Làm nông thời hiện đại

15:52, 03/02/2025

Bằng sự nhạy bén, chịu đầu tư, nghiên cứu, học hỏi, nhiều nông dân đã hiện đại hóa sản xuất, làm chủ công nghệ, nắm bắt các xu thế mới, ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất nông nghiệp. Với cách làm nông hiện đại, nông dân đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, giải phóng được sức lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, tăng hiệu quả kinh tế và hướng đến phát triển nền nông nghiệp thông minh, bền vững, hiện đại. 

Máy bay nông nghiệp được ứng dụng nhiều vào sản xuất.
Máy bay nông nghiệp được ứng dụng nhiều vào sản xuất.

Lợi ích lớn từ ứng dụng chuyển đổi số


Thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp, nông dân đã quan tâm và chú trọng đầu tư mua thiết bị thông minh, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Trong đó, phổ biến nhất là việc ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ nhà màng, nhà kính, tưới nhỏ giọt, chăm sóc, theo dõi, quản lý sản xuất qua điện thoại, máy tính, sản phẩm được đăng ký tem, nhãn hiệu, mã vạch… nông dân chỉ cần ấn nút, bấm điện thoại là mảnh ruộng, vườn rau, vườn cây ăn trái được chăm sóc từ “A đến Z” mà không phải chịu cảnh chân lấm tay bùn hay phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước. Từ đó, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất nông nghiệp, hạ giá thành, tăng năng suất, chất lượng nông sản. Đồng thời, góp phần bảo vệ sức khỏe nông dân và người tiêu dùng, hạn chế ô nhiễm môi trường.


Nhiều nông dân bày tỏ phấn khởi khi làm ruộng ngày nay không còn vất vả như xưa nhờ máy móc làm thay cho sức người. Trong đó, máy bay nông nghiệp được ghi nhận là thành quả công nghệ 4.0 được nông dân áp dụng nhiều trong sản xuất. Máy bay có thiết kế đa chức năng, vừa có thể gieo sạ, phun thuốc BVTV, vừa rải phân bón trên những cánh đồng ruộng, vườn cây rộng lớn, giúp nông dân tiết kiệm thời gian, sức lao động, hạn chế tiếp xúc với thuốc BVTV, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nông dân và môi trường. 


Có 10 công lúa sử dụng máy bay nông nghiệp trong sản xuất, anh Lê Văn Minh (xã Song Phú, huyện Tam Bình) chia sẻ: “Tôi thực hiện rải giống, phun thuốc, rải phân bằng máy bay nông nghiệp đã hơn 1 năm nay. Hiệu quả lắm. Tiện dụng, khỏe hơn cái bình xịt quảy trên lưng. Đỡ tốn công, tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn đảm bảo sức khỏe. Nhờ sử dụng máy bay nông nghiệp mà chi phí giảm khoảng 20%, năng suất lúa vẫn đảm bảo”.


Ông Lê Văn Chiến- Phó Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Tam Bình cho biết: Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và cũng là cơ hội để nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả sang nền nông nghiệp hiện đại. 


“Từ thành quả của công nghệ 4.0, nông dân cũng được hưởng lợi rất nhiều. Thời gian qua, huyện đã định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, từng bước cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, trong đó thiết bị bay cũng là nhu cầu cần thiết, để giảm giá thành, chi phí đầu tư, nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ngành nông nghiệp huyện cũng thường xuyên phối hợp tổ chức các hội thảo, mô hình trình diễn để nông dân áp dụng và sử dụng hiệu quả công nghệ vào sản xuất”- ông Chiến cho biết thêm.


Ứng dụng công nghệ nhà màng và áp dụng chăm sóc, theo dõi, quản lý vườn trồng dưa lưới qua điện thoại, anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc HTX Nông nghiệp MekongGreen (TX Bình Minh) cho biết: HTX đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo hướng an toàn, hiện đại, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, sản phẩm dưa lưới của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Đây được xem là cơ hội để HTX quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản.
Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, chất lượng nông sản.


Hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiện đại


Nông nghiệp hiện đại, thông minh là xu thế tất yếu, nhưng để có được thành công là cả một quá trình nỗ lực không ngừng của những người nông dân đam mê, gắn bó với đồng ruộng. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Vậy nên, nông dân- chủ thể của nền nông nghiệp, cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. “Trí thức hóa nông dân” là yêu cầu bắt buộc. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình. Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Đồng thời, người nông dân biết tối ưu hóa quy trình sản xuất, tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận.


Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở Nông nghiệp-PTNT đã phối hợp, hỗ trợ các địa phương, đơn vị đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất.


Ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: Khi có đội ngũ nông dân chuyên nghiệp hóa thì sẽ có nền nông nghiệp chuyên nghiệp. Thời gian qua, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số với công nghệ 4.0 và các thiết bị canh tác hiện đại trong tỉnh đã giúp giảm nhân công lao động, chi phí sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sạch, hiện đại, bền vững, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tập quán sản xuất của người dân, doanh nghiệp; tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất nông nghiệp. Kịp thời đánh giá và tuyên truyền giới thiệu các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế để người dân áp dụng, nhân rộng. Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ trong ngành nông nghiệp phục vụ sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số…

Những cánh đồng mẫu lớn được cơ giới hóa hoàn toàn trong quy trình canh tác. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI
Những cánh đồng mẫu lớn được cơ giới hóa hoàn toàn trong quy trình canh tác. Ảnh: PHẠM ĐỨC TÀI


Có thể thấy, chuyển đổi số nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, để nông dân tiếp cận và tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ, giúp công việc bớt vất vả, hiệu quả và năng suất hơn. Dù mới chỉ ở từng phần, từng công đoạn, chưa áp dụng rộng rãi, song những thành công của nông dân trong thực hiện chuyển đổi số, áp dụng sản xuất theo hướng hiện đại cũng đã mang lại những lợi ích không nhỏ cho sự phát triển của ngành nông nghiệp tỉnh. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh