Đi chợ Gò- Tà Mâu

03:07, 20/07/2015

Từ đồn biên phòng của cửa khẩu Tà Mâu (xã Vĩnh Ngươn, TX Châu Đốc- An Giang) đi bộ để đến chợ Gò bên kia biên giới Campuchia chỉ khoảng 800m. Bờ đê giữa cánh đồng lúa được rải đá dăm làm lối đi đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân địa phương và cũng là đường "giao thương" hàng ngày. Khách du lịch, hành hương về Châu Đốc, tiện đường qua chợ Gò chơi, rồi cũng tiện chọn mua một vài mặt hàng xách tay mang về.

[links()]

Từ đồn biên phòng của cửa khẩu Tà Mâu (xã Vĩnh Ngươn, TX Châu Đốc- An Giang) đi bộ để đến chợ Gò bên kia biên giới Campuchia chỉ khoảng 800m. Bờ đê giữa cánh đồng lúa được rải đá dăm làm lối đi đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân địa phương và cũng là đường “giao thương” hàng ngày. Khách du lịch, hành hương về Châu Đốc, tiện đường qua chợ Gò chơi, rồi cũng tiện chọn mua một vài mặt hàng xách tay mang về.

Chợ Gò và khu nhà mái đỏ nhìn từ bên này biên giới.
Chợ Gò và khu nhà mái đỏ nhìn từ bên này biên giới.

Từ bến xe TP Châu Đốc, chạy theo đường Thủ Khoa Nghĩa qua cầu Vĩnh Ngươn chạy lên một đoạn là ngã ba đường, rẽ trái chạy thêm khoảng 1km nữa thì có quá trời lời mời gọi từ các căn nhà ven lộ đón “gửi xe… gửi xe…” Không cần bất cứ giấy tờ nào, khách chỉ cần gửi xe tại một dãy dịch vụ giữ xe phía bờ Vĩnh Ngươn, bày tỏ ý định qua Gò là có người đưa rước.

Chủ giữ xe sẽ tận tình kêu xe ôm đưa khách qua tận nơi và rước khi khách về. Từ chỗ gửi xe, nhìn xuyên qua con đê nhỏ trải đá dăm giữa đồng lúa đã thấy rõ một tòa nhà mái đỏ dựng lên hướng mặt về phía đất Việt Nam. Chị giữ xe cho biết đó là trường gà. Kế đó là một khu dân cư có vài chục hộ được gọi là chợ Gò.

Tấp vào chỗ gửi xe, chị chủ nhà nói giữ xe không lấy tiền, có xe đưa qua tới cột mốc biên giới và về chỉ 10.000 đ/người và cho số điện thoại, khi nào về cứ gọi là có người rước. Dắt xe vào nhà giữa, chị chủ nhà căn dặn: “Qua bển đừng chụp hình, quay phim nghen, phiền phức lắm. Có đồ đạc gì cũng bỏ đây luôn đi, không mất đâu! Quảy giỏ có khi bị lục xét mất công!” Cũng nghe nhiều người nói, nên tôi phải đưa giỏ cho chị giữ xe đem vào nhà trong cất giữ.

Chợ quê có lệ

Xe ôm đưa khách đến cột mốc Việt Nam- Campuchia. Đi bộ qua cổng không cần phải xuất trình giấy tờ gì, chỉ cần góp 2.000đ cho một người ngồi góp tiền ven đường trước cây cầu vào chợ, phí này gọi là phí qua cầu. Cây cầu vào chợ có mặt cầu rộng khoảng 3m được lót bằng ván và vỉ sắt, nhìn cũng vững chãi nhưng trụ cầu chỉ toàn làm cừ tràm. Nhìn từ xa thì không có gì nhộn nhịp, cũng như khu dân cư bình thường.

Cây cầu qua chợ Gò thu phí 2.000 đ/người/lượt qua.
Cây cầu qua chợ Gò thu phí 2.000 đ/người/lượt qua.

Gọi là “chợ” cho sang, chứ thật ra đó chỉ là một gò đất có khoảng 30- 40 ngôi nhà sàn. Mỗi căn nhà diện tích hàng trăm mét vuông, bán một vài loại hàng hóa cố định: Hàng điện máy, nhu yếu phẩm, xe đạp đến hàng vạn món linh tinh khác. Dĩ nhiên, phần lớn là đồ cũ, không xuất xứ hàng hóa, không bảo hành, “miễn đổi trả sau khi mua”. Không giống như bất kỳ chợ biên giới khác, chợ Gò Tà Mâu mang một vẻ rất riêng, thu hút hàng trăm lượt khách qua lại mỗi ngày.

Trên tường, cột của tầng dưới sàn vẫn còn in những ngấn nước cao quá đầu người từ những đợt nước nổi hàng năm. Chợ không có quán ăn, chỉ có một quán nước mía nằm giữa chợ dưới một gốc cây cổ thụ. Dưới sàn vài căn nhà đổ đống những loại đồ tạp nhạp như khóa mở ốc tán, kềm, búa, cưa tay, dao, ốc tán,… toàn đồ cũ, sét… cũng không có gì đặc biệt. Bước lên chiếc cầu thang thật dốc của từng căn nhà cao chừng 3m là gặp ngay những kho hàng đầy ắp với tivi, đầu máy, máy cassette, thùng loa, máy ảnh, điện thoại di động, nồi cơm điện, máy lạnh, tủ lạnh, quần áo… đến chén dĩa muỗng đều là đồ cũ, mặc sức chọn lựa. Nhiều nhất là xe đạp, đa số là xe sản xuất tại Nhật, Thái đã qua sử dụng.

Dạo quanh khu chợ, thấy tiếc vì không có máy chụp hình, tôi đành lấy điện thoại ra chụp vài cái để ghi dấu kỷ niệm. Mới bấm vài cái có người nhắc: “Đừng chụp hình anh ơi!” Tôi nói chụp bằng điện thoại xem cho vui. Anh này giải thích: “Ở đây chính quyền không cho chụp, chụp hình là bị lấy máy đó!” (họ chỉ chính quyền bên Campuchia). Vào những kho hàng, tôi cũng tranh thủ len lén lưu vào điện thoại được vài “cái” cho đỡ ghiền. Có người nhắc nhở, có hộ cũng làm ngơ không nói gì.

Mua kiểu “đón hình bắt chữ”

Chẳng niềm nở, đon đả chào mời khách như thông lệ, các chủ hàng ở đây dường như không quan tâm người mua là ai. Khách cứ việc dạo quanh nhà, xem hàng, ngó nghiêng thoải mái, còn chủ cứ lo việc của chủ. Họ chỉ ngước lên nhìn khi khách hỏi về giá cả, chức năng… của món hàng nào đó, kiên nhẫn trả lời, rồi lại cặm cụi với việc riêng của mình. Khách thích thì mua, không thích thì bỏ đi, họ chẳng nài ép, kì kèo.

Khách hàng tự lựa chọn sản phẩm mình muốn mua.
Khách hàng tự lựa chọn sản phẩm mình muốn mua.

Giá hàng hóa ở đây cũng “bèo”. Một chiếc điện thoại Samsung Galaxy S3 (được giới thiệu là hàng chính hãng xách tay) rao bán 3,5 triệu đồng. Điện thoại dạng “cùi bắp” (bàn phím số, ít chức năng) cũng chỉ 100.000- 200.000đ. Đồng hồ treo tường sử dụng năng lượng pin, dây cót, vỏ gỗ có giá thượng vàng hạ cám, từ 1 triệu đến 5, 7 triệu đồng. Máy phát điện từ 2- 4 triệu đồng, máy cắt cỏ, máy khoan... chỉ vài trăm ngàn đồng. Hầu hết hàng hóa điện tử, máy móc ở đây, khi mua dù một chiếc hay nguyên cả lô đều theo kiểu may rủi, không được thử. Nói theo games show là… “đuổi hình bắt chữ”. Một vài nơi cho thử nhưng lại bán giá cao hơn. Một người cũng đang xem hàng nói nhỏ với chúng tôi: “Hàng ở đây là hàng “câm- điếc”, mua theo kiểu “hên- xui”, nên mình phải biết cách ứng phó theo từng trường hợp. Thật ra, hàng hóa đa số là loại tốt, chỉ có điều, chúng cũ quá nên hư hỏng hoặc mất linh kiện. Vì vậy, biết sử dụng mới mua. Xem kỹ, nếu thiếu linh kiện thì lấy cái khác lắp vào cũng được. Có người không hiểu biết, mua về rồi bỏ”. Dạt qua một tiệm bán đủ loại vật dụng cũ, tôi kêu cô gái lấy cây viết máy hiệu Pilot trong tủ kính. Cô cho giá 300.000đ. Mở nắp viết, thấy ngòi vẫn còn bóng sáng, thử trên giấy cũng thấy êm, nhưng khi tháo ra xem từng bộ phận thì… không có ống mực.

Khách có mua hàng nhiều, hàng lớn nhưng khó thể mang về Việt Nam? Vẫn là đội ngũ xe ôm, các bác tài sẵn sàng “đai” hàng bằng xe máy vượt đồng về TP Châu Đốc. Giá cả thỏa thuận từ một trăm đến vài trăm ngàn đồng tùy hàng lớn nhỏ, nhiều ít. Vào cửa hàng bán xe đạp cũ, xem xe, hỏi giá, người bán xe cho biết, chiếc xe tôi chọn là hàng Nhật. Xem xe xong, tôi phát hiện cặp giò dĩa bị “lai”, người bán hàng nói “anh cứ lựa, cái nào không ưng thì lấy của xe khác lắp qua, không có gì”. Bước ra khỏi gian hàng này, một anh thanh niên đi theo nài nỉ tôi cho số điện thoại: “Anh có mua đồ gì thì kêu em chở về Châu Đốc cho, xe đạp cũng chở luôn. Giá chỉ một hai trăm ngàn thôi, vòng vòng Châu Đốc, giao điểm nào cũng được!”

Chia tay chợ Gò, đi ngang qua tòa nhà mái đỏ tươi thấy khách ra vào liên tục. Có nhiều người qua đây không phải vào chợ Gò mua hàng hay tham quan. Họ có thú vui khác chờ đón: Trường gà đầy tính sát phạt đỏ đen. Có thể, khi đi nằng nặng túi tiền, khi về, họ nặng trĩu tâm can vì… trắng tay!

Bài, ảnh: NGUYÊN HẠNH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh