Mang Thít: Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, an toàn dịch bệnh

20:21, 19/08/2024

(VLO) Thời gian qua, tại huyện Mang Thít, hoạt động chăn nuôi (CN) vừa phát triển theo quy mô lớn vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh (ATDB) trong CN, ngành nông nghiệp huyện tăng cường hướng dẫn người CN áp dụng các biện pháp CN an toàn sinh học, góp phần đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe đàn vật nuôi, hướng đến phát triển ngành CN theo hướng an toàn, hiện đại.

Phong trào nuôi gia công phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.
Phong trào nuôi gia công phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.

Phát triển trang trại ứng dụng công nghệ hiện đại

Theo Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, huyện có điều kiện thuận lợi phát triển hình thức CN trang trại. Tính đến tháng 7, toàn huyện có 138 trang trại CN, chiếm 15% tổng số trại toàn tỉnh, với 14 trại lớn, 56 trại vừa và 68 trại nhỏ (chiếm gần 78% trại lớn, 32% trại vừa của tỉnh).

Theo đó, đa số trang trại và hình thức CN của huyện chủ yếu là CN gia công có liên kết với 7 công ty gia công (CP, Japfa, Vietlight, Greenfeed, Tuấn Phát, Vietsun và CJ), đồng thời có 2 chuỗi liên kết CN heo, gà với 68/119 trại gia công (chiếm 57,14% toàn tỉnh).

Đối với hình thức liên kết trong CN, công ty sẽ thực hiện đầu tư, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, tư vấn về công nghệ, mô hình CN, con giống, thức ăn, thuốc, vaccine.

Sản phẩm CN được công ty bao tiêu, từ đó người CN có được lợi nhuận khá và ổn định. Còn chủ cơ sở đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân công lao động đáp ứng đủ các điều kiện về chuồng trại, điện, nước, bảo vệ môi trường trong CN.

Trong 238 trang trại CN gà của toàn tỉnh, thì huyện Mang Thít có 63 trang trại (chiếm 25,5%), trong đó có 70% các trang trại ứng dụng công nghệ hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn ATDB trên vật nuôi. Riêng tại xã An Phước đã có hơn 50% trang trại thực hiện tốt công tác ATDB.

Áp dụng CN an toàn khép kín gần 10 năm, chú Trần Hữu Nghĩa (ấp Phú Bình, xã An Phước, huyện Mang Thít) cho biết: “Trước đây tôi CN gà theo dạng chăn thả nên hao hụt nhiều.

Từ năm 2013 đến nay tôi đã chuyển sang nuôi gia công theo hình thức khép kín. Năm 2013, tôi nuôi 30.000 con, năm 2020 tăng lên 60.000 con, đến năm 2024 tăng lên 90.000 con.

Nhờ CN theo công nghệ chuồng gà lạnh, cho ăn uống bằng hệ thống tự động, giảm tỷ lệ hao hụt, nhân công.

Hơn hết là môi trường được sát khuẩn và khép kín giúp cho gà không bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Mỗi năm tôi nuôi 3 đợt, sau khi trừ hết chi phí còn lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/đợt nuôi”.

Theo Chi cục CN thú y và Thủy sản (Sở Nông nghiệp-PTNT), hiện toàn huyện Mang Thít có 50/138 trại đã ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi từ mô hình CN truyền thống sang mô hình trại lạnh khép kín, chiếm 36,23% số trại CN của huyện.

Bên cạnh đó, huyện đã cấp 78 giấy chứng nhận (11 giấy đủ điều kiện CN trang trại quy mô lớn; 50 giấy an toàn thực phẩm (45 trại gà và 5 trại heo), và 17 giấy công nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm) chiếm 67,24% tổng số trại được cấp giấy chứng nhận trong toàn tỉnh.

Đa số các trang trại được cấp giấy chứng nhận chỉ thực hiện đối với các hình thức gia công.

Trong đó, hoạt động CN gà tại huyện vừa phát triển theo quy mô lớn vừa đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại.

Tăng cường tuyên truyền, nhân rộng mô hình

Người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp an toàn sinh học để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.
Người chăn nuôi cần thực hiện các giải pháp an toàn sinh học để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh.

Tuy nhiên, theo ngành thú ý, các trang trại tư nhân vẫn chủ yếu do người dân CN nhỏ lẻ nâng cao tổng đàn thành trang trại nên công tác quản lý và ứng dụng CN ở tất cả các khâu kiểm soát và phòng chống dịch bệnh còn hạn chế.

Cạnh đó, còn gặp khó khăn về xử lý môi trường trong CN. Chủ đầu tư, doanh nghiệp vẫn gặp khó khi thực hiện việc chuyển đổi đất đai trong xây dựng chuồng trại CN gia súc, gia cầm theo hướng lâu dài, bền vững, đây là rào cản rất lớn cho việc phát triển trang trại CN của tỉnh.

Ông Hồ Phước Dư- Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Mang Thít, cho biết: Để góp phần đẩy mạnh phát triển sản xuất an toàn, bền vững, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, ngành nông nghiệp huyện Mang Thít đã vận động người CN ứng dụng các biện pháp kỹ thuật công nghệ cao, an toàn sinh học vào quá trình sản xuất.

Nhờ đó, giảm bớt sức lực, thời gian cho người CN, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát hiệu quả. Thời gian tới, huyện tiếp tục khuyến khích phát triển CN công nghiệp và nuôi trang trại nhằm quản lý dịch bệnh có hiệu quả.

Ngoài 2 loại vật nuôi chính (gà, vịt), khuyến khích phát triển thêm các loại vật nuôi khác, có tiềm năng như chim bồ câu, ngỗng, vịt trời… Phấn đấu tổng đàn gia cầm tăng bình quân 4 %/năm.

Theo ông Lê Thanh Tùng- Chi cục trưởng Chi cục CN thú y và Thủy sản, khó khăn hiện tại của người CN ở huyện Mang Thít là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất và xác định đất CN hợp pháp, trong khi hồ sơ hướng dẫn thực hiện chuyển đổi theo quy định hiện nay vẫn chưa rõ ràng.

Kế đó là vấn đề về đảm bảo vệ sinh môi trường trong CN và vấn đề về giá cả không ổn định.

Người CN cũng cần quan tâm đến vấn đề dịch bệnh trong CN, đặc biệt là kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm, bởi vì các loại bệnh trên gà hiện nay có diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, gây chết nhiều và rất khó điều trị.

“Huyện Mang Thít cần phối hợp với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở CN làm tốt hơn nữa công tác ATDB, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh thú y, an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh vào quy trình CN.

Đặc biệt, việc tổ chức vệ sinh chuồng trại cần được thực hiện đều đặn, hạn chế tối đa người, phương tiện, vật nuôi bên ngoài ra vào trại, nếu có người ra vào thì phải thực hiện đúng theo quy định là thay đồ, phun thuốc sát trùng.

Từ đó, giúp giải quyết nguy cơ dịch bệnh trong CN, đảm bảo chất lượng sản phẩm, sức khỏe đàn vật nuôi”- ông Lê Thanh Tùng cho biết thêm.

Hiện nay toàn tỉnh có 116/920 trang trại được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện CN trang trại quy mô lớn, an toàn thực phẩm và ATDB. CN an toàn là giải pháp giúp nâng cao hiệu quả CN, đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, số trang trại được cấp chứng nhận CN an toàn trong tỉnh còn khá thấp. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, thì ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích các hộ CN, doanh nghiệp, HTX cần chú trọng đầu tư, nhân rộng mô hình CN theo hướng an toàn, để nghề CN phát triển ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: SONG THẢO

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh