(VLO) Theo ngành chức năng, đất nông nghiệp (NN) Việt Nam đang suy thoái nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp cụ thể để giữ gìn, bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất.
Theo đó, việc triển khai Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ góp phần bảo vệ, phục hồi dinh dưỡng đối với tài nguyên đất, từng bước xây dựng nền NN Việt Nam phát triển bền vững và an toàn sinh thái.
Sức khỏe đất ngày càng suy giảm nghiêm trọng, đòi hỏi cần có biện pháp cụ thể để nâng cao, giữ gìn, bảo vệ sức khỏe đất. |
Chất lượng đất nông nghiệp ở mức báo động
Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT, chất lượng đất NN ở nước ta đã ở mức báo động, sức khỏe đất đã đến mức suy kiệt. Cụ thể, đối với đất sản xuất lúa vùng ĐBSCL, nguyên nhân làm giảm độ phì nhiêu là do canh tác độc canh 3 vụ lúa/năm nhiều năm liên tục.
Cây lúa lấy từ đất hơn 14 nguyên tố dinh dưỡng theo sản phẩm thu hoạch, nhưng tập quán nông dân chỉ bón phân đa lượng NPK, dẫn đến đất bị bạc màu, mất cân đối dinh dưỡng, thiếu trung, vi lượng và chất hữu cơ.
Biện pháp canh tác chưa phù hợp dẫn đến tầng canh tác cạn, ruộng dễ bị ngộ độc hữu cơ. Ruộng thường xuyên bị ngập nước cùng với rơm rạ chưa xử lý được trục nhận vào đất khiến ngộ độc hữu cơ có thể xảy ra từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh (do rơm rạ) đến làm đòng (do đất bị yếm khí).
Ngoài ra, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã làm thay đổi đáng kể về tính chất vật lý đất, độ chặt tăng lên, độ xốp giảm, khả năng giữ nước của đất ngày một kém đi.
Bà Trần Thị Hòa- Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt không thể tái tạo. Việc đẩy mạnh cải tạo đất, thâm canh thời gian qua đã đưa lại nhiều thành tựu cho ngành NN.
Tuy nhiên, với đặc thù 70% đất đai canh tác ở Việt Nam nằm trên địa hình dốc dẫn tới hiện tượng rửa trôi, suy thoái, kiệt quệ dinh dưỡng ở những vùng thâm canh cao; việc sử dụng quá nhiều thuốc BVTV cũng ảnh hưởng tới sức khỏe đất đai và cây trồng.
Ông Phùng Hà- Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cũng cho biết: Thực trạng tại Việt Nam, quá nhiều dư lượng phân bón trong đất trồng và cao hơn so với chỉ số trung bình của thế giới, đặc biệt là dùng quá dư thừa phân bón vô cơ. Nhiệm vụ đề ra cho ngành phân bón là phải làm sao giảm phân bón vô cơ, tăng phân bón hữu cơ.
Tại Vĩnh Long, ông Nguyễn Ngọc Thanh- Chi cục phó Chi cục Trồng trọt-BVTV (Sở Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Đất sản xuất NN của tỉnh có trên 118.400ha, chiếm 77,6%.
Trong đó, diện tích đất trồng lúa chiếm gần 50%. Nhìn chung, diện tích gieo trồng lúa xu hướng giảm trong 5 năm (2020-2024). Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và canh tác thâm canh cây lúa chủ yếu sử dụng phân bón hóa học, ít quan tâm cải thiện độ phì nhiêu đất trong canh tác dẫn đến các trở ngại trong canh tác lúa hiện nay.
Trong đó, ảnh hưởng của hạn hán, xâm nhập mặn dẫn đến thay đổi hoạt động canh tác lúa các vùng bị ảnh hưởng tùy theo mức độ rủi ro, nhất là việc khô hạn tạo điều kiện cho tầng sinh phèn trong đất hoạt động, ảnh hưởng đến hầu hết các loại cây trồng, xảy ra đồng thời với xâm nhập mặn dẫn đến hoạt động rửa phèn gặp nhiều khó khăn trong mùa khô.
Bảo vệ sức khỏe đất- nhiệm vụ quan trọng
Có thể thấy rằng, việc chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe và năng suất lâu dài của đất đai không chỉ đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng mà còn góp phần bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực, phát triển NN bền vững.
Theo đó, để ngăn chặn suy thoái đất, phát triển NN hữu cơ và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Đề án “Nâng cao sức khỏe đất và quản lý dinh dưỡng cây trồng” đã được xây dựng nhằm bảo vệ và phục hồi tài nguyên đất, đảm bảo an ninh lương thực, đồng thời xây dựng nền NN bền vững và an toàn sinh thái.
Ông Vũ Thắng- Phó Trưởng Phòng Quản lý phân bón, Cục BVTV, cho biết, đề án hướng đến hoàn thiện quy trình canh tác gắn với sử dụng phân bón hiệu quả, từ đó, giảm thất thoát dinh dưỡng trên loại đất chính trồng các cây trồng chủ lực, góp phần ổn định và nâng cao sức khỏe đất trồng trọt, bảo vệ và phát triển đa dạng hệ sinh vật có ích, giảm phát thải khí nhà kính...
PGS.TS Nguyễn Văn Bộ- nguyên Giám đốc Viện Khoa học NN Việt Nam, cho rằng: Đề án được phê duyệt là điều rất tuyệt vời, bởi đất đai là đối tượng quản lý của rất nhiều bộ, ngành. Đất đai không chỉ liên quan tới cây trồng mà còn có vai trò quan trọng của rất nhiều các lĩnh vực xã hội. Đất khỏe là phải phát thải thấp, tích trữ carbon nhiều.
Đề án phải thổi hồn vào đất. Theo đó, để triển khai đề án, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sức khỏe đất trồng và dinh dưỡng cây trồng; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về chất lượng đất chính và phân bón cho cây trồng chủ lực; nghiên cứu KIT chẩn đoán nhanh đất và phân bón…
Ông Nguyễn Văn Tuất- Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật-BVTV Việt Nam, đánh giá, việc triển khai đề án của Bộ Nông nghiệp-PTNT không chỉ phù hợp về khoa học đất, dinh dưỡng cây trồng mà còn lồng ghép chương trình IPHM.
Theo đó, đề án góp phần quản lý dinh dưỡng cây trồng hiệu quả và hỗ trợ nông dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, từ đó giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đồng thời, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc, hướng đến việc đảm bảo an ninh lương thực và sức khỏe cộng đồng, cũng như khuyến khích các thực hành NN thông minh và bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, đất là tư liệu sản xuất đặc biệt, là ngôi nhà của các hệ sinh thái. Vì vậy, sức khỏe đất đang là vấn đề được cả Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm.
Hiện nay, bình quân diện tích đất đai trên đầu người thấp; cộng với tập quán thâm canh, chuyên canh, sử dụng không cân đối phân bón, thuốc BVTV; ô nhiễm đất do sự phát triển của các khu công nghiệp, làng nghề; tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới hạn hán, xâm nhập mặn, phèn hóa... đã làm sức khỏe đất bị suy giảm nghiêm trọng.
Đối với đề án về phát triển, sử dụng phân bón hữu cơ, đã thực hiện từ 2017 và có nhiều chuyển biến thực tế. Năm 2023, lượng phân bón hữu cơ đưa vào sử dụng là 3 triệu tấn, so với tổng số 7 triệu tấn phân hữu cơ và vô cơ. Con số này cho thấy phân hữu cơ đang được sử dụng nhiều lên.
Thứ trưởng Hoàng Trung giao nhiệm vụ cho Cục Trồng trọt phối hợp Cục BVTV phải đánh giá được kỹ càng từng loạt đất ở từng địa phương, từ đó xây dựng bộ tiêu chí đánh giá xem đất nào hợp cây nào.
Việc này cũng sẽ góp phần thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực. Đồng thời, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp cùng Cục Trồng trọt, tổ chức tập huấn cho cán bộ cơ sở. Đây chính là yếu tố then chốt đưa đề án vào cuộc sống.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin