lúa sạch. Lúa sạch ở vùng đất Thạnh Phú được thu hoạch trước Tết Nguyên đán hàng năm. Hạt gạo sạch là nguồn nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất bánh phục vụ Tết.
Ưu điểm của việc trồng lúa sạch ngoài sản phẩm gạo sạch còn thu được tôm, cua, cá sạch. Nguồn nguyên liệu gạo sạch đáp ứng không đủ cho người tiêu dùng và các cơ sở, doanh nghiệp chế biến thực phẩm.
Sản phẩm gạo sạch sản xuất trên nền đất nuôi tôm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm vì trong quá trình trồng lúa không sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng một ít phân hữu cơ, chế phẩm vi sinh để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa phát triển. Còn bản thân của đất đã có phù sa và chất thải các loài thủy sản là nguồn dinh dưỡng tốt để cây lúa phát triển. Đây là mô hình trồng lúa cho ra hạt gạo tuyệt đối sạch.
Bây giờ bà con ở các xã ven biển Thạnh Phú đều chọn cách canh tác lúa kết hợp nuôi thủy sản các loại như tôm càng xanh, tôm sú, cua biển và tôm tự nhiên; thu hoạch lúa xong tiếp tục nuôi tôm quảnh canh. Mô hình đang giúp nông dân đạt thu nhập cao, ổn định và rất bền vững trong điều kiện mặn ngày càng xâm nhập sâu.
Ông Cường cho biết, mô hình tôm lúa mới phát triển mạnh trong vòng 3 năm trở lại đây. Sau một thời gian bà con nuôi tôm không hiệu quả thì Trung tâm KN-KN Bến Tre triển khai thực hiện mô hình trồng lúa trên đất nuôi tôm kết hợp với khai thác thủy sản tự nhiên đạt kết quả cao.
Để nâng cao chuỗi giá trị của việc trồng lúa sạch, đầu năm 2015, UBND huyện đã chọn 17 hộ dân trong Tổ hợp tác sản xuất lúa sạch 15 ha ở ấp An Hòa, xã An Nhơn làm điển hình đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Ông Trương Thanh Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thạnh Phú cho biết, mô hình trồng lúa sạch (lúa, tôm) đang phát triển ở huyện theo các hình thức: Trồng lúa kết hợp với nuôi và khai thác thủy sản tự nhiên trong 6 tháng ngọt và luân canh một vụ tôm quảng canh trong 6 tháng mặn xâm nhập sâu. Để mô hình phát triển bền vững, UBND huyện đã quy hoạch vùng trồng lúa sạch khoảng 7.000 ha tại 7 xã Mỹ An, An Thạnh, An Thuận, An Qui, An Điền, An Nhơn và An Quy.
Hiện các xã trong vùng quy hoạch đã sản xuất được 5.600 ha. Xuất phát điểm của phong trào sản xuất lúa sạch tập trung đầu tiên là ở xã An Nhơn với diện tích hơn 100 ha và được Cty Lương thực Bến Tre ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Toàn bộ sản lượng lúa 2014 và 2015 đã được Cty thu mua với mức cao hơn thị trường 2%. Hiện cánh đồng lúa sạch ở xã An Nhơn đã thu hoạch xong và được Cty thu mua 6.500 đồng/kg.
Trong vòng 3 năm trở lại đây mô hình tôm lúa đã giúp người dân vùng ven biển Thạnh Phú thoát nghèo bền vững. Hộ nghèo từ 17% đã giảm xuống còn 8,7% sau 3 năm. Năng suất lúa trên đất nuôi tôm năm 2014 đạt 6 tấn/ha, trừ chi phí nông dân lãi ròng 70%/tổng thu.
Năm 2015, do ảnh hưởng mặn xâm nhập sớm làm năng suất lúa giảm 40% nhưng bà con vẫn thu lãi khoảng 15 triệu đồng/ha/vụ lúa. Hộ ít vốn trồng lúa kết hợp với khai thác thủy sản tự nhiên như tôm bạc đất, cá đối, cá nâu... thu khoảng 100 triệu đồng/năm/ha. Hộ khá đầu tư thả giống tôm thẻ, tôm sú, tôm càng xanh, cua biển... tận dụng nguồn rơm nuôi bò thì thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.
Trồng lúa sạch sinh thái cho gạo sạch |
Hiện tại, rơm sạch là nguồn thức ăn để người dân Thạnh Phú nuôi bò và là một trong những nguồn nguyên liệu đáp ứng cho việc xuất khẩu rơm. Giá rơm sạch đang có mức rất cao từ 500.000 – 700.000 đồng/1.000 m2. Nhiều bà con bán 1 ha rơm sạch là thu lại đủ chi phí đầu tư cho 1 ha lúa.
Ông Lâm Văn Tân, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thì huyện đang chỉ đạo các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với xây dựng thương hiệu cho từng mặt hàng nông sản.
Hiện UBND huyện đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa cho mặt hàng Gạo sạch Thạnh Phú, đã được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận hồ sơ, dự kiến đến tháng 3/2016 là có quyết định công nhận. Các bước chuẩn bị cho việc đón nhận và phát triển thương hiệu gạo sạch Thạnh Phú là chỉ đạo các địa phương triển khai nhân rộng mô hình sản xuất lúa sạch đã được quy hoạch. UBND huyện đang tranh thủ xin dự án sản xuất lúa sạch theo các tiêu chuẩn GAP để đáp ứng yêu cầu của đối tác ký kết hợp tác đầu ra cho gạo sạch Thạnh Phú.
UBND huyện cũng đã liên kết với Cty Lương thực Bến Tre và kêu gọi thêm một số doanh nghiệp ở TP Cần Thơ và TP HCM trong việc tiêu thụ mặt hàng gạo sạch Thạnh Phú tại thị trường nội địa và xuất khẩu. Sau 3 năm phát triển thì mô hình trồng lúa sạch đã góp phần tăng thu nhập trong từng nông hộ gấp 2 – 3 lần so với việc sản xuất độc canh tôm. Thu nhập của người dân Thạnh Phú đã đạt mức trên 25 triệu đồng/người/năm, tăng 1,8 lần so với đầu nhiệm kỳ.
Trồng lúa sinh thái không chỉ thu được nguồn nguyên liệu gạo sạch, thủy sản sạch mà còn cung cấp nguyên liệu sạch cho quá trình chế biến thực phẩm sạch.
Theo http://nongnghiep.vn/gao-sach-lang-bien-post154246.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin