Sau khi con nước quây gần 2 tháng, thì khoảng mùng 10 đến rằm tháng bảy âm lịch, các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp bắt đầu chứng kiến nước tràn bờ đổ vào đồng ruộng.
Đánh bắt cá trên sông Vàm Nao (Chợ Mới- An Giang). |
(VLO) Sau khi con nước quây gần 2 tháng, thì khoảng mùng 10 đến rằm tháng bảy âm lịch, các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp bắt đầu chứng kiến nước tràn bờ đổ vào đồng ruộng.
Đây cũng là lúc ngoài sông đỏ ngầu phù sa, trôi nổi đầy những bọt nước phù sinh, đó cũng là thức ăn của cá linh non đổ về từng bầy chúng “vừa đi, vừa lớn” từng ngày. Mùa cá linh non chính thức đã về đến hạ nguồn.
Bước qua đầu tháng tám âm lịch, cá linh non đã to bằng ngón tay út, xương cá, đầu cá vẫn còn mềm mụp, rất nhát lửa chỉ cần nhúng giấm vài ba phút là đã chín rồi.
Mấy ngày này về Phú Tân, Chợ Mới (An Giang) cá linh bán đầy chợ vào sáng sớm và giác 2 giờ chiều. Cá làm ruột sẵn mà chỉ có 150.000 đ/kg.
Người ta chỉ ăn cá linh ống, có vẩy bạc lấp lánh mình hơi dẹt, đầu ngắn, nhưng có phần đuôi hơi tròn và dài. Phân biệt với cá linh rìa có bề bản rộng hơn, hai bên lưng có sọc sậm màu, loại này không ngọt nước và béo bằng cá linh ống và xương hơi cứng.
Ở chợ Vĩnh Long thấy có bày bán loại “cá linh” mình tròn, sậm màu, đầu dài, cứng xương, mà giá hét tới 300.000 đ/kg. Có người gọi cá linh nuôi, nhưng thực ra là loài cá trôi, không thể sánh bằng cá linh thứ thiệt.
Cá linh là loài đặc sản chỉ dấu rõ ràng cho mùa nước nổi đã về, đã lâu lắm rồi đồng bằng mới thấy được màu nước đẹp như năm nay.
Các con sông, kinh rạch đỏ quạch phù sa, thì cá linh cũng về nhiều hơn bình thường. Vô con nước rong, người ta đặt dớn, kéo đáy đủ các loài cá nhưng bao giờ cá linh cũng nhiều nhất, những cái vó cất lên là cả thúng giạ cá linh, mặc sức mà ủ nước mắm.
Làm không kịp nên mới có câu: “Mắc như tôm bạc thẻ, rẻ như cá linh sình”. Đến những năm 80 của thế kỷ trước, cá mắm vẫn còn nhiều vô kể. Buổi sáng dọc theo các con lộ cặp mé sông, người ta xúm lại “nặn” cá linh nói đùa rôm rả. Vì chúng có xương, kể cả đầu cũng rất mềm, chỉ cần nặn ruột ra là xong.
Những chùm ruột chứa đầy trong bụng, giúp chúng vừa trôi theo con nước vừa ăn phù sinh, rong rêu mà lớn nhanh như thổi.
Ở xóm chỉ xã Mỹ Hội Đông, có anh em ông Bảy Khái, Tám Ựng, Chín Phương… chỉ chuyên nghề sông nước mấy chục năm nay. Từ nghề cào, thả lưới, đặt dớn bắt từ cá bông lau chục ký, cá hô có lần cả trăm ký, cho đến cá kết, cá leo, cá trèn, cá dãnh, cá he… nhất là vào mùa cá linh.
Làm cái nghề riết rồi thành cái nghiệp cho tới già cũng thấy suốt ngày loay hoay dưới sông, khi cá mắm chẳng còn bao nhiêu cũng giựt máy chạy dọc theo các bến sông… cho đỡ ghiền, đỡ nhớ.
Cá linh non đầu mùa 150.000 đ/kg. |
Mấy bữa nay vô mùa cá linh, chạy chợ cũng khấm khá hơn mọi năm, cá về nhiều họ mừng mà người dân đồng bằng cũng mừng lên đôi chút.
Chỉ cần thượng nguồn cắt giảm thủy điện, xả nước đúng mùa, đúng lượng, phía dưới hạ nguồn biết sống tử tế với những dòng sông, thì khả năng phục hồi nguồn lợi thủy sản cũng rất nhanh, tiếc là mọi thứ… không như là mơ.
Thôi thì trước mắt, chúng tôi tự thưởng cho mình tiệc mắm cá linh cho đã thèm, sẵn có mấy con cá tra mới câu được dưới bến, cũng “tẩn liệm” chung cho nồi mắm kho thêm đậm đà mùa nước nổi.
Chuẩn bị một thau rau thiệt lớn, cuộn rau đủ thứ, bẻ thêm miếng cà tím chấm ngập vào tô mắm, ăn vậy cho nó ra chất đồng bằng. Thịt cá linh non mềm mụp, béo ngọt phải gọi là ăn cho… đã nư nỗi nhớ.
Dọn mâm ra ngồi sát mé sông, nghe trong mùi vị tô mắm kho, nghe trong từng làn gió như có chút đậm đà hương thơm phù sa thổi mát mặt, mát lòng.
Tô mắm kho cá linh những ngày đầu tháng tám âm lịch. |
Nhìn ngược lên hướng mũi Vàm Nao, nơi có xóm lở kinh hoàng khu vực chợ, rồi ngó về phía dưới nguồn, cù lao Bình Thủy cũng đang bồi dài ra mãi từ hơn nửa thế kỷ nay. Tốc độ bồi nhanh khủng khiếp, nếu tính từ năm 1971- 1972, cù lao đã bồi hơn 5 cây số.
Chỉ những năm gần đây, tốc độ bồi đã chậm lại nhiều, nhưng vẫn đang tiếp tục bồi. Cái quy luật sông sâu bên lở bên bồi, trăm năm, ngàn năm không hề thay đổi. Đất lở chỗ này sẽ bồi lắng vào chỗ kia thôi.
Chỉ mất đi khi con người xúc đất, xúc cát đem đi chỗ khác mà thôi. Mấy người già trong xóm ngồi nhìn sông chặc lưỡi: “Có những khu chung cư, những căn biệt thự được xây ở đâu đó thiệt xa, nhưng cũng là một phần căn nguyên của những trận sạt lở kinh hoàng dọc các bến sông”.
Những dòng sông lở lói, lổ hang như rổ xảo dưới đáy sâu, bản chất con sông cũng thiếu dưỡng chất phù sa, chúng cũng tự ngoạm vào bờ lấy đất để bù đắp áp lực dòng chảy, mọi thứ cũng chỉ vì chính con người tạo ra mà thôi.
Ở phía cuối dòng, nơi các dòng sông gặp biển, con người cũng đang khôi phục dần cái văn hóa sống tôn trọng các dòng chảy tự nhiên, tôn trọng những vạt rừng tự nhiên và biết bù đắp thêm vào bằng những rừng cây nhân tạo, sống thuận hòa với từng con nước để tạo nên sự bình an cho chính môi trường sống của con người.
Không hề là chuyện dễ, không phải là chuyện ngày một ngày hai, duy ý chí muốn là làm được, nhưng phải khởi phát ý niệm tốt dần dần cả đồng bằng này sẽ cùng chung một ý hướng, một cách đối đãi tốt với mỗi con sông chảy ngang qua nhà mình.
Và chúng ta mơ có ngày đồng bằng nghe lại câu cửa miệng: “Mắc như tôm bạc thẻ, rẻ như cá linh sình”. Đó là lúc đồng bằng sẽ thực sự giàu có, sống an yên trên nguồn lộc, của cải trời cho.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin