Chúng tôi về xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) theo lời mời của một người bạn. Một ngày đắm chìm trong cái nắng cái gió ở xã biên giới, chợt thấy lòng mình như thấm hơn bởi cái tình của những con người chân chất nơi mảnh đất lành.
Chúng tôi về xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng (Long An) theo lời mời của một người bạn. Một ngày đắm chìm trong cái nắng cái gió ở xã biên giới, chợt thấy lòng mình như thấm hơn bởi cái tình của những con người chân chất nơi mảnh đất lành.
1. Sau ba giờ đi xe máy, chúng tôi đã đến được nhà anh Phan Minh Hùng. Nhà anh nằm ở ấp Kinh Cũ, xã Hưng Điền B bên con đường Tân Thành - Lò Gạch chạy thẳng về xã Hưng Điền.
Anh Bảy Hùng (người dân ở đây vẫn gọi anh với cái tên thân mật như thế) giải thích với khách, con đường này nằm cạnh con kinh Tân Thành - Lò Gạch, nên dân gọi theo tên con kinh luôn, có thể sắp tới sẽ mở rộng rồi tráng nhựa. Ngồi trước sân nhà, chúng tôi nhìn theo những chiếc máy gặt đang hối hả trên đồng lúa chín rộ. Vẫn đang mùa thu hoạch lúa.
Anh Bảy Hùng cho hay, nhà anh cũng có hai máy gặt đập liên hợp, đang đi cắt lúa thuê ở xã bên. Từ đầu vụ ba đến giờ, anh cắt thuê cũng được hơn 400 ha. “Xã này có máy gặt đập nhiều nhất ở huyện đó, cỡ 100 chiếc” - anh Bảy Hùng khoe. Chính vì thế, khi vào vụ, vùng đất lúa hơn 4.300 ha, nhiều nhất Tân Hưng này, lại rộn vang không dứt tiếng máy “ăn lúa”, sôi động của vùng biên giới.
“Lai rai chút nha” - anh Hùng cười hồn hậu. Kim đồng hồ trên tường nhà anh chỉ con số 9. Sợ khách hiểu lầm, anh Hùng liền nói thêm: “Chủ yếu nói chuyện chơi thôi. Có khách nên mới có “chút đỉnh”. Bằng không là tui đi làm suốt ngày. Đang trong mùa vụ mà.”
Anh Hùng gọi thêm ba người đến. Anh Phong làm nghề tiện. Anh Uôn chạy máy. Người còn lại đang bước từ dưới ghe lên. “Ông đó tên Nguyễn Cang Trực, nhưng gọi thường ngày là Út Tên, mới đến đây. Ổng làm nghề nuôi vịt chạy đồng” - anh Hùng nói ngắn gọn về người khách thứ ba. Bàn tiệc nhanh chóng được dọn lên nhờ sự đảm đang của chị Nhẹ, vợ anh Hùng.
Trước mặt chúng tôi bây giờ là những món ăn đặc sản của vùng Đồng Tháp Mười: lẩu lươn và chuột đồng nướng mọi. Gắp miếng thịt chuột cho khách, anh Hùng tranh thủ giới thiệu: “Thịt chuột mùa này ngon và mập nhất vì nó còn ăn lúa non. Bắt nó nướng mọi, ăn sẽ rất ngọt”.
“Vùng đất này dân tứ xứ nhiều lắm. Đất lành thì chim đậu thôi” - anh Hùng khề khà. Có người như anh Phong từ các tỉnh phía nam của tỉnh Long An lên đây làm ăn rồi “mọc rễ” ở vùng này luôn, nhưng cũng có người từ các tỉnh khác, hằng năm theo thời vụ lại đến Hưng Điền B để mưu sinh. Anh Phong kể, quê anh ở Thủ Thừa, Long An.
Cách đây hơn 15 năm, anh lên xã Hưng Điền B để phụ người bà con làm nghề hàn, tiện. Đi với hai bàn tay trắng, anh Phong chỉ biết chăm chỉ làm ăn ở vùng đất còn nhiều mới lạ với mình. Thấy anh chịu khó, tay nghề lại giỏi nên người bà con bèn giao cho anh làm chủ cửa tiệm. Công việc ngày càng thuận lợi, anh mua thêm ruộng đất rồi lập gia đình. “Giờ Hưng Điền B là quê hương thứ hai của tôi rồi” - anh Phong cười hiền lành.
Anh Uôn thì khác. Anh có nhà cửa, vợ con đàng hoàng ở xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. Nhưng vì công việc, “số ngày tui ở Hưng Điền B còn nhiều hơn ở nhà”.
Anh Uôn chạy máy gặt thuê, đến mùa, anh chạy từ cánh đồng này qua cánh đồng khác, mặc cái nóng cứ hừng hực, mặc làn da ngày càng đen sạm. Đến tối, anh chui xuống ghe của mình mà ngủ. Đó là ngôi nhà thứ hai của anh, đã cùng anh lênh đênh theo dòng đời này cũng gần 20 năm...
Anh Út Tên quê ở Phú Tân, An Giang, làm nghề nuôi vịt chạy đồng đã hơn 20 năm. “Nghề này của bên vợ. Cưới vợ rồi theo nghề luôn” - anh Tên tâm sự. Trước khi đến Hưng Điền B, anh mua đồng thả vịt ở các xã trên như Hưng Hà, Hưng Điền. Nghe người quen giới thiệu dưới này có ruộng vừa cắt nên anh đến hỏi mua rồi dẫn vịt xuống.
Cả gia đình cùng đi. Vợ, chồng, con cái thay phiên nhau giữ vịt. Anh cho biết, thời buổi này, nuôi vịt chạy đồng khó lắm. Hiện anh nuôi chỉ hơn 1.500 con vịt cò nên không cần thuê người. Chiếc ghe chở gia đình anh giờ neo bến trước nhà anh Bảy Hùng. Anh Hùng cho anh câu điện nhờ.
Sáng sáng, anh lên uống trà với anh Hùng, nói chuyện làm ăn trước khi ra đồng chăn vịt. Anh Tên chia sẻ, nghề này nếu gặp chủ nhà tử tế thì đỡ lắm, còn không thì vất vả chồng thêm vất vả. Họ làm khó mình đủ điều. Anh Tên cho biết, đây là vụ “chét” nên có thể anh thả vịt ở Hưng Điền B lâu hơn.
2. Gió từ cánh đồng mới gặt thổi lên. Chúng tôi hít sâu mùi hương của rơm rạ, của hơi đất. Ly rượu vẫn chậm rãi được chuyền qua tay từng người. Anh Hùng bật mí, sắp tới anh sẽ làm tiệc mừng đứa con thứ hai của anh vừa đậu vào đại học ở TP Hồ Chí Minh.
Anh có ba người con trai. Đứa lớn nhất vừa tốt nghiệp đại học kinh tế và đang về phục vụ huyện nhà. Đứa út đang học lớp 8 và học rất giỏi. Có lẽ anh là một trong những gia đình nông dân ít ỏi ở xã biên giới Hưng Điền B này có hai con bước vào giảng đường đại học. Anh kể, vợ chồng anh đều học không đến nơi đến chốn. Anh chưa hết lớp 9. Vợ anh cũng không khá hơn.
Hai vợ chồng chỉ biết làm ăn trên năm mẫu ruộng của gia đình. Bước ngoặt đến với anh khi anh trúng xổ số giải độc đắc. Anh không sắm sửa, xây nhà hoành tráng mà tập trung tích lũy mua thêm 10 mẫu ruộng và hai chiếc máy gặt đập liên hợp.
“15 mẫu ruộng tui cho mướn hết. Hai chiếc máy thì đi gặt thuê quanh năm. Hai vợ chồng không còn dang lưng ngoài đồng nữa. Nhờ vậy, chúng tôi có thời gian quan tâm đến việc học của các con nhiều hơn” - anh Hùng chia sẻ. Căn nhà nhỏ của anh Hùng được trang trí bằng những giấy khen, bằng khen của cả gia đình chen kín trên hai vách tường.
Những thành tích học tập của ba người con, những giấy khen của huyện hay bằng khen của tỉnh dành cho gia đình văn hóa tiêu biểu là niềm tự hào của cả gia đình người nông dân này. Anh không tạo áp lực nhiều cho con phải đạt thành tích này kia, chỉ khuyên nhủ và tạo điều kiện cho các con mình được học tập một cách tốt nhất, phát huy hết khả năng của mình.
Người nông dân ở Hưng Điền B giờ đây quan tâm hơn đến việc học của con em. Ai ai cũng muốn thế hệ mai sau có một tương lai tươi sáng, không mãi quẩn quanh nơi đồng ruộng. Nếu không đậu vào đại học, con cái họ sẽ được học một nghề nào đó phù hợp.
Như anh Phan Văn Vũ ở ấp Kinh Cũ, xã Hưng Điền B. Người con gái lớn của anh luôn là niềm tự hào của cả gia đình trong suốt những năm học phổ thông. Tuy nhiên, học tài, thi phận. Con anh Vũ không đậu vào trường đại học như ý muốn, anh liền hướng con đi học nghề. Đứa con thứ hai của anh đã lên lớp 2 và gia đình anh cũng đang hết sức chăm lo để con mình học đến nơi đến chốn.
Đối với những người có hoàn cảnh như anh Út Tên, anh Uôn, chuyện học hành của con không phải là điều dễ dàng. Dù bỏ học nửa chừng, nhưng hai người con của anh Út Tên vẫn có việc làm ổn định. Người con út đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh, người con trai lớn thì theo anh chăm lo bầy vịt.
Thấy con mình chịu khó làm việc, dù là công việc tay chân, anh cũng an lòng phần nào. Riêng đứa con duy nhất của anh Uôn giờ đây đã đi làm công nhân ở Bình Dương. “Lâu lâu nó cũng gửi tiền về cho gia đình. Vậy là tui cũng vui rồi” - anh Uôn xúc động.
Bữa tiệc tàn sau khi mọi người thống nhất “đủ rồi”. Anh Uôn về kiểm tra lại máy kéo chuẩn bị cho chuyến làm ăn ngày mai. Anh Phong vội vàng tạm biệt vì “hàng còn nhiều quá”. Anh Út Tên trở lại với chòi vịt dựng ngoài bờ ruộng…
Chúng tôi lại theo anh Hùng đi một vòng biên giới xem cảnh nhộn nhịp trong những ngày cuối cùng của vụ mùa. Hệ thống kênh rạch của xã giờ tương đối hoàn chỉnh, máy móc cơ giới cũng nhiều nên bà con ở Hưng Điền B làm mỗi năm hai đến ba vụ lúa.
“Chắc còn khoảng 500 ha lúa nữa là xã này sẽ thu hoạch hết vụ ba” - anh Hùng dự đoán. Nhìn những cánh đồng lúa rộng lớn, những chiếc máy gặt hoạt động không ngừng nghỉ, chúng tôi tin rằng vùng đất biên giới này sẽ còn phát triển và sôi động hơn nữa, khi có thêm nhiều gia đình biết nghĩ về tương lai như anh Hùng.
Theo http://nhandan.com.vn/phongsu/ky-su/item/27785102-ve-hung-dien-b.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin