Khuyến khích nuôi dê tại những địa bàn khó khăn

05:10, 18/10/2019

Tỉnh Tiền Giang đang khuyến khích hộ dân phát triển nuôi dê tại những địa bàn khó khăn như: vùng duyên hải Gò Công, vùng ngập lũ, vùng Đồng Tháp Mười và các cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền...

Tỉnh Tiền Giang đang khuyến khích hộ dân phát triển nuôi dê tại những địa bàn khó khăn như: vùng duyên hải Gò Công, vùng ngập lũ, vùng Đồng Tháp Mười và các cù lao nhiễm mặn hạ lưu sông Tiền...

Ước tính, đàn dê của tỉnh hiện có khoảng 136.000 con, tăng gấp hai lần so với năm 2015. Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã có nhiều biện pháp hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, giúp người nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo bà Nguyễn Phan Hồng Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tiền Giang, nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật được triển khai để nâng chất lượng đàn dê và hiệu quả kinh tế. Cụ thể, đề tài “Thử nghiệm mô hình cải tạo giống dê địa phương” thực hiện từ năm 2015, đã định hướng công thức lai tạo giống và xây dựng các loại khẩu phần ăn phù hợp với dê lai, làm tiền đề phát triển chăn nuôi dê lai tại các địa phương.

Qua đề tài nhập nuôi thành công 5 giống dê cao sản, tuyển chọn 630 dê nái nền Bách Thảo và gần 1.300 dê con lai… Ngoài ra, 24 mô hình chăn nuôi dê sử dụng dê đực Boer phối giống với dê cái nền Bách Thảo để tạo đàn dê lai F1 có ưu điểm vượt trội được xây dựng. Ưu điểm của giống dê này là thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi địa phương, tầm vóc lớn và trọng lượng, khả năng đề kháng cao hơn giống dê địa phương.

Đề tài “Gieo tinh nhân tạo trên dê” mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Tập quán của người chăn nuôi dê từng bước được thay đổi. Phương pháp phối giống trực tiếp được chuyển dần sang phương thức gieo tinh nhân tạo nhằm tiết giảm chi phí nuôi dê đực giống, nhân đàn nhanh, chất lượng giống tốt, góp phẩn nâng chất lượng sản phẩm thịt dê…

Gần đây, Tiền Giang xây dựng nhiều mô hình trình diễn chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa có kiểm soát, chăn nuôi dê ứng dụng đệm lót sinh học để xử lý chất thải, khắc phục ô nhiễm môi trường; chăn nuôi dê an toàn sinh học, thích ứng biến đổi khí hậu.

Mô hình nuôi dê lấy sữa theo quy mô trang trại của ông Nguyễn Hoàng Trí, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành là một ví dụ. Quy mô tổng đàn 200 con; trong đó, gần 100 con dê đang cho sữa, mỗi năm, gia đình ông lãi ròng trên 200 triệu đồng. Ông cũng thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê sữa Tam Hiệp với 14 thành viên. Đây là hướng đi mới được khuyến khích nhằm nâng sức cạnh tranh của sản phẩm từ dê và mở rộng chăn nuôi dê trong cộng đồng.

Tiền Giang tập trung tuyên truyền, khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhân rộng những mô hình chăn nuôi tiên tiến. Địa phương tổ chức liên kết sản xuất theo hướng hình thành chuỗi giá trị lấy tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi kiểu mới làm trọng tâm, tạo hiệu quả của mối liên kết “4 nhà”: "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp". Cách làm này giúp nông dân gắn bó lâu dài với nghề nuôi dê, phù hợp chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Minh Trí (TTXVN)

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh