Trên 24 năm gắn bó với ruộng đồng, kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Nga được nhiều nông dân phong cho danh xưng người "thổi hồn cho đất".
[links()]
Trên 24 năm gắn bó với ruộng đồng, kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Nga được nhiều nông dân phong cho danh xưng người “thổi hồn cho đất”. Nơi đâu cây lúa nghẹn đòng, sâu bệnh, đậu phộng ngập úng, thúi rễ,… đều có mặt chị để giúp bà con. Nữ kỹ sư khuyến nông Nguyễn Thị Hồng Nga được nông dân tin yêu; đồng nghiệp cảm phục với đức tính giản dị, cần cù, chịu khó.
Kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Nga nghiên cứu, đánh giá hiệu quả giống lúa BC15. |
Được ngành nông nghiệp tỉnh phân công phụ trách chương trình khuyến nông cơ sở, hơn 24 năm lặn lội với đồng chua, phèn mặn Cầu Ngang, chị Hồng Nga cùng với nhiều đồng nghiệp luôn bám sát cơ sở, gắn bó mật thiết với nông dân, lặn lội đồng ruộng để tìm hiểu, nghiên cứu đất đai của từng vùng, nhằm giúp nông dân thay đổi các giống cây trồng thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng. “Nông dân mình còn nghèo, sản xuất còn manh mún lại ít tiếp cận với khoa học kỹ thuật nên bằng những kiến thức học được ở trường, tôi cùng các đồng nghiệp bám cơ sở góp một phần công sức của mình giúp bà con sản xuất hiệu quả hơn”- chị Hồng Nga chia sẻ. Nhờ tác động khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khai thác tốt lợi thế đất đai từng tiểu vùng, nhiều mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân trong vùng.Điển hình như: mô hình trồng đậu phộng MD7, MD8 trên đất triền cát, đất ruộng gò cao, mô hình trồng dưa hấu Super, Hoàng Châu, Phù Đổng,… ớt chỉ thiên hay mô hình trồng cà chua giống Sevior, Crown250 cao sản,… Trong các mô hình và giống cây trồng đang được nông dân trong huyện canh tác hiện nay đều có những đóng góp không nhỏ của người kỹ sư trồng trọt này.
Giống lúa BC15 do kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Nga chuyển giao kỹ thuật phát triển tốt đồng ruộng Cầu Ngang (Trà Vinh). |
Đặc biệt, năm 2013, chị và các đồng nghiệp đã ứng dụng, sản xuất thử nghiệm thành công giống lúa mới cao sản BC15. Đây là giống lúa đầu tiên được sạ cấy trên đất Trà Vinh nói chung, huyện Cầu Ngang nói riêng cho năng suất cao, chất lượng hạt gạo tốt, ngon cơm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Nông dân Thạch Thia (ấp Cầu Vĩ, xã Thạnh Hòa Sơn- Cầu Ngang) hồ hởi kể: “Được sự tận tình hướng dẫn của kỹ sư Nga, vụ lúa Thu Đông- mùa 2013, tôi trồng thử nghiệm 10.000m2 (1ha) giống lúa BC15 trên diện tích đất nhiễm mặn. Về kỹ thuật sạ, cấy giống lúa BC15 cũng như các giống OM4900, ST5 hay OM6162; canh tác được ở cả 2 vụ Hè Thu và vụ Thu Đông- mùa; thời gian sinh trưởng ngắn (105 ngày), ít bị sâu bệnh; gieo sạ ít tốn kém giống nhưng giá trị kinh tế mang lại thì cao hơn nhiều so với một số giống lúa mà nông dân đang canh tác hiện nay. Bình quân 1.000m2 nông dân chỉ sử dụng khoảng 7kg giống đối với sạ và 1- 1,5kg đối với gieo mạ để cấy. Giống BC15 còn có những ưu điểm nổi trội khác như: đẻ nhánh nhiều, mạnh có khả năng chịu mặn tốt, đặc biệt là đất nhiễm phèn. Lợi nhuận trồng lúa BC 15 cao gấp 1,5- 2 lần giống lúa địa phương, lúa làm ra không đủ để bán”.
Việc thử nghiệm thành công lúa BC15 trên đất nhiễm mặn ở Cầu Ngang cho thấy một lần nữa trong “bảng vàng” thành tích nông nghiệp địa phương có sự đóng góp không nhỏ nữ kỹ sư Nguyễn Thị Hồng Nga. Hiện nay, nhiều nông dân trong vùng sau khi tham quan mô hình giống lúa BC15 đều mong muốn được ngành nông nghiệp và kỹ sư Nga “đỡ đầu” để bà con mở rộng diện tích sản xuất. Với lòng yêu nghề, với khát khao được cùng các đồng nghiệp khuyến nông mang đến nông dân một cuộc sống mới tốt hơn, 24 năm làm công tác khuyến nông, nữ kỹ sư “thổi hồn cho đất” đã cùng nông dân tạo ra được nhiều sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao đáp ứng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Giống lúa BC15 không chỉ thích nghi trên đất nhiễm phèn mà ngay cả ở những vùng đất khác nếu canh tác đúng kỹ thuật thì năng suất không chỉ dừng lại ở 5 tấn mà sẽ đạt từ 6,5- 7 tấn/ ha tương đương với các giống lúa OM4900, ST5 hay OM6162 mà nông dân đang sạ cấy hiện nay trên đất nhiễm phèn, mặn.
Bài, ảnh: KỲ DUYÊN- THANH BẮC (Trà Vinh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin