Hiệu quả từ mô hình trồng dừa Mã Lai

12:00, 19/09/2024

(VLO) Nhờ ưu điểm dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, được thị trường ưa chuộng, nên gần đây, cây dừa Mã Lai đã được nhiều người dân ở huyện Mang Thít chọn trồng. Mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều nông dân.

Mô hình trồng dừa Mã Lai đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.
Mô hình trồng dừa Mã Lai đem lại thu nhập ổn định cho nông dân.

Có gần 200 gốc dừa Mã Lai hơn 7 năm tuổi, ông Phạm Văn Mát (xã Tân An Hội, huyện Mang Thít) cho biết: “Trước đây tôi trồng một số loại cây khác nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế do đó tôi cải tạo 7 công vườn tạp để trồng dừa Mã Lai.

Tôi cũng tìm hiểu kỹ thuật trồng trọt từ bạn bè, tham quan một số mô hình trồng dừa hiệu quả, học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc cây dừa cho tốt.

Qua 7 năm, hiện dừa đã cho trái ổn định, mỗi tháng thu hoạch khoảng 3.000 trái. Tôi cũng có ký hợp đồng liên kết tiêu thụ với thương lái với giá thu mua quanh năm là 55.000 đ/chục. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi còn lợi nhuận khá, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa”.

Tương tự, có 5 công trồng dừa Mã Lai được khoảng 7 năm, anh Nguyễn Hồng Dũng (TT Cái Nhum, huyện Mang Thít) cũng cho hay: Giống dừa này có đặc điểm trái nhỏ, bình quân khoảng 1,5-2 kg/trái, nước ngọt thanh và được thị trường ưa chuộng. Dừa trồng khoảng 3 năm tuổi là cho thu hoạch, 5 năm là cho trái ổn định.

Dừa cho năng suất rất cao, bình quân từ 15-20 trái/buồng, khoảng 20-25 ngày, mỗi cây dừa sẽ ra một buồng dừa mới, cho thu hoạch liên tục trong năm. Trồng dừa Mã Lai không chỉ nhẹ công chăm sóc, năng suất cao mà còn đem lại hiệu quả kinh tế. So với nhiều loại cây trồng khác thấy rất hiệu quả, có thu nhập ổn định quanh năm.

Theo nhiều người trồng dừa Mã Lai, giống dừa này khi được chăm sóc tốt sẽ cho lưỡi mèo (chuẩn bị cho trái) sau 2,5 năm trồng. Dừa này thuộc giống dừa lùn cao sản, phần thân cao vài gang tay đã có thể mang trái (tính chiều cao thân gỗ, không vuốt lá).

Nhiều trường hợp chỉ sau 20 tháng cây đã cho lưỡi mèo, tuy nhiên không nên để trái nhiều vì cây lúc này vẫn chưa đúng sức, dễ bị suy cây khi để cây mang trái. Do vậy, cần tối thiểu 2,5-3 năm hãy để cây mang trái. Có vậy mới đảm bảo được năng suất về lâu dài.

Theo Hội Nông dân xã Tân An Hội (huyện Mang Thít), thời gian qua, mô hình trồng dừa Mã Lai cũng đã phát triển tại địa phương. Hiện toàn xã có khoảng 10 hộ dân trồng loại dừa này với trên 10ha.

Xã cũng đã vận động, hỗ trợ hộ dân trồng dừa tham gia bán sản phẩm lên trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, địa phương cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc liên kết sản xuất, sản xuất hữu cơ, vận động người dân chuyển đổi sang sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tham gia liên kết xây dựng mã số vùng trồng... Theo đó, đã có 2 hộ dân trồng dừa Mã Lai tham gia thực hiện mã số vùng trồng với diện tích 1,2ha.

Ông Nguyễn Trường Giang- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An Hội, cho biết: Đây là một trong những mô hình chuyển đổi giống cây trồng hiệu quả, đem lại hiệu quả kinh tế khá cho nông dân.

Hội cũng đã giới thiệu đến nông dân trong xã để học tập, nhân rộng mô hình. Bên cạnh đó, qua tuyên truyền về lợi ích của việc thực hiện mã số vùng trồng dừa, nhiều nông dân cũng đã chủ động tham gia, nâng cao ý thức trong sản xuất hơn, như: thực hiện thống nhất quy trình sản xuất, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu, tuân thủ đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về mã số vùng trồng, tiếp tục vận động các hộ trồng dừa tham gia thực hiện mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, để cây dừa Mã Lai cho năng suất cao và chất lượng thì nông dân cần lưu ý: chọn mua dừa giống ở nơi có uy tín, chất lượng, dừa giống không bị trầy xước và sâu bệnh; chọn vùng đất trồng phù hợp, giàu dinh dưỡng, khả năng thoát nước tốt, không bị ngập úng. Nên trồng dừa Mã Lai vào mùa mưa để tận dụng được nguồn nước tốt, giúp cây phát triển nhanh và năng suất cao. Trong quá trình trồng cần chăm sóc và kiểm tra sâu bệnh thường xuyên, có giải pháp khắc phục ngay từ đầu nếu có dấu hiệu sâu bệnh; bón phân theo định kỳ để dừa cho năng suất cao, tăng cao hiệu quả kinh tế.

Bài, ảnh: YẾN LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh