(VLO) Thời gian qua, trong tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp (NN) hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
NN hữu cơ đang là xu hướng phát triển mạnh hiện nay trước nhu cầu sử dụng sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng cũng như đảm bảo sự bền vững cho môi trường, đồng thời đây cũng là một trong những giải pháp giúp NN gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao đã và đang trở thành xu hướng tất yếu của ngành nông nghiệp. |
Trong khi đó, các sản phẩm NN công nghệ cao phát huy được tối đa giá trị nông sản, đáp ứng được nhu cầu thị trường, giảm sức lao động, tăng lợi nhuận.
Nhiều mô hình hiệu quả
Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật thường xuyên được thực hiện. Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất giúp giảm chi phí, từng bước chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân, tăng sức cạnh tranh trên thị trường của các sản phẩm nông sản.
Bên cạnh đó, các ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đặc biệt là sự đồng tình của đa số người dân nên việc triển khai thực hiện đạt kết quả khá tốt, đã xây dựng được một số mô hình sản xuất NN hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả làm tiền đề nhân rộng trong những năm tiếp theo từ các chương trình, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi hàng năm.
Cụ thể, các địa phương, nông dân đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật về sử dụng nguồn giống đạt chất lượng, phương pháp giảm giống gieo sạ, tiết kiệm nước tưới, giảm nhân công và tổn thất sau thu hoạch…
Theo đó, mức độ đầu tư và khả năng tiếp cận, ứng dụng khoa học công nghệ của nông dân dần cải thiện rõ rệt (nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn thuê đất để mở rộng diện tích, chủ động sản xuất theo quy trình đồng bộ, đẩy mạnh đầu tư cơ giới hóa, tự động hóa...) để tạo ra sản phẩm đủ lớn về số lượng, giá thành thấp, cạnh tranh cao.
Nổi bật là mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nơi còn liên kết thành lập HTX để thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đây là hướng sản xuất tiên tiến và bền vững cho nông dân trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay.
Từ 2.000m2 canh tác dưa lưới trong nhà kính ban đầu, anh Nguyễn Trọng Nghĩa- Giám đốc HTX Mekong Green (TX Bình Minh) đã liên kết với nhiều nông dân khác tại địa phương thành lập HTX với 15 xã viên, diện tích sản xuất 1ha.
Trung bình mỗi năm HTX này cung ứng ra thị trường hơn 60 tấn dưa lưới các loại, cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm.
Nhờ có vùng trồng lớn nên ngoài bán lẻ cho thương lái thì 70% sản lượng dưa lưới của HTX được 3 doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu thu mua ổn định. Không chỉ sản xuất theo quy trình VietGAP, hiện sản phẩm dưa lưới của HTX đã đạt chuẩn OCOP 4 sao nên được thị trường rất ưa chuộng.
Tại huyện Bình Tân cũng có một doanh nghiệp đầu tư gần 25 tỷ đồng xây dựng 17 nhà kính trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 4,5ha.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao, nhà kính, cho thấy nếu tổ chức sản xuất tốt, Vĩnh Long sẽ từng bước xây dựng vùng sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn trên nhiều loại cây trồng khác. Qua đó, góp phần tăng thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác, giải quyết việc làm, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Theo ngành NN, việc sản xuất NN hữu cơ không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn, mà còn đảm bảo hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện cho sự chuyển hóa khép kín trong quá trình canh tác, góp phần bảo vệ môi trường.
Với mục tiêu thay đổi tập quán canh tác của người nông dân, ngành NN cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình sản xuất áp dụng IPHM, sản xuất theo hướng hữu cơ, đặc biệt việc triển khai thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao phát thải thấp cũng đã góp phần thay đổi nhận thức cho nông dân.
Ngành NN tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Các mô hình liên kết theo chuỗi góp phần nâng cao năng suất, giúp sản phẩm tạo được liên kết đầu ra, có chỗ đứng trên thị trường, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tạo đà phát triển bền vững
Có thể thấy, xu hướng phát triển NN hữu cơ, NN ứng dụng công nghệ cao đã được Nhà nước đầu tư đẩy mạnh hơn trong những năm gần đây và cả định hướng trong tương lai. Song, theo đánh giá của ngành chức năng, việc triển khai phát triển NN hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Để thúc đẩy phát triển NN hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, ngành NN sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, tập quán sản xuất của người dân, doanh nghiệp; hướng đến nền NN sạch. Tuyên truyền, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới áp dụng vào sản xuất NN. Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân thực hiện các mô hình, dự án NN ứng dụng công nghệ cao. Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng và phát triển các doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực NN công nghệ cao…
Bởi người dân còn bị ảnh hưởng kiểu sản xuất truyền thống, chưa có kiến thức nhiều về NN công nghệ cao dẫn đến sản xuất NN chủ yếu vẫn theo quy mô nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều các vùng sản xuất tập trung, mức độ đầu tư, ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa sản xuất, công nghệ sinh học, quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất NN để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít.
Vì vậy, năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất NN chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa sản xuất ra trên thị trường còn thấp.
Theo ông Lâm Văn Chánh- Phó Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình, một số địa phương chưa quan tâm xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất NN ứng dụng công nghệ cao có hiệu quả trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cơ sở vật chất ứng dụng công nghệ cao trong NN tương đối lớn, cùng với yêu cầu cao về trình độ nguồn nhân lực là rào cản lớn trong việc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt- BVTV cho biết: Thời gian tới, chi cục sẽ hướng dẫn các quy định như là chính sách hỗ trợ về phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tổ chức cá nhân có liên quan đặc biệt là những HTX doanh nghiệp có tiềm năng phát triển trong lĩnh vực này.
Chi cục cũng sẽ triển khai các chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công nghệ cao đến các tổ chức cá nhân để giúp cho các khâu sản xuất phát triển mạnh trong thời gian tới.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin