Con nước về, sông Cổ Chiên chiều nay mênh mông sóng. Rặng bần ven bờ lúc lỉu trái. Những người dân sông nước chỉ nhìn cây bần cho trái thì biết mùa nước nổi lại về. Vì đó là kinh nghiệm được để lại mà: "Muốn ăn mắm sặt bần chua/ Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm".
(VLO) Con nước về, sông Cổ Chiên chiều nay mênh mông sóng. Rặng bần ven bờ lúc lỉu trái. Những người dân sông nước chỉ nhìn cây bần cho trái thì biết mùa nước nổi lại về. Vì đó là kinh nghiệm được để lại mà: “Muốn ăn mắm sặt bần chua/ Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm”.
Với món ăn chơi, bần sống ăn với mắm thời “trẻ trâu” không bao giờ quên. Đó là những buổi trưa lén nội dỡ hũ mắm sống, gắp mấy con mắm để vô miếng lá chuối gói lại, hú mấy đứa em con chú, bơi chiếc tam bản ra sông hái trái bần ăn.
Cái ngon của tuổi hồn nhiên là khi ngồi lắt lẻo trên cây bần, chân thả đu đưa, tay cằm miếng mắm, miệng cắn miếng bần chua. Ăn vậy thôi mà ngon không thể tả.
Nhà tôi cạnh con sông nhỏ với những cây bần mọc san sát. Những trái bần chín rụng, thoang thoảng mùi làm tôi thèm tô canh bần nấu với cá ngát sông của nội. Cá ngát sông giờ hiếm có để mà ăn. Thôi đành nấu canh chua bần với cá lóc ăn cho đỡ thèm!
Tô canh đơn giản chỉ toàn cây nhà lá vườn. Mấy con cá lóc đồng bằng cổ tay, được cho bởi thằng em đặt dớn trúng mánh tối qua.
Lựa những trái bần chín rửa sạch dầm với nước ấm, lọc lấy nước bỏ hạt. Bần chín nấu canh ăn mới ngon, vì trái bần còn xanh không có mùi thơm, vị chua không thanh mà lại chát.
Người hàng xóm thấy tôi thích vị chua của trái “nghèo” này nên chia sẻ cách bảo quản đơn giản: bần chín rửa sạch, để ráo rồi bỏ vào ngăn đá tủ lạnh để dành. Ngoài nấu canh, bần còn dùng để kho cá hay pha nước uống đều ngon.
Tôi ra hông nhà, ngắt vài đọt rau muống và tiện tay hái mấy trái ớt hiểm. Không ít người thích ăn trái ớt nhỏ xíu mà cay xé này, mà phải trái ớt của cây ớt hiểm chim ăn rớt hột mới ngon à.
“Ví dầu bắt cá nấu canh/ Dầm bần thêm ớt cho thanh cho nồng” đơn giản thế thôi. Thật ra tô canh sẽ ngon hơn nếu thêm những cọng rau nhút, bắp chuối hột hay cọng kèo nèo, miếng bạc hà. Tô canh nóng hôi hổi, nước mắm rươi và vài khoanh ớt đặt sẵn trong dĩa rồi. Chỉ việc thưởng thức thôi.
Cằm chai nước mắm tôi nhớ những năm ở với nội, nội sử dụng rễ thở của cây bần- rễ mọc ngoi lên mặt đất để hút dưỡng khí- để làm nút chai. Nút chai kín mít, hương nước mắm không bay đi đâu được. Để lâu nước nắm vẫn thơm mùi.
Rồi từ từ thưởng thức tô canh, chỉ cần múc muỗng nước canh húp là cảm nhận ngay vị thanh của bần rồi. Canh chua me hay khế vậy mà thua xa à nghen. Vị chua của bần chín rất thanh, còn me và khế có vị chua gắt. Một bữa cơm thật ngon lành với tô canh chua bần nấu với cá lóc đồng. Vậy là cũng đã thèm và đỡ nhớ phần nào tô canh bần nấu với cá ngát sông của nội…
Bài, ảnh: MAI KHA
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin