Không lơ là với dịch tả heo châu Phi

07:41, 24/07/2025

Theo ngành chức năng, thời gian qua, tình hình dịch tả heo châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Dịch bệnh này không chỉ gây thiệt hại lớn đối với người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế địa phương. Ngành thú y khuyến cáo không lơ là, chủ quan với dịch bệnh này.

Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm đến nay cả nước xuất hiện trên 500 ổ dịch tả heo châu Phi tại 28/34 tỉnh, thành phố. Số heo mắc bệnh, chết và tiêu hủy trên 30.000 con.

Hiện nay, cả nước có 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố (sau sáp nhập) chưa qua 21 ngày. Nguy cơ dịch tả heo châu Phi có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là tại các địa phương có tổng đàn lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi heo, nguồn cung thực phẩm và môi trường.

Tại tỉnh, ngành chức năng vừa phát hiện một ổ dịch tả heo châu Phi tại ấp Thành Thuận, xã Mỹ Thuận. Tổng đàn tại thời điểm xác minh là 29 con (heo thịt). Theo anh T.- chủ hộ nuôi, ngày 1/7, anh T. mua 37 con heo thịt từ một thương lái ngoài tỉnh (trọng lượng khoảng 20 kg/con). Vài ngày sau, một số con có triệu chứng bỏ ăn, lười vận động, xuất huyết da. Chủ hộ tự mua thuốc về điều trị. Đến ngày 10/7, có 8 con trong đàn chết, chủ hộ đã báo ngành chức năng địa phương. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus dịch tả heo châu Phi.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở Nông nghiệp và Môi trường) phối hợp với địa phương, người dân tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo bệnh với tổng trọng lượng 1.014kg. Đồng thời, thực hiện tiêu độc khử trùng tại ổ dịch 2.000m2 và khu vực xung quanh.

Bên cạnh đó, điều tra, rà soát tổng đàn toàn xã để kiểm soát, khuyến cáo. Song song đó, phối hợp với BCĐ phòng chống dịch địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch theo quy định, tăng cường công tác giám sát dịch bệnh và dịch tễ tại khu vực xung quanh ổ dịch, tuyên truyền vận động người dân chăn nuôi an toàn sinh học.

Bà Nguyễn Huỳnh Nga- Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi thú y và thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Thời gian qua, ngành thú y thực hiện nhiều đợt vệ sinh, khử trùng môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; vận động người chăn nuôi tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực chăn nuôi, đặc biệt trong thời điểm nguy cơ tái phát dịch tả heo châu Phi.

Tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng trình tự, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; tăng cường kiểm tra vệ sinh thú y; kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

“Đối với dịch tả heo châu Phi, với những điều kiện bất lợi về thời tiết, cộng với virus bệnh tồn tại rất lâu trong môi trường, nên trước khi tái đàn, người chăn nuôi phải tiêu độc khử trùng liên tục.

Đồng thời, người chăn nuôi phải chủ động phòng, ngừa dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là việc tiêm phòng vaccine, không tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh để tránh thiệt hại. Ngoài việc bảo đảm chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, được khử trùng, tiêu độc theo định kỳ, cần hạn chế người lạ ra vào chuồng trại.

Quan trọng là, không mua con giống trôi nổi trên thị trường bởi chất lượng nguồn giống là yếu tố tiên quyết tác động đến chất lượng chăn nuôi và ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc chọn lựa nguồn giống cần bảo đảm yếu tố sạch bệnh, an toàn để bảo đảm quá trình chăn nuôi được thuận lợi, giảm thiểu tối đa nguy cơ dịch bệnh gây thiệt hại”- bà Nga khuyến cáo.

Để kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Môi trường sẽ kết hợp địa phương giám sát tình hình dịch bệnh và tuyên truyền sâu rộng về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục trâu bò, thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống; phối hợp với địa phương tăng cường vận động tuyên truyền các hộ chăn nuôi tập trung, chủ động tiêm phòng các loại vaccine cho đàn gia súc, gia cầm để bảo hộ đàn vật nuôi; thực hiện các giải pháp để duy trì và công nhận mới cơ sở an toàn dịch bệnh; tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp chăn nuôi an toàn nhất việc lựa chọn con giống sạch bệnh.

Tăng cường kiểm soát giết mổ tại các cơ sở giết mổ tập trung, kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật xuất nhập tỉnh. Phát triển chăn nuôi tập trung an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

Để phòng chống, kiểm soát dịch tả heo châu Phi kịp thời, hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Trong đó, tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, các nguồn lực hợp pháp để kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế phát sinh ổ dịch mới; kiên quyết xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh. Không để việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tại địa phương ảnh hưởng đến công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm…

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh