Vinh danh phở Việt

06:12, 14/12/2021

 Ngày 12/12, Google tôn vinh phở ở 20 quốc gia. Ngoài Việt Nam, doodle phở còn được xuất hiện trên giao diện Google ở Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Israel, Hy Lạp… Món ăn Việt tự hào trở thành "đại sứ ẩm thực" mang bóng dáng và hương vị đặc trưng của quê nhà góp phần vinh danh văn hóa Việt trong lòng bạn bè quốc tế.

 

Google đặt doodle phở lên trang chính của 20 quốc gia.
Google đặt doodle phở lên trang chính của 20 quốc gia.

(VLO) Ngày 12/12, Google tôn vinh phở ở 20 quốc gia. Ngoài Việt Nam, doodle phở còn được xuất hiện trên giao diện Google ở Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Thụy Sĩ, Israel, Hy Lạp… Món ăn Việt tự hào trở thành “đại sứ ẩm thực” mang bóng dáng và hương vị đặc trưng của quê nhà góp phần vinh danh văn hóa Việt trong lòng bạn bè quốc tế.

Là chuyên gia lĩnh vực điện mặt trời nhưng ông Trịnh Quang Dũng tâm tình, việc giới thiệu văn hóa của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến “là món nợ cuộc đời của mình”. 

Dành cả chục năm để sưu tầm, khảo cứu về phở, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng đã viết những dòng đầy tự hào trong cuốn sách “Trăm năm phở Việt” (Phở Việt du hành xuyên thế kỷ): “Choáng ngợp trong kho báu tinh hoa ẩm thực mênh mang của tiền nhân truyền lại.

Thực sự vô cùng khó khăn để có thể chọn ra một món ăn đại diện. Cuối cùng, tôi quyết định chọn món phở để chấp bút! Đơn giản vì không món ăn Việt Nam nào có một hình hài văn hóa phong phú và hương vị thân thuộc dễ chạm đến trái tim của mọi thế hệ Việt như phở”.

Sinh ra từ những năm đầu thế kỷ 20, phở gắn bó cùng người Việt xuyên suốt một thế kỷ. Phở từng được đặt ra những giả thuyết là có xuất xứ từ món ngưu nhục phấn (vùng Quảng Đông, Trung Quốc) hoặc du nhập, tiếp biến từ món ăn Pháp.

Nhưng theo nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng, nguồn gốc của phở trải qua hành trình dài từ các món xáo trâu đến xáo bò trong văn hóa ẩm thực truyền thống của Việt Nam. Khoảng năm 1908- 1909 có khá nhiều tuyến tàu thủy chạy hơi nước từ Hà Nội đi Hải Phòng, đi Nam Định, đi Phủ Lạng Thương.

Các món quà ùn ùn đổ về bến sông, song món xáo trâu được ưa chuộng nhất, càng được các bà tích cực gánh ra bãi sông.

Chẳng mấy chốc món xáo bò mới lan tràn suốt từ Ô Quan Chưởng xuống tới ô Hàng Mắm. Từ bãi sông Hồng, trên những đôi vai gầy guộc “phở gánh” đã lan tỏa khắp “hang cùng ngõ hẻm” Hà Nội rồi lan qua các đô thị khác.

Cây đại thụ trong làng văn- Nguyễn Công Hoan cũng đã xác định tuổi cho phở trong cuốn tự truyện về đời mình- “Nhớ và ghi về Hà Nội”: “1913... trọ số 8 Hàng Hài... thỉnh thoảng, tối được ăn phở (hàng phở rong). Mỗi bát 2 xu (có bát 3 xu, 5 xu)”.

“Không còn là một món ăn nữa, mà là một thứ nghiện như nghiện thuốc lào, thuốc lá, trà tươi, thuốc phiện”, Vũ Bằng làm người ta “yêu Hà Nội thấm thía, nhớ Hà Nội ê chề, và làm cho ta cảm giác ta là người Hà Nội hơn” khi viết về phở đầy xúc cảm trong “Miếng ngon Hà Nội”: “Ngay từ ở đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí quyến rũ ta như mây khói chùa Hương...

Một làn khói tỏa ra khắp gian hàng, bao phủ những người ngồi ăn ở chung quanh trong một làn sương mỏng, mơ hồ như một bức tranh Tàu vẽ những ông tiên ngồi đánh cờ ở trong rừng mùa thu”.

Phở xuất hiện từ Bắc chí Nam. Sợi phở miền Bắc được làm mảnh và dài, màu sắc trắng đục tự nhiên. Tô phở có nước dùng trong, thanh, luôn không thể thiếu ngọn hành hoa xanh nõn. Khoảng năm 1954, theo chân những người Bắc di cư, phở bắt đầu “Nam tiến”.

Món ăn mang bóng dáng và hương vị đặc trưng của Việt Nam.
Món ăn mang bóng dáng và hương vị đặc trưng của Việt Nam.

Người miền Nam ưa chuộng sự đậm đà chính vì thế mà nước dùng phở có màu hơi đục từ xương hầm, tròn vị ngọt ngào, có chút béo ngậy. Điểm khác biệt lớn nhất về gia vị giữa tô phở của 2 vùng miền ở cái màu đen của tương được thêm vào trong phở miền Nam.

Cùng với đó luôn không thể thiếu những loại rau ăn kèm như giá, ngò gai, húng quế... Một lần ra Hà Nội phải xếp hàng dài để thưởng thức phở Thìn Bờ Hồ. Hiệu phở Nam nổi tiếng Sài Gòn phải điểm danh phở Hòa- Pasteur, hay một lần nếm thử thôi đã thấy quyến luyến phở “Lệ”.

Bước sang thế kỷ 21, đánh dấu thời kỳ hòa nhập, toàn cầu hóa, công nghiệp hóa phở Việt. Chuỗi cửa hàng Phở 2000, Phở 24, Phở 5 sao, Phở Việt, Phở Vuông... bày bán trong những quán ăn rực rỡ ánh đèn với bảng hiệu đồng nhất.

Phở 24 ra đời ở TP Hồ Chí Minh, “cất cánh” bay sang Indonesia, Philippines... đến trời Âu. Không giới hạn ở tô phở truyền thống, bản biến tấu phở xào, phở sốt vang giao lưu ẩm thực Á- Âu cũng lần lượt ra đời.

Không còn gọi chung là “noodle”, quyển từ điển Merriam-Webster nổi tiếng của Mỹ đã bổ sung từ “Pho”, món ăn truyền thống của Việt Nam với định nghĩa “món ăn nước được làm từ nước xuýt thịt bò hay thịt gà và sợi phở làm từ gạo”.

Từ tô phở gánh đến tô phở ở nhà hàng sang trọng, từ thành thị len lỏi đến từng vùng nông thôn xa xôi, hành trình xuyên thế kỷ của phở gắn liền với nhiều thăng trầm ẩn sâu trong văn hóa của người Việt.

Dù ở đâu, phở cũng là đại diện đầy ắp bóng dáng, hương vị tinh túy của quê hương, như nhà nghiên cứu Trịnh Quang Dũng nói: “Ở đâu có người Việt, ở đó có phở và tất nhiên, ở đâu có phở, ở đó có người Việt!”.

Ngày của phở 12/12 là một sự kiện do Báo Tuổi trẻ tổ chức từ năm 2017. Tròn 5 năm, Ngày của phở nhận được sự hưởng ứng lớn, như việc Google đã quyết định đặt doodle phở lên trang chính của 20 quốc gia đúng ngày này. Sự kiện này giúp cho phở- món ăn độc đáo, hấp dẫn trong kho báu ẩm thực Việt được lan tỏa mạnh mẽ hơn, ấn tượng hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới. (Xuất hiện đầu tiên vào năm 1998, doodle là logo Google trên trang chủ được cách điệu hóa vào những ngày nhất định, nhằm kỷ niệm các ngày lễ, tôn vinh cuộc đời của các nghệ sĩ, nhà tiên phong, nhà khoa học nổi tiếng hay những nét văn hóa đặc trưng của các quốc gia).

Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh