(VLO) Chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, khả năng sinh sản nhanh, nhiều, có nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp, nhất là trên cây lúa và lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho cộng đồng. Do đó, việc quản lý chuột phải được thực hiện sớm, kết hợp nhiều biện pháp và đòi hỏi mang tính cộng đồng.
![]() |
Cần áp dụng đồng bộ, thường xuyên, đồng loạt nhiều giải pháp để diệt chuột hiệu quả. |
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, trong vụ lúa Đông Xuân 2024-2025, thời tiết sáng sớm có nhiều sương mù, ngày nắng dịu, ẩm độ không khí khá cao kết hợp các trà lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng đến trổ tạo điều kiện thuận lợi cho dịch hại phát triển. Các đối tượng dịch hại chủ yếu như bệnh đạo ôn, vàng lá chín sớm, cháy bìa lá, chuột,...
Trong đó, chuột là một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm đối với cây lúa. Thời gian qua, diện tích chuột gây hại trên lúa là gần 400ha, với tỷ lệ gây hại 5-10%, phân bố rải rác các xã của huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình và Vũng Liêm.
Nhiều nông dân cho hay, chuột sinh sản rất nhanh, khả năng di chuyển nhanh nhạy và tinh khôn. Chuột chủ yếu hoạt động và gây hại vào ban đêm; trên ruộng, chuột phá hại vào bất cứ giai đoạn nào của cây, khi khan hiếm thức ăn chuột phá hại càng nhiều. Chuột thường phá hoại mạnh tại những diện tích gần khu dân cư, gần chân vườn, gò đống, gần bờ lộ lớn.
Lo lắng vì chuột gây hại nhiều, chú Phạm Văn Bảy (xã Phước Hậu, huyện Long Hồ) cho hay: “Xung quanh ruộng của tôi nhiều người đã lên liếp trồng cây ăn trái, lại có chỗ vườn bỏ hoang, ít chăm sóc nên chuột xuất hiện và gây hại nhiều. Vụ lúa Thu Đông vừa rồi chuột cũng phá nhiều làm giảm năng suất lúa. Vụ này, tôi cũng đã dùng nhiều biện pháp phòng trị nhưng chưa đem lại hiệu quả cao”.
Chú Trịnh Văn Tùng (xã Bình Phước, huyện Mang Thít) cũng cho hay: “Chuột gây hại nặng nhất vào giai đoạn đòng trổ, lúc này chúng ăn đòng non (có vị ngọt) hay cắn ngang lúa, ăn hạt. Có đêm, chuột cắn phá nhiều hơn là ăn.
Ở giai đoạn hình thành đòng, chuột cắn thủng bẹ, ăn đòng. Khi lúa sắp chín, chuột vít dảnh lúa xuống để ăn hạt, dảnh bị hại thường bị cắn đứt. Nếu bị hại sớm, lúa có thể phục hồi, tạo ra dảnh mới, nhưng khi chín sẽ không đều. Nếu bị hại muộn, lúa không phục hồi được, không cho năng suất”.
Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, thời gian tới, chuột có khả năng gia tăng tỷ lệ gây hại và diện tích nhiễm do diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng không theo quy hoạch, diện tích lúa xen rau màu và vườn cây ăn trái làm phát sinh diện tích chuột gây hại ngày một tăng.
Để diệt chuột đạt được hiệu quả cao nhất, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân phải kết hợp nhiều biện pháp và phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng loạt, trên diện rộng.
Theo đó, phải nghiên cứu kỹ đặc điểm, tình hình hoạt động của chuột ở từng khu vực, từng thời điểm; phải tổ chức phong trào diệt chuột đồng loạt trên diện rộng vào thời kỳ chuột chưa vào mùa sinh sản hoặc trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các vụ sản xuất.
Cụ thể, cần vệ sinh đồng ruộng, dọn sạch tàn dư rơm rạ, cây trồng... sau thu hoạch, phát quang bờ bụi, không để đất hoang, hạn chế các bờ lớn, lùm cây giữa đồng... là nơi ẩn nấp lý tưởng của chuột.
Xuống giống tập trung để cắt nguồn thức ăn thích hợp kéo dài trong giai đoạn lúa đòng trổ và chín. Giữ nước thường xuyên trong ruộng lúa. Không nên trồng quá nhiều loại cây trồng trên đồng ruộng như khoai mì, bắp, đậu, mía… hay trồng giống lúa quá ngắn ngày, tạo điều kiện cho nguồn thức ăn liên tục và nơi cư trú an toàn cho chuột.
Bên cạnh đó, sử dụng các loại bẫy sập, bẫy dính… tổ chức đào hang bắt, soi đèn để phát hiện các hang có chuột sau đó đào hoặc hun khói, đặc biệt là từ giai đoạn lúa ngậm sữa, thời gian này chuột cái vào hang sinh sản. Nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là thiên địch của chuột như: mèo, rắn, chim cú mèo…
Đồng thời, khi áp dụng biện pháp hóa học thì chỉ được sử dụng các loại thuốc diệt chuột có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam. Lưu ý, thuốc hóa học trừ chuột rất độc nên khi đặt bả phải thông báo, cắm bảng cho người dân biết cụ thể về thời gian, địa điểm đặt bả để chủ động nhốt gia súc, gia cầm.
Người trực tiếp trộn thuốc và đặt bả phải sử dụng bảo hộ lao động như đeo khẩu trang và găng tay. Không đặt bả gần nguồn nước sinh hoạt, trong chuồng trại chăn nuôi. Không nên sử dụng bẫy bả bằng thuốc hóa học trong khu dân cư vì gây nguy hiểm cho người và động vật.
Triển khai đặt bả trước khi gieo sạ để hạn chế chuột phá hại mầm lúa và đặt bả kết hợp đặt bẫy vào các giai đoạn xung yếu (đẻ nhánh, làm đòng). Trộn thuốc với các loại thức ăn chuột ưa thích như lúa mầm hoặc cám thực phẩm, tôm, cua, cá… Đặt mồi trộn ở bờ ruộng nơi gần hang hoặc gần đường đi của chuột, trên bờ mương, chân đê, bờ ruộng để diệt chuột.
Đặt bả vào chiều tối và sáng sớm hôm sau phải thu nhặt bả thừa và xác chuột chết đem chôn ở những nơi cách xa nguồn nước sinh hoạt, xử lý bằng vôi bột, tránh gây ô nhiễm môi trường, tránh gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.
Trong trường hợp bị ngộ độc do tiếp xúc với thuốc (ăn, uống thực phẩm có dính thuốc…) phải kịp thời chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng điện để diệt chuột với bất kỳ hình thức nào.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin