Nhà nông tìm hiểu:
Phòng trị bệnh viêm phổi trên dê

16:35, 10/09/2024

Gần đây đàn dê của tôi có dấu hiệu bị sốt cao, nước mắt chảy dịch liên tục, dê bỏ ăn, ít vận động, ho nhiều. Xin Bạn Nhà nông cho biết dê bị bệnh gì và cách phòng trị ra sao?

Phan Thị Hồng

(Xã Trà Côn, huyện Trà Ôn)

Chị Hồng mến!

Từ những triệu chứng trên, dê có thể đã bị bệnh viêm phổi. Bệnh do vi khuẩn viêm phổi và các tạp khuẩn có sẵn trong đường hô hấp của dê khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển gây ra bệnh ở dê. Ngoài ra, bệnh có thể do Pasteurella Haemotica hay Pasteurella Multocida gây ra. Tỷ lệ mắc bệnh lên đến 100% và tỷ lệ tử vong khá cao từ 50-100%. Bệnh thường xuất hiện vào thời kỳ giao mùa hoặc khi thời tiết thay đổi, độ ẩm cao, chuồng trại ẩm ướt, chật chội, dê dính nước mưa,… kết hợp với sức đề kháng kém, dê không đủ sức chống chọi với sự tấn công của vi khuẩn gây bệnh.

Khi mới bắt đầu mắc bệnh, dê sẽ có những triệu chứng như: sốt cao 41-45,50C trong khoảng 2-3 ngày, nước mắt, nước mũi chảy dịch liên tục. Dê bắt đầu ăn ít thậm chí bỏ ăn, uể oải, ít vận động, chỉ nằm một chỗ. Niêm mạc mắt có màu đỏ sẫm; thở ngày một khó khăn; ho nhiều, chuyển từ ho khan sang ho khạc ra dịch mũi khi bệnh đã trở nên trầm trọng. Nếu bệnh nặng và dê có những biểu hiện cấp tính có thể gây tử vong rất nhanh sau 4-6 ngày khởi bệnh. Nếu cơn cấp tính qua đi, bệnh chuyển sang giai đoạn mãn tính khiến dê ngày càng ốm yếu, gầy gò, thở ngày một khó khăn, khả năng hồi phục kém và thường chết sau 30-45 ngày.

Để giảm tối thiểu mức độ mắc bệnh và làm cho dê sinh trưởng, phát triển tốt là phải cho dê ở chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát. Tuyệt đối không được để dê bị ướt nước mưa. Lưu ý, cho ăn đủ lượng; vệ sinh máng ăn, máng uống trước khi cho dê ăn. Định kỳ vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại từ 1-2 lần/tuần, thường xuyên theo dõi kiểm tra sức khỏe, bệnh tật từng con. Tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh cho dê.

Để điều trị bệnh viêm phổi cần cách ly những con dê bị bệnh ra khỏi đàn dê khỏe mạnh. Điều trị dê mắc bệnh liên tục trong 4-5 ngày bằng một trong các loại kháng sinh: tylosin-50, tiamulin, genta-Tylo, ampi-Kana… Kết hợp tiêm bắp hoặc truyền tĩnh mạch các dung dịch tăng sức đề kháng cho dê như: vitamin C, gluco-C, cafein, vitamin B1,… hoặc tiêm bắp ADE-Bcomplex. Tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng của dê.

BẠN NHÀ NÔNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh