Nhà nông tìm hiểu:
Phòng trị bệnh viêm mũi trên thỏ

14:20, 08/10/2024

Một số con thỏ nhà tôi nuôi có triệu chứng sổ mũi, hắt hơi, chảy nước mũi. Xin Bạn Nhà nông hướng dẫn cách phòng trị.

Trần Văn Thạnh

(Xã Phú Đức, huyện Long Hồ)

Anh Thạnh mến!

Những triệu chứng trên cho thấy thỏ của anh đã bị bệnh viêm mũi. Nguyên nhân là do xoang mũi thỏ có rất nhiều vách ngăn phức tạp trong đó thường chứa đọng các vi khuẩn tiềm sinh và bụi bặm. Nếu bị tác động của môi trường không khí ngột ngạt, thay đổi thời tiết đột ngột, gió lùa mạnh, ẩm thấp, vận chuyển đường dài thỏ mệt nhọc... thì bệnh viêm mũi phát ra, đôi khi kết hợp với bệnh khác như tụ huyết trùng, tụ cầu trùng,… bệnh trở nên nặng và phức tạp hơn. Thỏ bị viêm mũi sẽ hắt hơi, chảy nước mũi, khó thở và thở có tiếng ran, sau đó có dịch mủ chảy ra và sốt. Thỏ thường lấy 2 chân trước dụi mũi, nên lông phía trong 2 bàn chân trước rối dính bết lại. Thỏ kém ăn, lông xù, phản ứng chậm chạp. Nếu không điều trị bệnh viêm mũi kịp thời có thể chuyển sang bệnh viêm phế quản và phổi. Thỏ bỏ ăn, sốt cao, khó thở, gầy yếu nhanh rồi chết. Bệnh ở dạng cấp tính, có thể làm thỏ chết đột ngột, chết nhiều trong thời gian ngắn mà không kịp thấy triệu chứng.

Thỏ là loại gia súc yếu, rất nhạy cảm với ngoại cảnh, sức đề kháng của cơ thể kém, dễ nhiễm các mầm bệnh và phát triển thành dịch do các yếu tố của môi trường ngoại cảnh gây nên. Do đó, phải nuôi thỏ đúng yêu cầu kỹ thuật, chú ý nhất là khâu vệ sinh phòng bệnh và chăm sóc nuôi dưỡng. Bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp nên phải đề phòng bằng cách nuôi dưỡng chăm sóc tốt, đảm bảo môi trường hợp vệ sinh, không nên nhốt thỏ trên chuồng gà, chuồng heo, vừa ngột ngạt, vừa có nguy cơ lây lan mầm bệnh từ vật nuôi khác sang thỏ. Tạo môi trường phù hợp, vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là khi vận chuyển đi xa cần tránh mưa nắng, gió lùa mạnh, lồng vận chuyển phải có vách ngăn, có đồ lót khô, sạch, không nhốt quá chật để thỏ đè lên nhau.

Khi thỏ mới bị viêm mũi cần phải thay đổi môi trường hợp vệ sinh và nhỏ thuốc như chloramphenicol, streptomycin, kanamycin vào 2 lỗ mũi, mỗi ngày nhỏ 2 lần cho đến khi khỏi. Nếu bị nặng thì cần tiêm thêm streptomycin liều 0,1 g/kg thể trọng hoặc tiêm kanamycin với liều 0,0 5g/kg thể trọng trong 3 ngày liền.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh