Một góc chợ Long Hồ, có chị bán đủ các loại củ quả mang từ rẫy ra với lượng lớn, nào là bầu, bí, khổ qua, đậu đũa, đậu que, dưa leo, củ sắn… Đến cuối ngày, khi đã thu vốn, đủ lời thì phần còn lại dù nhiều cả bao chị cũng cho ai muốn lấy thì lấy.
(VLO) Một góc chợ Long Hồ, có chị bán đủ các loại củ quả mang từ rẫy ra với lượng lớn, nào là bầu, bí, khổ qua, đậu đũa, đậu que, dưa leo, củ sắn… Đến cuối ngày, khi đã thu vốn, đủ lời thì phần còn lại dù nhiều cả bao chị cũng cho ai muốn lấy thì lấy.
Thỉnh thoảng có người đến chở đem cho các bếp ăn từ thiện. Tôi đặc biệt thích các món dưa hường, bí ngòi, người trồng rẫy thường hái chiết bớt quả nụ lúc nhỏ, dành dưỡng mỗi dây 1-2 trái cho nó tốt.
Mấy thứ này có ai đặt trước chị mới mang ra, như bí ngòi đâu có rẻ trên dưới 50.000 đ/kg vậy mà ngày nào cũng có người đặt.
Bí ngòi xào vừa chín tới với thịt bò, ngọt ngất mà giòn giòn rất ngon, hay chỉ cần luộc lên chấm với ơ kho quẹt, thì quẹt sạch nồi cơm luôn. Những món ăn mà chỉ cần nhìn thôi đã thấy ngon và thấy nhớ.
Nhớ một góc quê nhà thuở xa xưa, ngoại trồng sau hè một giàn tre chồm ra mé ao, đủ thứ các loại bầu, bí, từ lúc có bông bí là bắt đầu có ăn lai rai rồi, bông bí nấu canh, bầu non nấu tép, khổ qua dồn cá thác lác.
Chiếc xuồng con cũ kỹ không xài nữa kéo lên bờ để nép vào mé hàng rào trồng đủ các loại rau, hành, quẩn quanh một góc sân là đủ để nấu, đủ các gia vị nêm nếm món ăn, chẳng phải chợ búa gì cũng bày đủ thứ ra mâm sau một đêm câu lưới trên đồng.
Món ăn là vật thể lại vừa là văn hóa phi vật thể là như vậy đó. Những ai đã có tuổi thơ gắn bó với miền quê, miệt đồng, miệt rẫy, nhìn món ăn lại thấy hiện lên hình ảnh quê nhà, hình ảnh của bà, của má và những món ăn không thể tìm đâu có được trên đời. Bởi món ăn ôm chứa cả hồn vía quê hương, gợi lên nỗi nhớ thương da diết một đời người.
Hình ảnh đó, tôi lại bắt gặp những lần vô rẫy, nhà kế bên có vợ chồng chú Hai về hưu hơn chục năm rồi, gia đình khá giả, con cái đề huề thành đạt chu cấp đủ đầy. Nhưng ngày nào hai ông bà cũng lui cui ngoài vườn, một góc sân nhỏ cặm mấy nhánh tre giăng lưới làm thành cái giàn trồng đủ thứ.
Sáng sớm ông xách thùng ra mé mương tưới nước, bà thì cầm rổ loanh quanh hái đậu đũa, có khi khổ qua, bầu, bí.
Họ làm lắt xắt, vừa chuyện trò trông thật vui, thật hạnh phúc, đầm ấm viên mãn tuổi già. Chú Hai nói mấy đứa con trên phố, trên thành giành nhau rước ba má về sống chung, mà ông bà đâu có chịu.
“Ở dưới quê vầy với vợ chồng thằng Út, an nhàn, yên tĩnh vậy mà thọ à!”- Vừa tưới nước, chú Hai nói với qua bên này với tôi. Đương nhiên là quá đúng rồi, nhưng cũng có người đang yên lành dưới quê lại phải bán hết đất cát lên thành với con cháu, chắc đó cũng vì hoàn cảnh.
Từ chuyện trái bầu, trái bí mà dắt dây ra chuyện ở quê, hay lên phố ra thành lúc tuổi già, thì cũng có cái lý của nó. Hạnh phúc đời người nếu tuổi già lại được quay về với ngày xưa, gắn bó với tình quê, một góc bầu, bí sau vườn, chẳng có cao lương mỹ vị nào có thể làm phôi phai cái mùi vị, hình ảnh quê mùa bầu, bí quê hương.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin