NHÀ NÔNG TÌM HIỂU:
Cách cải tạo hệ vi sinh vật trong đất

08:57, 04/02/2025

Đất vườn nhà tôi thâm canh nhiều năm khiến đất bị giảm độ tơi xốp, thoái hóa. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách cải tạo hệ sinh vật trong đất.


Phạm Thanh Tùng 
(Xã Tân An Thạnh, huyện Bình Tân)


Anh Tùng mến!


Hệ vi sinh vật đất có vai trò rất quan trọng đối với đất và cây trồng, chúng tác động đến môi trường sống của cây, hỗ trợ các quá trình sinh lý sinh hóa trong cây. Các nhóm vi sinh vật chính cư trú trong đất bao gồm: vi khuẩn, vi nấm, xạ khuẩn, virus, tảo, nguyên sinh động vật.


Hệ vi sinh vật tự nhiên trong đất đang mất dần, dấu hiệu nhận thấy rõ nhất đó là đất trồng đang giảm dần khả năng hấp thụ và chuyển hóa các chất được bón vào.

Đất nông nghiệp và đặc biệt là đất thâm canh trong thời gian dài gặp phải tình trạng bạc hóa, độ giữ nước kém, độ tơi xốp giảm, các vi sinh vật có lợi giảm dần và pH đất mất cân bằng. Môi trường đất ngày càng bị thoái hóa dẫn tới các loài vi sinh vật đất ngày một mất dần, đặc biệt là các loài vi sinh vật có lợi. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển.

Lạm dụng nhiều loại thuốc và phân bón hóa học trong thời gian dài làm mất cân bằng quần thể vi sinh vật đất có ích, tạo môi trường bất lợi đối với các sinh vật có ích phát triển và đó là điều kiện để nấm bệnh, các loài côn trùng có hại kháng thuốc hơn.


Để cải thiện hệ vi sinh vật trong đất, một số biện pháp nhằm cải thiện hệ vi sinh vật đất có thể kể đến là che phủ mặt đất bằng thảm thực vật hoặc các vật liệu che phủ hữu cơ để bảo vệ và cải thiện hệ vi sinh vật đất. Bón các loại phân xanh hoặc phân hữu cơ hoai mục để cung cấp thức ăn cho vi sinh vật. Bón bổ sung các loại phân vi sinh nhằm bổ sung vi sinh vật có lợi cho đất, canh tác lâu ngày cộng với việc sử dụng chất hóa học làm cho môi trường đất dần mất đi hệ vi sinh vật có lợi. 


Trồng xen canh các loại cây trồng có khả năng hỗ trợ sự phát triển của các loài sinh vật cố định đạm, vi sinh vật phân giải lân. Không sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV độc hại. Áp dụng các hình thức canh tác hợp lý như luân canh, xen canh, trồng đa dạng các loại cây trồng với nhau để cải thiện môi trường đất tránh làm cho đất bị thoái hóa sau thời gian canh tác độc canh quá dài.


BẠN NHÀ NÔNG
 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh