(VLO) Thời gian qua, Sở KH-CN phối hợp Hội Nông dân (ND) tỉnh triển khai nhiều mô hình ứng dụng giá thể hữu cơ (HC) vi sinh trên rau, màu. Qua đó, góp phần giúp ND nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, chuyển đổi dần phương thức canh tác truyền thống sang hướng HC, cải thiện đất trồng, tạo nguồn thực phẩm sạch, an toàn.
![]() |
Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân. |
Theo ngành chức năng, những năm qua, bón phân hóa học là thói quen của ND bởi sự tiện lợi, cây trồng hấp thu nhanh và cho hiệu quả rõ rệt. Song, việc sử dụng thiếu chọn lọc về phân bón, thuốc BVTV đã làm cho đất nông nghiệp ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng và làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản.
Vì vậy, cần thiết phải nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp nguồn rau xanh, sạch, đảm bảo an toàn sức khỏe và bổ sung dinh dưỡng cho người tiêu dùng; đặc biệt là nguồn rau xanh được trồng từ nguồn nguyên liệu HC phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra giá thể HC vi sinh, cung cấp dinh dưỡng cho rau màu, cải tạo đất, giảm sử dụng lượng phân bón hóa học và thuốc BVTV, thân thiện với môi trường và phù hợp với đề án phát triển nông nghiệp HC giai đoạn 2020-2030.
Mới đây, Sở KH-CN kết hợp với Hội ND tỉnh triển khai thực hiện mô hình ứng dụng giá thể HC vi sinh trên cải bắp de tại xã Tân Bình, huyện Bình Tân. Mô hình thực hiện từ tháng 5/2024 trên diện tích 14ha, gồm 10,3ha ứng dụng giá thể HC, diện tích còn lại làm đối chứng, ND sản xuất theo kỹ thuật trước đây.
Kinh phí thực hiện 159,8 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, tập huấn về kỹ thuật, cung cấp giá thể HC và cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hộ dân tham gia mô hình. Hộ ND đối ứng 79,8 triệu đồng, bao gồm chi phí phân bón, công chăm sóc, giống, thuốc BVTV,…
Có 5 công trồng cải bắp de tham gia mô hình, chú Dương Thanh Bình (xã Tân Bình) cho biết: Khi ứng dụng giá thể HC vi sinh đúng theo hướng dẫn năng suất cải bắp de đạt cao so với mô hình canh tác thông thường, phân bón, thuốc BVTV sử dụng ít hơn. Từ đó, lợi nhuận của mô hình sử dụng giá thể HC cao hơn so với mô hình canh tác thông thường.
Ngoài ra khi so sánh mô hình có sử dụng giá thể HC vi sinh trên cải bắp de cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt hơn, màu lá xanh non, mượt hơn, đất tơi xốp hơn, ít sâu bệnh so với diện tích canh tác thông thường không có sử dụng giá thể HC. Bên cạnh đó, thời gian thu hoạch rút ngắn hơn so với diện tích canh tác thông thường 2 ngày.
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hiền- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh, mô hình ứng dụng giá thể HC vi sinh trên cải bắp de cho kết quả tích cực. Khi sử dụng đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, năng suất cải bắp de đạt cao so với việc canh tác thông thường, đồng thời phân bón, thuốc BVTV cũng sử dụng ít hơn.
Cụ thể, khi có sử dụng giá thể HC trên mỗi 1.000m² trung bình giảm khoảng 310.000đ chi phí phân bón và giảm hơn 260.000đ chi phí thuốc BVTV so với ruộng đối chứng. Trong khi đó, năng suất cao hơn khoảng 270kg, lợi nhuận cao gần 3,3 triệu đồng.
Mô hình tạo điều kiện giúp hội viên ND phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất bền vững.
Đồng thời, góp phần vận động ND nâng cao ý thức, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, tận dụng nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp: rơm rạ, bụi dừa và xác bã thực vật... nhằm hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV, góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả.
Qua đó, chuyển đổi dần phương thức canh tác truyền thống (sử dụng phân hóa học) sang hướng canh tác HC. Từ đó, tạo nguồn thực phẩm sạch cho bữa ăn hàng ngày, đảm bảo sức khỏe cho người dân, góp phần giải quyết việc làm cho hội viên, ND.
Theo ngành chức năng, thời gian qua, ND đã nâng cao ý thức, từng bước giảm sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu, bệnh, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, hướng đến nền nông nghiệp HC, định hướng cho phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Giá thể HC sinh học là chất nền sạch thích hợp cho nhiều loại cây trồng, đặc biệt là rau màu các loại. Giá thể HC bổ sung chế phẩm vi sinh có ích với nhiều chủng khác nhau giúp hỗ trợ cải tạo đất, cung cấp dinh dưỡng và phòng ngừa một số nấm bệnh trên cây trồng.
Tuy nhiên, số lượng giá thể HC được hỗ trợ còn ít hơn so với nhu cầu của hội viên ND. Do đó, đề nghị Sở KH-CN tiếp tục hỗ trợ kinh phí phối hợp thực hiện các mô hình, nhân rộng và nâng cao hiệu quả trong hội viên ND ở những năm tiếp theo. Đồng thời, ND cũng bày tỏ mong muốn ngành chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất giá thể HC để ND ứng dụng trong thời gian tới.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin