(VLO) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, vài năm trở lại đây, nhiều hội viên nông dân ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn kém hiệu quả sang trồng chanh không hạt (CKH). Bước đầu, mô hình này đã mang lại kinh tế cao cho bà con nông dân nơi đây.
Ông Lê Thanh Tâm- thành viên Chi hội Nghề nghiệp trồng chanh không hạt ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ chăm sóc vườn chanh. |
Xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình là một trong những xã NTM của tỉnh Vĩnh Long, tuy nhiên thời gian qua kinh tế nông thôn phát triển vẫn còn chậm, nông nghiệp sản xuất nhỏ lẻ, phân tán phần nào ảnh hưởng đến đời sống kinh tế của người nông dân.
Từ những trăn trở đó, Hội Nông dân xã Ngãi Tứ đã tham mưu Đảng ủy, UBND xã nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, trong đó có việc thành lập Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH đạt chuẩn VietGAP tại ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ.
Chi hội được thành lập vào tháng 3/2023 với 15 thành viên tham gia và đến tháng 7/2023 được chứng nhận trồng CKH đạt tiêu chuẩn VietGAP.
So với những cây trồng khác, chanh là trái cây được dùng phổ biến trong gia đình, thêm vào đó CKH có giá trị khá cao và năng suất trái ổn định hơn, vì thế được nhiều hội viên nông dân chọn làm cây trồng chính và đạt hiệu quả kinh tế khá cao.
Ông Lê Hồng Phúc- Chi hội trưởng Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu, cho biết, hiện diện tích trồng CKH tại địa phương đã chiếm trên 60% diện tích canh tác.
Mặc dù vậy, quá trình chăm sóc cây CKH ban đầu của hội viên cũng gặp nhiều khó khăn, do thiếu kiến thức và kỹ thuật canh tác.
Song nhờ được sự hướng dẫn của ngành chuyên môn thông qua các lớp tập huấn, các hội viên chi hội được tiếp thu nhiều kiến thức, kỹ thuật mới trong việc trồng CKH, áp dụng trong vườn nhà đạt kết quả khả quan, năng suất trái vì thế cũng cao và chất lượng hơn.
Tham quan thực tế tại các vườn CKH của hội viên, những hàng chanh được trồng thẳng tắp, tàn tròn đều, lá dày xanh, từng chùm trái to sai oằn, bóng mượt trông rất bắt mắt. Ông Lê Thanh Tâm- thành viên Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu, phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 4 công đất trồng CKH.
Qua hơn 2 năm chăm sóc, đến nay vườn chanh đã cho năng suất khá cao, cứ từ 1,5-2 tháng thu hoạch một lần. Từ 4 công đất trồng CKH, mỗi năm tôi thu hoạch bình quân 20 tấn trái, với giá cả ổn định như hiện nay, trừ hết mọi chi phí, hàng năm gia đình còn lãi khoảng 100 triệu đồng”.
Nhờ vậy, gia đình ông và nhiều gia đình hội viên nông dân khác ở địa phương thu nhập ngày càng khấm khá, đời sống vật chất được nâng cao.
Từ thành công ban đầu, hiện nay Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu có 22ha và tăng thêm 5 hộ tham gia mô hình. Mỗi vụ bán ra thị trường từ 100-125 tấn trái, với giá dao động 10.000-25.000 đ/kg, mang lại thu nhập bình quân của mỗi hội viên từ 55-70 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, chi hội còn tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động ở địa phương trong khâu thu hoạch, phun thuốc, bón phân, tưới nước và vận chuyển, với mức bình quân từ 40-60 triệu đồng/năm.
“Xã Ngãi Tứ là một trong những xã trồng màu lớn nhất huyện Tam Bình. Năm 2020, Đảng bộ xã chọn cây bưởi năm roi là cây trồng chủ lực của xã, nhưng gần đây giá bưởi không ổn định, cây đa phần bị lão hóa.
Sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Thường vụ và BCH Đảng bộ xã quyết định chọn cây CKH làm cây trồng chủ lực của xã hiện nay, với đặc điểm cây dễ trồng, giá cả và đầu ra ổn định”- ông Võ Văn Vũ- Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngãi Tứ, thông tin.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, giúp cây phát triển bền vững và tạo đầu ra ổn định cho trái CKH, ông Lê Hồng Phúc thường xuyên khuyến cáo hội viên sử dụng phân bón hữu cơ, phân sinh học nhằm đảm bảo môi trường, tiết kiệm chi phí canh tác.
Đồng thời, chi hội nông dân đứng ra ký kết hợp đồng với dịch vụ hỗ trợ sản xuất như: giống, vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu bệnh… cho thành viên chi hội theo hình thức cung cấp trọn gói, chỉ thu tiền sau khi thu hoạch.
Bên cạnh bán sản phẩm cho thương lái địa phương, chi hội còn ký kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp kinh doanh rau quả ở TP Cần Thơ và HTX OCOP của tỉnh Hậu Giang.
Điểm nổi bật của HTX này là đã chuyển giao cây giống cho thành viên chi hội được 3 đợt; đồng thời tổ chức thu mua tất cả sản phẩm của hội viên sau thu hoạch.
Trong 4 tháng đầu, HTX mua theo thời giá thị trường. Sau đó, HTX sẽ thẩm định lại chất lượng trái, nếu đảm bảo theo tiêu chuẩn OCOP, HTX sẽ nâng giá thu mua sản phẩm CKH đối với các hộ hội viên nông dân địa phương.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, ông Lê Hồng Phúc chia sẻ, chi hội vẫn tiếp tục trồng, chăm sóc CKH theo hướng VietGAP, truy xuất nguồn gốc theo mã số vùng trồng, giúp nông dân thuận lợi trong việc theo dõi tình trạng sản xuất, kiểm soát sinh vật gây hại và cũng tạo điều kiện để người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, an tâm sử dụng trái CKH của ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ.
Chi hội cũng tiếp tục tuyên truyền và nhân rộng mô hình này cho những hộ có điều kiện cùng tham gia, nhằm góp phần phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình của Chi hội Nghề nghiệp trồng CKH ấp Đông Hậu không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên.
Qua đó, mô hình đã khẳng định vai trò quan trọng của việc tổ chức HTX trong nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của nông thôn và địa phương.
Bài, ảnh: MINH TRIẾT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin