Qua gần 100 năm kể từ ngày được tạo lập, đình Bình Phụng ở Vũng Liêm đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm và là "chứng nhân" nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đặc biệt, ngôi đình nhỏ này đã ghi lại dấu ấn của Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940).
Tự hào tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa |
Qua gần 100 năm kể từ ngày được tạo lập, đình Bình Phụng ở Vũng Liêm đã trải qua biết bao biến cố, thăng trầm và là “chứng nhân” nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Đặc biệt, ngôi đình nhỏ này đã ghi lại dấu ấn của Khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940).
Ngày nay, đình Bình Phụng vừa là trung tâm văn hóa tín ngưỡng ở địa phương, đặc biệt, còn là một “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ.
Tự hào tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa
Cách thị trấn Vũng Liêm gần 5km, tọa lạc tại ấp Bình Phụng (xã Trung Hiệp- Vũng Liêm), đình Bình Phụng được nhân dân tạo lập vào năm 1920 bằng tre lá đơn sơ với mục đích thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Ông Tà theo tín ngưỡng của đồng bào Khmer và những bậc tiền nhân có công khẩn hoang, lập ấp, nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, đồng thời cầu cho mưa thuận gió hòa; làng xóm an bình, phát đạt.
Đây cũng là sự phối thờ thể hiện nét độc đáo trong mối giao thoa văn hóa của 2 dân tộc anh em, trong những thập niên đầu thế kỷ XX.
Năm 1925, đình được trùng tu, sửa chữa lại theo kiến trúc của một đình làng Nam Bộ gồm chánh điện, võ quy và võ ca. Đình thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, tiếp đến là các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ có công với làng Bình Phụng khi xưa.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, đình Bình Phụng là một trong những ngôi đình ở Vũng Liêm được chính quyền cách mạng tổ chức hội họp, tập hợp lực lượng nghĩa quân cùng đứng lên khởi nghĩa tiến đánh những địa điểm xung yếu do giặc chiếm đóng.
Hiện nay, bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ khắc ghi những dòng chữ: “Ngày 23/11/1940, nhân dân tỉnh Vĩnh Long kiên cường nổi dậy tham gia cuộc khởi nghĩa vũ trang do Xứ ủy Nam Kỳ lãnh đạo.
Nghĩa quân Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, hạ các đồn: Trung Ngãi, Ngã tư Nhà Đài, Quới Thiện, Nước Xoáy, giành được chính quyền từ quận đến các xã. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời Vũng Liêm…”
Riêng tại Trung Lương và Trung Điền (nay là xã Trung Hiệp và Trung Hiếu), gần 100 nghĩa quân với gậy gộc, giáo mác, chân đất hành quân tiến đánh đồn Nước Xoáy, diệt địch, thu súng, cắt đường dây điện thoại, chiếm bến phà qua sông Măng Thít…
Thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, toàn quận Vũng Liêm có 37 người bị giết hại, 457 người bị bắt, 159 người bị lưu đày, hơn 300 căn nhà bị đốt, hàng ngàn người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Quân giặc lục soát đình Bình Phụng, đốt tất cả nhà dân và bắt hơn 20 nghĩa quân…”.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng sử dụng đình Bình Phụng làm trụ sở Ủy ban Hành chính xã Trung Hiệp và là nơi hội họp của các đoàn thể xã như: Phụ nữ, Thanh niên Tiền phong,… Cuối năm 1946, thực dân Pháp phá hủy đình Bình Phụng, đem cây gỗ về cất trại lính ở Mai Phốp (xã Trung Hiếu) ngày nay.
Đến năm 1955, đình được bà con nhân dân dựng tạm ở vị trí khác cách nền đình cũ khoảng 400m hướng về cầu Sẹo và năm 1994 thì đình được di dời trở về vị trí ban đầu.
|
Đình Bình Phụng đã được UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số 970/QĐ.UBT ngày 17/4/2003. |
Nơi giáo dục truyền thống
Trải qua quá trình kháng chiến trường kỳ, cùng với những lần bị phá hủy, di dời, đến ngày 23/11/2002, cựu nghĩa quân Phan Văn Hòa (tức cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt) vận động chính quyền và nhân dân địa phương cùng nhau xây mới ngôi đình Bình Phụng trên nền đất cũ, với diện tích hơn 3.000m2, gồm chánh điện, nhà khói và sân khấu.
Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ do cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phụng lập trong khuôn viên đình Bình Phụng. |
Phía trước đình có khoảng sân rộng, trồng nhiều hoa kiểng, cây xanh, mà theo cô Nguyệt- người chăm sóc hương khói cho đình thì có một số cây được cố Thủ tướng mang về trồng, nay đã cao lớn xanh um, tỏa bóng mát: cặp cây bồ đề, cặp cây si,…
Các cây này luôn được Ban Bảo vệ di tích và bà con địa phương hết lòng chăm sóc, như thể hiện lòng thành kính của mình đối với những đóng góp, những công lao to lớn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Đặc biệt, trong khuôn viên đình hiện nay vẫn còn lưu lại một công trình cũng do cố Thủ tướng phụng lập, đó là Bia tưởng niệm Khởi nghĩa Nam Kỳ, được làm bằng khối đá hoa cương màu đỏ, ghi lại diễn biến, kết quả của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhằm ghi tạc công ơn của nhân dân và nghĩa sĩ Trung Hiệp, Trung Hiếu trong cuộc khởi nghĩa này.
Như bao ngôi đình làng khác ở Nam Bộ, đình Bình Phụng hàng năm vẫn có 2 lễ hội chính là lễ Hạ điền tổ chức vào ngày 17/3 âm lịch và lễ Thượng điền vào ngày 17/10 âm lịch. Vào những ngày này, người dân trong và ngoài huyện đến rất đông, tạo nên một quang cảnh lễ hội rất nhộn nhịp.
Bên cạnh đó, đình còn là nơi để chính quyền địa phương tổ chức những cuộc họp quan trọng, triển khai các chủ trương, đường lối chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến quần chúng nhân dân.
Đình Bình Phụng- “địa chỉ đỏ” để các thế hệ, nhất là học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu và thể hiện lòng thành kính đối với những bậc tiền nhân không tiếc máu xương để chiến đấu chống giặc ngoại xâm mang lại độc lập, tự do cho dân tộc.
|
||
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ ở Vũng Liêm, đồng chí Nguyễn Thị Hồng đã trực tiếp chỉ huy 50 chiến sĩ xung kích và 300 dân làng tiến đánh quận Vũng Liêm. Kết thúc trận đánh, ta thu toàn bộ súng đạn, lập chính quyền cách mạng và Tòa án cách mạng. Theo di nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Vĩnh Long sẽ phối đặt tượng đồng chí Nguyễn Thị Hồng bên cạnh Bia Nam Kỳ khởi nghĩa.
|
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin