Trồng đậu phộng trên đất cát- lợi nhuận khá

14:14, 05/09/2024

(VLO) Thời gian qua, ở huyện Long Hồ phát triển trồng đậu phộng (ĐP) trên cát. Nhờ có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất tốt, cộng thêm giá bán cao, nhiều nông dân đạt lợi nhuận khá.

 

Nhiều nông dân cho hay, ĐP là loại cây dễ trồng và chi phí đầu tư thấp, ít sâu bệnh lại thích hợp với vùng đất cát, giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đây cũng là loại cây có tác dụng cải tạo đất do có hàm lượng hữu cơ cao. Nhờ thích nghi điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu nên mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân tại huyện Long Hồ.

Tại xã Phú Đức, thu hoạch ĐP tới đâu là bán hết đến đó. Vụ này, ĐP đạt năng suất khá cao, từ 500 kg/công, với giá bán từ 25.000-30.000 đ/kg, nông dân có thu nhập trên 12 triệu đồng/công. Vừa thu hoạch xong ruộng ĐP, cô Võ Thị Mười cho hay: “Hiện ĐP bán cho mối thương lái tại chỗ được 25.000 đ/kg, bán lẻ 30.000 đ/kg. ĐP vừa thu hoạch xong ăn rất ngon nên rất được ưa chuộng”.

Bên cạnh mang lại thu nhập cao cho người trồng việc canh tác ĐP cũng mang lại thu nhập khá cho lao động thời vụ khi vào giai đoạn thu hoạch. Đang lặt ĐP, cô Lê Thị Lệ Thu (xã Phú Đức) cho biết: “ĐP sau khi nhổ lên thì lặt ra từng hột, công 3.500 đ/kg. Nhờ vậy mà có thu nhập ổn định”.

Nông dân có thu nhập khá từ cây đậu phộng.
Nông dân có thu nhập khá từ cây đậu phộng.

Theo một số nông dân, ĐP từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng. Trong đó, chỉ giai đoạn 1,5 tháng đầu và thời điểm trước thu hoạch 1 tuần là cần nhiều nhân công, thời gian còn lại thì rất nhẹ công, chỉ cần chăm sóc giai đoạn bỏ hạt đến giai đoạn đâm đọt là ĐP phát triển tốt.

Tuy nhiên, trong quá trình trồng cần phải thăm đất thường xuyên để ngăn ngừa và phát hiện kịp thời các loại sâu bệnh, như: sâu cuốn lá, bệnh vàng lá, phèn hạt, đốm đen trên lá và củ…

Nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt khoảng 600 kg/công đối với những nền trồng vụ đầu tiên và khoảng 450-550 kg/công đối với các nền đã trồng nhiều vụ.

Theo ngành chức năng, khi trồng ĐP cần chọn loại đất trồng phù hợp. Đất phải tơi xốp, thoát nước tốt, cao ráo, không ngập nước. Cần chọn hạt giống to khỏe, bóng mẩy, vỏ hạt sáng, không bị xay xát,… cần giữ nguyên vỏ hạt ĐP đợi đến khi sắp gieo mới tách vỏ. Tùy theo tình hình thời tiết mà có chế độ tưới nước khác nhau.

Đối với cây ĐP nên tưới bằng hình thức phun mưa quanh gốc. Cần thường xuyên xới và làm sạch cỏ kết hợp với bón phân để cây không bị cạnh tranh dinh dưỡng.

Nên dùng phân hữu cơ kết hợp phân đạm, lân, kali… Đồng thời, phải thăm thường xuyên để phát hiện, phòng trừ một số sâu bọ bệnh hại thông thường như: chuột, côn trùng ăn lá, bệnh đốm lá, bệnh rỉ sắt, bệnh bạc lá… Thời điểm thu hoạch ĐP rất quan trọng. Nếu tiến hành quá sớm dễ thu nhầm ĐP non, chưa đạt độ dầu.

Nhưng nếu để quá lâu, hạt ĐP gặp đất ẩm sẽ nảy mầm. Nên nhổ thử kiểm tra mỗi bụi có 80-85% hạt già là đạt yêu cầu. Trước khi thu hoạch tầm 10 ngày nên ngưng tưới để không làm hạt ĐP nảy mầm.

Để tránh làm đứt trái, nên tưới nước trở lại trước khi thu hái ĐP. Nên thu hái vào những ngày nắng ráo để nhổ xong hái hạt ra khỏi cây và phơi khô rồi bảo quản.

Lưu ý, không nên trồng ĐP liên tiếp qua nhiều mùa trên cùng 1 mảnh đất sẽ làm giảm năng suất, vì các nấm bệnh lưu tồn trong đất qua nhiều vụ sẽ gây thiệt hại lớn. Do đó, phải áp dụng biện pháp luân canh với cây trồng khác.

Theo ngành nông nghiệp, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã cơ cấu phát triển cây ĐP tại các địa phương. Riêng năm 2024, ngành quy hoạch trồng 15ha, đến nay các địa phương đã thực hiện gần 12ha. ĐP sau khi thu hoạch tiêu thụ thuận lợi nên nông dân rất phấn khởi, yên tâm sản xuất.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh