Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Đặng Văn Chính và lãnh đạo các sở, ngành tỉnh vừa có buổi tiếp làm việc với đoàn công tác của Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ- Việt Nam (SVEF) đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư tại Vĩnh Long.
![]() |
Vĩnh Long có lợi thế, tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo. Ảnh: KHÁNH DUY |
Nằm ở vị trí trung tâm chiến lược của vùng ĐBSCL, sau khi hợp nhất, tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 6.200km² và dân số hơn 4,1 triệu người. Với mạng lưới sông ngòi dày đặc và hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi, tỉnh đóng vai trò là đầu mối kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ven biển ĐBSCL. Điều này mang lại lợi thế quan trọng trong liên kết vùng và phát triển kinh tế- xã hội khu vực phía Nam.
Về kinh tế, Vĩnh Long đạt mức tăng trưởng bình quân 5,35 %/năm, với quy mô GRDP năm 2024 ước đạt trên 254 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 9,7 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 75,1 triệu đồng/người/năm (tương đương 2.873 USD/người/năm). Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 6,84 %/năm.
Trong năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 3,2 tỷ USD, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt trên 2 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 dự kiến đạt hơn 661 ngàn tỷ đồng (tương đương trên 25,2 tỷ USD).
Tại buổi làm việc, Tổng Thư ký SVEF Rachel Isenschmid mong muốn được tìm hiểu đầu tư dự án trên nhiều lĩnh vực, trong đó ưu tiên năng lượng mặt trời, năng lượng điện gió, lĩnh vực y tế và giáo dục…
Ông Trần Quốc Tuấn- Giám đốc Sở Công Thương cho biết, sau khi hợp nhất, tỉnh Vĩnh Long có 130km bờ biển. Hiện tỉnh đang vận hành thương mại các nhà máy sản xuất điện trên 5.400MW (trong đó, có khoảng 4.500MW từ nhiệt điện).
Tỉnh có 13 nhà máy điện gió tổng công suất trên 570MW. Còn có 2 nhà máy điện mặt trời với khoảng 189MW; điện mặt trời áp mái với hơn 150MW. Cùng với đó, theo Quy hoạch Điện VIII, đến năm 2030, tỉnh tiếp tục sản xuất thêm điện năng lượng tái tạo, điện gió với trên 4.180MW…
Theo đó, Vĩnh Long đang có lợi thế, tiềm năng về năng lượng tái tạo và đây cũng là lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư, Giám đốc Sở Công Thương khẳng định: “Thời gian tới, chúng tôi cam kết phối hợp với các sở ngành để tiếp tục tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến Vĩnh Long”.
Trên lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, tỉnh hiện có khoảng 120 ngàn hecta dừa, chiếm hơn 50% diện tích dừa cả nước, với trên 40 ngàn hecta dừa đạt tiêu chuẩn sản xuất dừa hữu cơ.
Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2026 đạt trên 50% diện tích dừa được chứng nhận sản xuất hữu cơ. Đồng thời, mong muốn mở rộng kết nối, hợp tác để bán được tín chỉ cacbon. Đây là động lực rất lớn để nông dân trồng dừa chuyển đổi sản xuất. Ông Lê Văn Dũng cũng cho biết thêm, tỉnh có khoảng 14,2 ngàn hecta rừng ngập mặn ven biển.
![]() |
Vĩnh Long có 102 ngàn hecta cây ăn trái, sản lượng 3,8 triệu tấn/năm. Ảnh: TUYẾT HIỀN |
“Mong muốn có được bộ tiêu chí, hướng dẫn, kết nối được tín chỉ cacbon cho diện tích rừng dừa ngập mặn này thì tạo điều kiện cho việc chăm sóc, giữ rừng… nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường”- ông Lê Văn Dũng nói.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cũng cho biết thêm, hiện tỉnh có 1.081 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, 5 sao. Mong muốn kết nối quảng bá thương mại, tiêu thụ sản phẩm các sản phẩm OCOP này.
Cùng với đó, toàn tỉnh có 102 ngàn hecta cây ăn trái với sản lượng trái cây là 3,8 triệu tấn/năm. Tập trung vào một số cây chủ lực như cam, bưởi, sầu riêng, nhãn, xoài, mít, chôm chôm… Theo đó, cần có doanh nghiệp, nhà máy chế biến nông sản, đặc biệt là chế biến trái cây. Đồng thời, cần thu hút đầu tư lĩnh vực nông nghiệp thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bà Từ Thị Hồng Hạnh- Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, toàn tỉnh hiện có 938 dự án. Trong đó, có 188 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng mức vốn đầu tư đăng ký khoảng 5,74 tỷ USD, đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kinh tế tỉnh chuyển dịch đúng hướng và tăng trưởng ổn định. Tỉnh đang đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực, hướng đến mô hình tăng trưởng xanh và bền vững. Đặc biệt, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút đầu tư có trọng tâm, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công…
Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường Thụy Sĩ đạt 1,62 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gốm sứ chiếm 72,5%, dệt may 21,09%, thủy hải sản 34,61%, da giày 19,74%, các sản phẩm từ dừa 18,67%. 6 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sang thị trường Thụy Sĩ đạt 876,24 ngàn USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gốm sứ, giày da, dệt may, thủy hải sản và các sản phẩm từ dừa. Hiện tỉnh có 11 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ. Những năm gần đây, nhiều đoàn doanh nghiệp, đoàn công tác của Thụy Sĩ đến Vĩnh Long khảo sát thực tế, tìm hiểu cơ hội đầu tư; tỉnh Vĩnh Long cũng tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại Thụy Sĩ… Qua đó, nhằm mở ra những cơ hội hợp tác giữa tỉnh Vĩnh Long và các đối tác Thụy Sĩ trong thời gian tới. |
TUYẾT HIỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin