Nhà nông tìm hiểu:
Phòng trị nhện đỏ gây hại cây măng cụt

16:36, 13/05/2025

Gần đây vườn măng cụt của tôi bị nhện đỏ gây hại nhiều, làm giảm chất lượng, gây da lu, da cám... Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn các phòng trị hiệu quả.

Lê Văn Hưng

(Xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn)

Anh Hưng mến!

Nhện đỏ hại măng cụt là loại sâu bệnh phổ biến trên cây có múi. Sâu hại gây hại và làm ảnh hưởng đến năng suất chất lượng trên cây, gây ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị kinh tế.

Nhện đỏ là sâu hại đa ký chủ vòng đời ngắn (từ 10-15 ngày) nên sinh trưởng tăng rất nhanh nhất là trong thời tiết khô hạn. Chúng gây hại trên hầu hết bộ phận của cây. Khi mật độ nhện cao trên vườn, cành non cũng sẽ bị nhện gây hại làm cho khô và chết. Trên trái, nhện đỏ sống tập trung chủ yếu ở phần lõm (cuống trái, đáy trái).

Nhện hút dịch ở trái non làm vỏ trái bị biến màu. Và các vết thương khi khô sẽ tạo nên các vết sần sùi gọi là da lu, da cám… làm mất thẩm mỹ của trái.

Để phòng trừ nhện đỏ gây hại, không nên trồng mật độ quá dày, luôn tạo độ thông thoáng cho vườn. Cần thường xuyên kiểm tra lá cây, đặc biệt giai đoạn lá bánh tẻ, để kịp thời phát hiện và có biện pháp diệt trừ. Cần nhanh chóng loại bỏ những phần cây, nhặt lá rụng và ngắt những chiếc lá đã bị hư hại nặng đem tiêu hủy để ngăn chặn nhện đỏ lây lan sang các cây gần đó.

Tưới thường xuyên để cây có dư nhựa cung cấp phần nào nhựa bị mất do nhện đỏ hút, cây không bị kiệt lực mà chết. Đặc biệt, phun nước lên lá vào mùa nắng nóng có thể làm giảm mật độ nhện, do chúng thích sống ở môi trường khô ráo. Trong điều kiện ẩm ướt, chúng sẽ tự bị đào thải và không còn cơ hội gây hại trên cây trồng. Trước khi cây ra hoa, phun nước rửa lá cây thật kỹ. Cách làm này không chỉ giúp cây quang hợp tốt hơn mà còn trừ nhện đỏ, tạo điều kiện cho thiên địch phát triển.

Có thể dùng để phun ngừa với các thuốc như: Dimenate 40EC, Saliphos 35EC, Ortus, Dầu DC-Tron plus, Confidor theo quy định…

Đặc tính nhện đỏ có tính kháng thuốc nên có thể đảo phun luân phiên các loại thuốc để đạt hiệu quả cao nhất. Nếu vườn bị hại nặng thì cứ mỗi đợt ra lộc non xịt thuốc 3 lần: lần 1 khi vừa nhú đọt, lần 2 khi đọt ra rộ và lần 3 khi lá bánh tẻ.

Tuy nhiên, phương pháp kiểm soát sinh học tốt hơn hóa học, vì nhện đỏ thường kháng thuốc trừ sâu rất nhanh.

BẠN NHÀ NÔNG

 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh