Công nghệ sinh học- chìa khóa cho nền nông nghiệp bền vững

06:03, 17/10/2024

(VLO) Theo các chuyên gia kinh tế, việc ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) là “chìa khóa” để Việt Nam xây dựng một nền nông nghiệp (NN) bền vững và cạnh tranh cao. Tuy nhiên, ứng dụng CNSH trong NN ở nước ta quá chậm, cần có những định hướng, giải pháp phát triển NN bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và đối mặt với các thách thức như biến đổi khí hậu.

Thời gian qua, các địa phương đã phát triển các mô hình hiệu quả mang giá trị đặc trưng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thế mạnh địa phương cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.
Thời gian qua, các địa phương đã phát triển các mô hình hiệu quả mang giá trị đặc trưng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thế mạnh địa phương cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Xu hướng tất yếu

Theo ngành chức năng, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NN là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Các công nghệ mới như CNSH, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý NN sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Việc chuyển đổi số, đưa công nghệ vào sản xuất NN là xu thế tất yếu, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí giá thành đầu tư cho người nông dân.

TS Cao Đức Phát- nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) khẳng định, CNSH là thành tựu của nhân loại, góp phần đóng góp vào hiệu quả sản xuất NN của thế giới trong nhiều thập kỷ, đặc biệt trong vòng 30 năm qua.

Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc BVTV, cải thiện chất lượng đất, môi trường.

Tại tỉnh Vĩnh Long, theo ngành chức năng, CNSH được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện đúng định hướng, từng bước đi vào chiều sâu, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.

Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất NN thời gian qua đã thực sự tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước làm thay đổi nhận thức và hành động từ cơ quan quản lý nhà nước, đến doanh nghiệp cũng như nông dân.

Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước xây dựng ngành NN tỉnh phát triển theo hướng bền vững, hiện đại.

Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, thời gian qua, các địa phương cũng đã phát triển các mô hình hiệu quả mang giá trị đặc trưng, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thế mạnh địa phương cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, mang tiềm năng phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý địa phương được ghi nhận.

Nhiều giống cây mới đã được phát triển với khả năng chống chịu sâu bệnh tốt hơn, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Năm 2023, ngành NN đã hoàn thành 6 khảo nghiệm, thử nghiệm giống trước khi đề xuất, nhân rộng.

Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng CNSH để góp phần hướng đến nền NN xanh như: ứng dụng chế phẩm sinh học trong quản lý sùng đục củ, sâu đục vỏ trái bưởi, ruồi vàng; ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trong sản xuất NN…

Các hoạt động này tiếp tục đưa tiến bộ khoa học được kiểm chứng ứng dụng nhân rộng vào thực tiễn sản xuất, đồng thời định hình hướng đi mới nhằm gia tăng tỷ lệ tự động hóa, đa dạng sản phẩm và sinh kế để thích nghi, giảm bớt rủi ro trước biến động giá cả thị trường, biến chuyển xu thế tiêu dùng và biến đổi khí hậu.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm đánh giá, chọn ra những dòng lúa giống thích nghi với điều kiện sinh trưởng ở Việt Nam do IRRI sưu tầm.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm đánh giá, chọn ra những dòng lúa giống thích nghi với điều kiện sinh trưởng ở Việt Nam do IRRI sưu tầm.

Những thành tựu CNSH đã ứng dụng vào NN không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng nông sản mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu sử dụng hóa chất trong canh tác.

Trong tương lai, CNSH sẽ tiếp tục đóng vai trò then chốt trong việc giúp ngành NN Việt Nam đối phó với những thách thức từ biến đổi khí hậu và đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc ứng dụng CNSH bị chậm lại, có nguy cơ tụt hậu so với thế giới. Trên thế giới hiện nay, đã xuất hiện nhiều xu hướng mới trong phát triển và ứng dụng CNSH.

Cùng với sự thay đổi của công nghệ, sự kết hợp giữa CNSH và công nghệ số, AI cho phép nâng cao hiệu quả nghiên cứu và phát triển CNSH. Để không tụt hậu, cần nhanh chóng tiếp cận, nắm bắt và ứng dụng các xu hướng mới này.

Theo TS Đỗ Tiến Phát- Trưởng Phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện CNSH, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, ngành NN Việt Nam cần nhanh chóng đẩy mạnh ứng dụng CNSH.

Những tiến bộ như công nghệ chỉnh sửa gien (CRISPR) hay các giải pháp NN chính xác sẽ giúp NN Việt Nam tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời giúp ngành này thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh việc ứng dụng CNSH vào NN vẫn còn nhiều thách thức, PGS.TS Nguyễn Hữu Ninh- Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, cho rằng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích áp dụng CNSH vào sản xuất và thúc đẩy phát triển NN bền vững.

Ngoài ra, cần xây dựng chính sách đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về CNSH và tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án nghiên cứu mới.

Việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam dựa trên nền tảng CNSH cũng là một yếu tố quan trọng để gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long phát triển và ứng dụng CNSH vào một số ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sau thu hoạch, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường... góp phần phát triển kinh tế- xã hội nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng CNSH; phát triển và đa dạng sản phẩm CNSH, từng bước xây dựng nền công nghiệp sinh học của tỉnh trở thành nền kinh tế- kỹ thuật quan trọng.

Bài, ảnh: TRÀ MY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh