(VLO) Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL (HATRI) đã chuyển giao cho các địa phương, các công ty nhiều giống lúa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu (BĐKH). Qua đó, góp phần đa dạng các giống lúa sản xuất ở ĐBSCL, đồng thời giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo lợi nhuận.
Hàng năm, HATRI duy trì và trình diễn các bộ giống lúa do viện lai tạo với năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
![]() |
Việc phát triển các giống lúa, góp phần đa dạng giống lúa và thích ứng biến đổi khí hậu. |
Nhiều giống lúa phù hợp với xuất khẩu, thích ứng hạn mặn, ngập lụt, đồng thời các dòng lúa nếp, lúa hạt tròn và lúa màu cũng được viện giới thiệu.
Các mục tiêu trong nghiên cứu giống lúa của viện cũng quan tâm đến nhiều giống phục vụ cho việc chăm sóc sức khỏe, như dòng lúa dành cho người tiểu đường, lúa giàu dinh dưỡng và chống oxy hóa, nhắm đến thị trường cao cấp, quan tâm sức khỏe và sắc đẹp.
Mới đây, tại cánh đồng lúa khảo nghiệm thuộc phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ, HATRI tổ chức hội thảo đầu bờ đánh giá các giống lúa trồng khảo nghiệm vụ Đông Xuân 2024-2025 với nhiều đặc tính ứng phó tốt với BĐKH.
Vụ Đông Xuân năm nay, HATRI trồng khảo nghiệm khoảng 100 giống lúa chủ yếu là các giống do viện nghiên cứu lai tạo. Ngoài khảo nghiệm các giống có khả năng chống chịu tốt với sâu bệnh hại, khô hạn thiếu nước, phèn, mặn; còn chú trọng các giống có khả năng chịu nóng tốt và giảm phát thải khí nhà kính.
Điều này mở ra triển vọng vừa đa dạng thêm các giống phục vụ sản xuất tại ĐBSCL vừa thích ứng tốt với các loại hình thời tiết cực đoạn do BĐKH hiện nay.
Tại hội thảo, các đại biểu là nông dân, cán bộ ngành nông nghiệp và các nhà khoa học khu vực ĐBSCL đánh giá, tìm ra những giống lúa triển vọng, đề xuất viện tiếp tục đưa vào sản xuất thử hướng đến sản xuất đại trà góp phần đảm bảo hiệu quả sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho bà con nông dân trước điều kiện BĐKH hiện nay. Theo đó, có 5 giống lúa triển vọng gồm HATRI 10, HATRI 20, HATRI 190, HATRI 192, HATRI 25.
![]() |
Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú, tỉnh An Giang tiếp tục đến ruộng khảo nghiệm của viện để đánh giá chính xác hơn đặc tính của giống lúa HATRI 722, nhằm làm cơ sở đưa vào sản xuất tại địa phương. Trước đó, cũng thông qua việc khảo nghiệm giống lúa như thế này, giống lúa HATRI 10 đã được đưa vào sản xuất tại địa phương.
Ông Lê Hồ Minh Thiện- Phó Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú, cho biết: Giống HATRI 722 cũng đang được khảo nghiệm, theo dõi. Qua quá trình khảo nghiệm tại đồng ruộng ở địa phương nông dân đánh giá giống này cứng cây, nở bụi khá, đặc biệt bông nhiều hạt, dài bông và nhẹ sâu bệnh.
Ông Huỳnh Thanh Vui- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt- BVTV TP Cần Thơ, cho hay: “TP Cần Thơ tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 với diện tích khoảng 48.000ha.
Các giống lúa giảm phát thải là một trong những tiêu chí đưa vào sản xuất rất tốt, các giống lúa cũng được đưa vào cơ cấu sản xuất của vùng đề án”.
GS.TS Nguyễn Thị Lang- Viện trưởng HATRI, cho biết: “Gần 10 năm viện đã nghiên cứu từ bản đề di truyền, số lượng gien chịu nóng, nằm ở nhiễm sắc thể số 3, số 4.
Đến thời điểm hiện tại, viện mới đưa ra ngoài đồng để thử nghiệm về sức chịu nóng, đặc biệt là trong vụ Đông Xuân này. Bên cạnh đó là khảo sát nghiên cứu về năng suất, đây là vấn đề quan trọng, chịu nóng được nhưng phải năng suất và phải chống chịu được bệnh”.
Việc phát triển các giống lúa, góp phần đa dạng giống lúa và thích ứng BĐKH. Thời gian tới, HATRI cần tiếp tục nghiên cứu và đưa ra thị trường những giống ưu việt phục vụ sản xuất và góp phần thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin