Tập trung chăm sóc lúa Thu Đông

16:37, 10/09/2024

 

 

Thời điểm này, nông dân (ND) trong tỉnh đã gieo sạ vượt kế hoạch xuống giống lúa Thu Đông. Do thời điểm gieo sạ tập trung trùng vào đợt mưa kéo dài nên có nhiều diện tích bị chết giống. Trong khi đó, nắng nóng xen kẽ mưa giông những ngày qua tạo điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh hại tấn công các trà lúa. Để đảm bảo năng suất, hiện ND tập trung giặm vá, chăm sóc các trà lúa này.

Những ngày qua, ND ở một số cánh đồng đang tích cực sạ giống lại, giặm vá các ruộng đầu giai đoạn đẻ nhánh và phòng trị sâu bệnh. Nhiều ND cho hay, do gieo sạ ngay thời điểm mưa kéo dài nên ruộng bị chết giống, song, sau đó nắng gay gắt khiến cây lúa kém phát triển, bọ trĩ tấn công.

Vừa mới sạ xong 1 ngày thì gặp mưa lớn, chú Nguyễn Văn Hưng (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cho biết: “Mưa kéo dài cả ngày, nước không thoát kịp, tôi thăm ruộng thì thấy giống trôi đi nhiều. Tình hình này là phải sạ lại rồi”.

Cô Kiều Thị Mười (xã Hòa Thạnh, huyện Tam Bình) cho hay: “Vụ lúa Thu Đông này tôi sạ 6 công mà ngay đợt mưa nên bị chết 2 công. Mấy bữa nay tôi phải thuê thêm người để giặm lúa lại, khoảng 1 tuần mới xong”.

Chú Bùi Văn Ba (xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít) cũng cho biết: “Thời tiết nắng mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao và giai đoạn lúa thích hợp nên sâu bệnh tăng. Tôi sạ được 15 ngày thì mưa dầm, lúa bị chết, thưa, nên phải cấy giặm lại. Sau đó, thì nắng nóng, tôi phát hiện bọ trĩ đã gây hại nặng, các đầu lá tóp lại và khô vàng, do đó phải mua thuốc để phun trị”.

Theo ngành nông nghiệp, tính từ đầu vụ Thu Đông đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.100ha lúa Thu Đông bị chết giống do mưa kéo dài. Trong đó, có hơn 1.000ha lúa thiệt hại từ 10-30%, gần 100ha thiệt hại từ 30-70%. Các diện tích thiệt hại nằm rải rác ở các xã của huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn và Vũng Liêm. Trong khi đó, do thời tiết thay đổi thất thường, diện tích lúa nhiễm bệnh trong tuần qua là trên 2.600ha (chiếm 7,55% diện tích xuống giống). Trong đó, diện tích nhiễm bệnh đạo ôn trên 1.100ha, gây hại giai đoạn đẻ nhánh đến đòng trổ, với tỷ lệ phổ biến 5-10%, phân bố rải rác các xã của huyện trên địa bàn tỉnh. Dự báo diện tích nhiễm còn có thể tăng trong thời gian tới.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tập huấn, thăm đồng hướng dẫn ND canh tác lúa hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện mưa nắng xen kẽ như hiện nay.

Theo Chi cục Trồng trọt-BVTV, trước tình hình diễn biến thời tiết chiều, tối có mưa làm ẩm độ tăng cao tạo điều kiện cho các bệnh đốm vằn, cháy bìa lá, vàng lá sẽ gây hại nhẹ đến trung bình. Vì vậy, ND phải chú ý thăm đồng thường xuyên để phát hiện kịp thời, sử dụng đúng thuốc để ngăn chặn mầm bệnh phát sinh phát triển mạnh. Bên cạnh đó cũng lưu ý các đối tượng sẽ gây hại nhẹ như sâu đục thân, muỗi hành, nhện gié trên lúa giai đoạn đòng trổ.

Nông dân tích cực chăm sóc lúa Thu Đông.
Nông dân tích cực chăm sóc lúa Thu Đông.

Để phòng trị bệnh đạo ôn trên lúa đạt hiệu quả cao cần áp dụng tổng hợp các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ: sạ thưa, giống ít nhiễm bệnh đạo ôn, làm đất bằng phẳng, kết hợp thăm đồng thường xuyên khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh, ND nên ngưng bón phân đạm, phun thuốc đặc trị đạo ôn kịp thời, không pha chung với phân bón lá, đối với đạo ôn cổ bông phải phun ngừa 2 lần, trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều.

Để phòng trừ hiệu quả sâu cuốn lá, ND cần tích cực kiểm tra, theo dõi sự phát triển của sâu. Hạn chế phun thuốc trừ sâu cho lúa dưới 40 ngày để bảo tồn thiên địch vì giai đoạn này khi sâu gây hại ở mật độ thấp sự thiệt hại không đáng kể do cây lúa có khả năng tự bù đắp. Trong giai đoạn lúa đẻ nhánh chỉ nên phun thuốc khi mật độ sâu xuất hiện khoảng 30-40 con/m². Trong giai đoạn đòng- trổ mật độ khoảng 15-20 con/m² phải tiến hành phun đúng thuốc. Quan sát đồng ruộng khi thấy xuất hiện sâu tuổi 1-2 thì tiến hành phun thuốc hiệu quả sẽ cao hơn. 

Bên cạnh đó, lưu ý, sự xuất hiện và gây hại của chuột ở những cánh đồng có lúa đang trong giai đoạn trổ- chín. Sử dụng các biện pháp diệt chuột đồng loạt trên diện rộng, mang tính cộng đồng. Ưu tiên sử dụng các loại bẫy cơ học, thuốc diệt chuột sinh học. Chú ý thu gom bẫy bả, xác chuột, để không gây ô nhiễm môi trường, tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột để tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.

Song song đó, ngành chức năng cũng khuyến cáo, ND cần tăng cường thăm đồng kiểm tra gia cố các cống đập, hệ thống đê bao, bờ bao có nguy cơ bị sạt lở, ngập lũ để bảo vệ tốt hơn trà lúa Thu Đông.

Đến nay, ND đã xuống giống hơn 32.500ha lúa Thu Đông, vượt 2.500ha so với kế hoạch của ngành nông nghiệp các địa phương đề ra. Trước tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay, những hỗ trợ của ngành chuyên môn và chính quyền địa phương sẽ góp phần giúp ND chăm sóc lúa Thu Đông đạt hiệu quả, qua đó giữ vững năng suất, đảm bảo chất lượng giúp nâng cao lợi nhuận cho ND.

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG

 


 

Ông Nguyễn Ngọc Thanh- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV: Chi cục phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương thông tin kịp thời tình hình khí tượng thủy văn, mưa bão, triều cường để giúp ND có giải pháp kịp thời trong sản xuất lúa. ND cần tránh bón thừa phân đạm trong điều kiện mưa bão vì sẽ tăng tỷ lệ nhiễm bệnh trên cây lúa. Trong vấn đề quản lý nước, ND nên áp dụng tưới ngập khô xen kẽ hoặc rút nước giữa vụ giai đoạn 28-40 ngày sau khi sạ.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh