(VLO) Nghề nuôi chim yến một số nơi mang lại giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể thực hiện được. Để phát triển bền vững nghề nuôi chim yến, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người nuôi chim yến trong việc tuân thủ các quy định, có quy hoạch các vùng nuôi, kèm theo là những giải pháp đồng bộ.
Để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý nuôi chim yến. |
Hiệu quả kinh tế cao
Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT tỉnh), nghề nuôi chim yến ở Vĩnh Long xuất phát muộn hơn so với các tỉnh, ghi nhận thời gian manh nha khoảng từ năm 2010.
Năm 2022, Vĩnh Long xếp thứ 34/42 tỉnh, thành phố về số lượng nhà yến- nhóm 10 tỉnh có số lượng nhà yến thấp nhất cả nước. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có hơn 150 nhà yến, sản lượng tổ yến khoảng 790 kg/năm.
Các cơ sở nuôi phân bố đều tại các địa phương trong tỉnh. Thị trường tiêu thụ tổ yến chủ yếu bán trực tiếp cho người tiêu dùng (chiếm 50%), phục vụ gia đình (22%), số còn lại bán cho thương lái (15%) và xuất ra ngoài tỉnh (13%).
Bắt đầu xây nhà nuôi chim yến từ 4 năm trước, chú Nguyễn Văn Nghé (xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Ban đầu tôi cũng chỉ muốn nuôi thử để có sản phẩm và có thu nhập. Nhưng sau khi thấy hiệu quả và tiềm năng lớn từ mô hình nuôi yến nên tôi mở thêm nhà yến.
Hiện tôi có 3 nhà yến, tôi cũng đã đăng ký sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ yến mang thương hiệu Út Nghé. Đến nay, đã có 4 sản phẩm từ yến sào thô, yến tinh chế và yến chưng chai, riêng sản phẩm yến chưng chai vừa đạt sản phẩm OCOP 3 sao”.
Theo nhiều người nuôi yến, tổ chim yến hay còn gọi là “lộc trời”, “chim nhả vàng”, đã mang lại cho người nuôi thu nhập cao. Song, trên thực tế, đây không phải là nghề “dễ ăn”. Bởi, để dụ yến vào nhà, cần phải nắm vững nhiều kỹ thuật, thiết kế nhà phải có gió, ánh sáng, đảm bảo vệ sinh chuồng trại…
Theo đánh giá của ngành chức năng, phần lớn các hộ nuôi chim yến đều tuân thủ quy định về vùng nuôi, về bảo vệ môi trường và phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, do nghề nuôi yến trong tỉnh mới phát triển, còn mang tính chất tự phát.
Một số cơ sở còn gặp khó khăn trong việc mua bán, thương mại sản phẩm tổ yến, chưa có thị trường ổn định, đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, chủ yếu tiêu thụ dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu…
Đó là chưa kể, có tình trạng một số tổ chức, cá nhân đến các tỉnh tư vấn xây dựng nhà yến nhưng mục đích chính là thu tiền tư vấn, bán vật tư làm nhà yến mà không quan tâm đến việc xây nhà yến xong, yến có đến ở hay không. Việc này có thể gây thiệt hại rất lớn cho người dân và ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý ngành.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở pháp lý để hộ chăn nuôi yến hoạt động, đồng thời cũng quan tâm kiểm tra, nhắc nhở các chủ nhà nuôi yến đảm bảo tuân thủ các quy định trong hoạt động.
Song, để nghề nuôi chim yến phát triển bền vững, cần triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường công tác quản lý nuôi chim yến, tăng cường kiểm soát, xử lý những vấn đề bất cập và khai thác hiệu quả nguồn lợi kinh tế này.
Nhằm trang bị kiến thức khoa học và thực tiễn giúp phát triển bền vững, tăng giá trị kinh tế cho nghề nuôi chim yến, Cục Chăn nuôi cũng đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật cơ bản về nuôi chim yến.
Nghề nuôi chim yến đem lại thu nhập cao cho người nuôi. |
Cụ thể, khi chọn vùng và vị trí xây nhà nuôi yến, ngoài việc phải tuân thủ các quy định pháp luật thì người nuôi cần khảo sát sự phân bố quần thể và tập tính sinh học chim yến.
Chọn những nơi phong phú nguồn thức ăn cho chim yến và môi trường tiểu khí hậu ôn hòa; nơi thuận lợi về giao thông, điện, nước; có không gian xung quanh đảm bảo vòng lượn cho chim bay, an toàn sinh học cho nhà yến và con người; nơi ít bị tác động tiếng ồn, mùi hôi, khói bụi, vật cản đường chim bay,...
Cần đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho sự sinh trưởng, sinh sản, phát triển đàn chim yến. Nên có vùng đệm giữa nhà nuôi chim yến với nơi sinh hoạt của con người hoặc các nguồn gây mất vệ sinh.
Phải đảm bảo an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh và nâng cao hiệu quả nuôi. Nhà yến xây xong cần làm vệ sinh sạch sẽ và xử lý các mùi hôi đặc biệt là mùi keo, mùi xi măng…
Tùy theo số lượng tổ mà có giải pháp khai thác phù hợp không ảnh hưởng đến sự phát triển quần thể chim yến. Ngoài ra, cần lưu ý về 18 chỉ tiêu yêu cầu về kỹ thuật tổ yến sau sơ chế và cần ghi nhật ký quản lý nhà yến, nhật ký thu hoạch tổ yến.
Để người dân tiếp cận các quy định chăn nuôi yến, ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y và Thủy sản, cho biết: Đơn vị cũng đã có tổ chức hội nghị phổ biến quy định pháp luật về chăn nuôi chim yến, phổ biến đến với người chăn nuôi rằng nghề nuôi chim yến là nghề có điều kiện, quy định pháp luật của Nhà nước.
Đồng thời, cần sản xuất sản phẩm yến hướng tới xuất khẩu chứ không dừng lại tiêu thụ tại chỗ. Theo đó, xuất khẩu phải tuân thủ các điều kiện vệ sinh thú y, an toàn sinh học và đặc biệt là chất lượng tổ yến và các yêu cầu của Nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y đối với sản phẩm nhập khẩu tổ yến, yêu cầu hàng hóa nhập khẩu…
Thời gian tới, ngành thú y sẽ tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc kê khai cơ sở nuôi chim yến, khuyến cáo hộ nuôi thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và chế biến các sản phẩm yến tại địa phương.
Trên cơ sở Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/1/2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND quy định khu vực thuộc nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, khu vực không được phép chăn nuôi là các phường thuộc TP Vĩnh Long và TX Bình Minh; thị trấn các huyện Long Hồ, Mang Thít, Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân và khu dân cư nằm trong khu trung tâm các xã. Vùng nuôi chim yến là khu vực nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi. |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin