Dù giá nhiều mặt hàng thực phẩm như rau củ, trái cây, thịt heo đã giảm so với thời gian trước, nhưng sức mua tại các chợ vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Nghịch lý “giá giảm- thiếu người mua” khiến không ít tiểu thương rơi vào cảnh bán buôn cầm chừng, loay hoay tìm đầu ra giữa thị trường trầm lắng.
![]() |
Hàng hóa dồi dào, giá cả ổn định nhưng sức mua giảm. |
Giá nhiều thực phẩm giảm
Theo khảo sát tại chợ, giá bán lẻ nhiều loại trái cây đã “mềm” hơn so với cùng kỳ năm trước. Mận cherry hiện được bán với giá 45.000 đ/kg, bưởi da xanh dao động 40.000-50.000 đ/kg, măng cụt Thái 50.000-60.000 đ/kg, chôm chôm Tiến Cường 55.000-60.000 đ/kg; xoài cát Hòa Lộc 70.000 đ/kg, táo 60.000-80.000 đ/kg;
sầu riêng ri 6 90.000 đ/kg, sầu riêng Thái 100.000 đ/kg…
Theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc- tiểu thương bán trái cây tại chợ Vĩnh Long (phường Long Châu), dù giá giảm nhiều so với năm ngoái nhưng sức mua vẫn rất chậm. “Từ đầu năm đến nay, lượng khách mua giảm rõ rệt, sức mua chỉ bằng khoảng 30% so với trước. Dù đang vào mùa nhiều loại trái cây, giá cũng đã hạ, nhưng người mua vẫn e dè. Tôi phải nhập hàng ít lại, bán cầm chừng”- cô Cúc chia sẻ.
Tương tự, tại quầy thịt heo của chị Nguyễn Thanh Thúy (phường Tân Hạnh), tình hình cũng không khả quan hơn. Chị Thúy cho biết: “Giá thịt heo giảm nhẹ 5.000-10.000 đ/kg so với tháng trước. Cụ thể, xương mông còn 100.000 đ/kg, thịt đùi 120.000 đ/kg, nạc, xương cổ 130.000 đ/kg, ba rọi 140.000 đ/kg, sườn bẹ 190.000 đ/kg... nhưng sức mua giảm hơn 50%”.
Cũng theo chị Thúy, lúc giá thịt heo neo cao thì khách hàng chỉ mua vừa phải, giờ giá giảm nhưng người mua vẫn đắn đo. Hơn nữa, việc phát sinh các điểm bán bên ngoài chợ, vỉa hè với giá thịt rẻ hơn vì không bị ràng buộc các khoản phí cũng khiến việc mua bán tại chợ càng khó hơn.
Không chỉ trái cây và thịt heo, mặt hàng rau củ quả giá ổn định cũng tiêu thụ chậm. Theo một số tiểu thương, giá rau củ quả ổn định, như: bí đao 15.000 đ/kg; dưa leo 15.000 đ/kg; bầu 15.000 đ/kg; khổ qua 20.000 đ/kg; xà lách xoong 25.000 đ/kg; rau ăn lá 30.000 đ/kg…
Cô Nguyễn Thị Tồn- tiểu thương bán rau tại chợ Vĩnh Long cho biết: “Nguồn rau gần đây khá nhiều, giá cả ổn định, thậm chí có một số loại rẻ hơn các tháng trước như các loại rau. Nhưng bán rất chậm, người đi chợ ít, tôi muốn nhập hàng về cũng phải cân nhắc từng chút”.
Cần giải pháp kích cầu
Dù lượng hàng hóa tại chợ khá phong phú, từ nông sản địa phương đến trái cây nhập về từ các tỉnh khác và cả trái cây ngoại nhập, nhưng điều khiến nhiều tiểu thương trăn trở là tình trạng hàng tồn do bán chậm.
Chị Kim Oanh- bán trái cây trên đường Trần Phú (phường Phước Hậu) chia sẻ: “Gần đây tôi nhập trái cây ít hơn trước khoảng 30-40%, chỉ chọn hàng lâu hư. Cái khó là không đủ mặt hàng cho khách lựa chọn. Mà nếu lấy đủ loại, bán chậm là hư, phải bỏ. Lỗ trước mắt lẫn cả mối lâu dài. Buôn bán ai cũng muốn nhập hàng đa dạng, nhưng phải tính toán từng chút mới được”.
Tình trạng sức mua yếu cũng đặt ra bài toán khó cho nguồn cung tại chợ. Nếu hàng không tiêu thụ được, nông dân sẽ gặp khó trong việc duy trì sản xuất, còn tiểu thương thì “giữ hàng cũng lỗ, nhập nhiều càng lỗ”. Dù giá thực phẩm giảm nhưng sức mua chưa phục hồi cho thấy người tiêu dùng vẫn còn tâm lý thắt chặt chi tiêu.
Chị Thu Thủy (phường Long Châu)- từng là nhân viên ngân hàng vừa chuyển sang công việc mới với mức thu nhập thấp hơn, chia sẻ: “Gia đình tôi giờ chỉ còn một nửa thu nhập so với trước, bây giờ chỉ mua những gì thật sự thiết yếu, ưu tiên tiền học cho con và sinh hoạt cố định. Nhiều khoản chi khác phải cắt bỏ”.
Sức mua tại chợ yếu, bên cạnh nguyên nhân từ tâm lý thắt chặt chi tiêu, còn bởi sự thay đổi trong thói quen mua sắm của người dân. Nhiều người ưu tiên yếu tố tiện lợi, thích mua hàng tại những điểm bán gần nhà, từ hàng rong, sạp vỉa hè đến các cửa hàng nhỏ lẻ, vừa nhanh vừa gọn. Đây cũng là lý do khiến các điểm bán tự phát có “đất sống” và khó giải quyết triệt để.
Ông Văn Quốc Hoàng- Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Long cho biết: “Trong bối cảnh người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua tại siêu thị cũng có giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để đồng hành cùng khách hàng, siêu thị đẩy mạnh nhiều chương trình ưu đãi, khuyến mãi với hàng ngàn mặt hàng thiết yếu”.
Cụ thể, đến ngày 30/7, Co.opmart Vĩnh Long triển khai chương trình “Mua nhiều ưu đãi lớn” áp dụng cho nhóm sản phẩm thực phẩm, thức uống, hàng đông lạnh… giảm giá đặc biệt khi mua số lượng từ 2, 4, 6 sản phẩm cùng loại.
![]() |
Cần nhiều giải pháp kích cầu tiêu dùng trong thời gian tới. |
Thiết nghĩ, để cải thiện sức mua của người tiêu dùng, cần có những giải pháp đồng bộ hơn ngoài các chương trình khuyến mãi ngắn hạn.
Các chính sách bình ổn giá; kết nối cung- cầu; hỗ trợ chi phí vận chuyển, mặt bằng, thay đổi phương thức kinh doanh cho tiểu thương… sẽ góp phần giữ nhịp hoạt động cho các chợ cũng như nhiều kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác. Bởi lẽ, dù thay đổi thói quen mua sắm ra sao, mục tiêu cuối cùng vẫn là đảm bảo người tiêu dùng được tiếp cận hàng hóa đa dạng, chất lượng, giá cả hợp lý, thị trường nội địa được phát triển một cách ổn định, bền vững.
Ông Nguyễn Hải Trân- Ban Quản lý chợ Long Hồ (xã Long Hồ): Thời gian tới sẽ tăng cường sắp xếp, bố trí lại các khu vực kinh doanh, bảo đảm hàng hóa bày bán ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ. Đồng thời, ban quản lý cũng sẽ tăng cường vận động người buôn bán bên ngoài chợ, vỉa hè vào kinh doanh bên trong chợ, góp phần đảm bảo trật tự và ATGT. Bên cạnh đó, tiểu thương cũng được nhắc nhở giữ thái độ buôn bán thân thiện, nhiệt tình phục vụ để tạo ấn tượng tốt, giữ chân khách hàng quay trở lại chợ. |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin