Cú hích từ chuyển đổi số nông nghiệp

06:02, 11/02/2024

Được xem là xu thế tất yếu để phát triển, bức tranh chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh đang có những bước tiến mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều nông dân nhận ra rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ "sản xuất nông nghiệp" sang "kinh tế nông nghiệp", góp phần phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

(VLO) Được xem là xu thế tất yếu để phát triển, bức tranh chuyển đổi số trong nông nghiệp của tỉnh đang có những bước tiến mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều nông dân nhận ra rằng, chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ, cách làm mới mà còn thúc đẩy chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, góp phần phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

Chỉ bằng chiếc điện thoại di động, nông dân có thể dễ dàng truy cập thông tin nhanh chóng, chính xác, góp phần xây dựng hình ảnh người nông dân trong thời đại 4.0 có trí tuệ, thích ứng nhanh.
Chỉ bằng chiếc điện thoại di động, nông dân có thể dễ dàng truy cập thông tin nhanh chóng, chính xác, góp phần xây dựng hình ảnh người nông dân trong thời đại 4.0 có trí tuệ, thích ứng nhanh.

Làm nông không cần bước chân xuống ruộng

Trong chuyển đổi số, nhiều nông dân nhận ra mang lại rất nhiều lợi ích. Với công nghệ số hiện nay và với một chiếc smartphone, nông dân không chỉ làm nông, làm vườn khỏe hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn có thể kinh doanh nông sản dễ dàng hơn.

Chia sẻ về tiện ích này, ông Trương Hoàng Phương (xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít) cho hay: “Giờ làm vườn, làm ruộng khỏe re. Trước đây để phun thuốc cho 1,5ha trồng nhãn là trần thân.

Còn bây giờ tôi áp dụng tự động hóa hoạt động tưới tiêu, không cần ra vườn để bật tắt bơm nước hay phun thuốc mà chỉ cần ngồi ở nhà, hay ở quán cà phê, bật điện thoại lên rồi bấm nút là xong, khỏe lại tiện.

Không chỉ vậy, khi muốn bán, thì giao dịch với thương lái ngay tại vườn, thanh toán bằng cách chuyển khoản, quét mã QR… mà không phải đi ra ngân hàng giao dịch, vừa nhanh chóng, vừa dễ dàng”.

Nhiều nông dân cho rằng, để bắt kịp xu hướng thì nông dân hiện nay phải biết và ứng dụng được công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh; biết lựa chọn và ứng dụng quy trình công nghệ. Đồng thời, phải biết ghi chép, số hóa để truy xuất nguồn gốc; biết lên sàn thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Phước- Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tân Tiến (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) cho biết: Từ năm 2019, HTX đã sử dụng mạng nội bộ của HTX để họp trực tuyến và được phát huy mạnh mẽ trong giai đoạn dịch bệnh.

Đến năm 2022, HTX tham gia ứng dụng mạng nhà nông, không chỉ mở mang được nhiều kiến thức mà còn tiết kiệm nhiều chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Làm nông nhàn hơn với chuyển đổi số.
Làm nông nhàn hơn với chuyển đổi số.

Cụ thể, mạng nhà nông là môi trường số và tích hợp hệ thống công cụ giúp các HTX, nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp quản trị hiệu quả, nắm bắt kiến thức khoa học kịp thời. Đặc biệt, giúp nông dân chủ động trong mua- bán, lập kế hoạch sản xuất và theo dõi kế hoạch tài chính.

Bên cạnh đó, các thông tin thị trường sẽ được cập nhật mới nhất, nhanh nhất với các số liệu chính xác, có thể giải đáp các vấn đề trong sản xuất cho nông dân.

“Làm nông bây giờ nhàn hơn trước rất nhiều, nông dân bây giờ cũng tiến bộ hơn trước, biết nắm bắt công nghệ. HTX cũng được trang bị máy phun thuốc, máy phun phân, máy phun giống, không cần bước chân xuống ruộng cũng có thể quản lý đồng ruộng.

Làm ruộng ở tuổi 70 như tui đây không cần ra ruộng thăm đồng nhiều, không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước, mà chỉ cần ở nhà, “quẹt quẹt” cũng nắm được thời vụ đến đâu, cập nhật tình hình sâu bệnh hay thị trường lúa gạo chỉ bằng chiếc điện thoại di động”- ông Phước vui vẻ nói.

Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại bền vững

Ông Phan Thanh Long- Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (Sở Nông nghiệp- PTNT) cho biết, chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển theo hướng hiện đại hóa, nâng cao giá trị và tính bền vững.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất, ngoài việc giúp mang lại hiệu quả cao còn giúp sản xuất nông sản theo hướng an toàn. Việc này đang được các ngành, địa phương và người dân đẩy mạnh nhằm tạo ra sự đột phá về chất lượng, năng suất, đồng thời tăng lợi thế cạnh tranh.

Tác động của chuyển đổi số đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Tác động của chuyển đổi số đã hình thành nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Thời gian qua, để nông dân thay đổi tư duy và thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành nông nghiệp đã tăng cường truyền thông nhằm thúc đẩy nông dân chủ động tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử; xây dựng hệ thống phần mềm quản lý vùng trồng, cơ sở đóng gói, quản lý vùng nuôi và trang trại chăn nuôi.

Bên cạnh đó, đưa các sản phẩm nông nghiệp của địa phương lên các nền tảng số; triển khai thí điểm và hỗ trợ HTX, nông dân ứng dụng chuyển đổi số về truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng dễ dàng tra cứu thông tin sản phẩm, quy trình sản xuất… Từ đó, góp phần quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp-PTNT, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Trong đó, nông dân không chỉ đóng vai trò chủ lực mà còn là nhóm cần được quan tâm nhất. Bởi khi nông dân sử dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất sẽ tăng hiệu quả năng suất, chất lượng sản phẩm tốt hơn, từ đó đưa nền nông nghiệp Việt Nam dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.

Để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp, ông Văn Hữu Huệ- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT cho biết: Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và nhân rộng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; trong đó trọng tâm là đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, theo hướng nông nghiệp sạch, chất lượng, đồng thời tăng cường tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho nông dân.

Có thể nói, chuyển đổi số là “chìa khóa” cho phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi nhận thức của nông dân, HTX, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để quá trình này đạt hiệu quả cao hơn nữa, cần xây dựng chiến lược, kế hoạch cụ thể về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ nông nghiệp.

Doanh nghiệp cần phát triển các giải pháp công nghệ phù hợp với nhu cầu của nông dân. Song song đó, nông dân cần chủ động học hỏi và áp dụng các công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Từ đó, góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng: Chuyển đổi số là tư duy chứ không phải số hóa dữ liệu, mục tiêu cuối cùng là khai thác các con số, dữ liệu đó như thế nào để phục vụ tốt công tác quản lý. Cần coi chuyển đổi số là nhiệm vụ, đam mê. Không có sức mạnh nào bằng sức mạnh của chuyển đổi số. Chuyển đổi số bắt đầu từ người nông dân. Khi tích hợp nhiều người nông dân ra một ngành hàng, tích hợp ngành hàng sẽ phục vụ cho công tác lãnh đạo điều hành của ngành nông nghiệp xã, huyện, tỉnh, tích hợp cho cả ngành hàng dưới sự điều hành của Bộ Nông nghiệp-PTNT.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh