Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi để quay về mỗi khi giỗ quải, tết nhất… quê làm gì có mùi mà nói là mùi của quê hương nghe "trớt quớt" vậy?
Cá rô nướng. |
(VLO) Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, là nơi để quay về mỗi khi giỗ quải, tết nhất… quê làm gì có mùi mà nói là mùi của quê hương nghe “trớt quớt” vậy?
Tôi không cãi lại nhưng thú thực, tôi vẫn giữ quan điểm quê hương có mùi thật sự. Đó là mùi của nhang trầm tỏa ra mỗi chập tối khi thắp lên bàn thờ ông bà tổ tiên, mùi của cây lúa từ khi gieo sạ đến lúc trổ đòng đòng, rồi lúa chín vàng trĩu hạt.
Sau khi thu hoạch là mùi rơm, mùi rạ, mùi khói đốt đồng. Nếu ai thính mũi còn nghe trong gió có cả mùi cá nướng trui, những con cá lóc, cá rô, cá trê, cá chạch… được đem nướng bằng lửa rơm ngay trên cánh đồng vừa thu hoạch.
Cá sau khi nướng, cạo sạch lớp vảy cháy đen rồi đặt lên tấm lá chuối xanh non. Giữa cánh đồng lộng gió mà mùi cá nướng cứ quẩn quanh, nhìn mấy con cá nướng được xẻ dọc sóng lưng lộ ra thớ thịt trắng phau, bộ ruột mỡ màng và cặp trứng vàng ươm thấy mà phát thèm!
Rồi hiện ra một ao nước trong veo, có những chùm bông súng trắng, bông súng tím đang khoe sắc, chỉ cần với tay là kéo lên mấy cọng bông súng non tơ, sẵn tiện bẻ mấy trái chuối chát, vài quả khế rồi ung dung rảo bước về chái bếp sau hè, nơi mùi mắm chưng quyến rũ lan xa theo gió và bên cạnh đó là nồi cơm nấu chín. Ai đã xới lên để lộ ra phần cơm cháy màu vàng hấp dẫn, gọi mời.
Chỉ bấy nhiêu thôi, các bạn có đồng ý là quê hương đầy những mùi vị thân quen mà những người trót phải ly hương, lúc nhớ nhà, nhớ quê, nhớ mùi vị của quê hương lại xốn xang, thu xếp hành trang vội vã quay về…
Bài, ảnh: TRẦN THẮNG (TP Vĩnh Long)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin