Công tác khuyến nông thời gian qua được chú trọng, triển khai khá hiệu quả, đồng bộ, nhất là trong xây dựng các mô hình, chuyển giao tiến bộ khoa học- kỹ thuật sản xuất. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, cập nhật kiến thức cho nông dân.
![]() |
Mô hình trồng lan cắt cành đem lại thu nhập khá cho người dân, phù hợp điều kiện ở đô thị. |
“Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”
Những năm qua, công tác khuyến nông giúp cho các địa phương xây dựng và thực hiện có hiệu quả các dự án, đề án phát triển sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng; tổ chức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hàng hóa…
Hoạt động khuyến nông góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM; tăng cường khả năng chống chịu thiên tai, bảo vệ môi trường.
Thực hiện phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, nhiều mô hình trình diễn và nhân rộng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. Cụ thể, mô hình trồng màu (bắp, dưa hấu, ớt…) sử dụng phân hữu cơ vi sinh, tưới tiết kiệm và liên kết thị trường tiêu thụ; trồng táo trong nhà lưới theo hướng hữu cơ thích ứng biến đổi khí hậu và kết hợp du lịch; sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Mô hình nuôi heo sinh sản; duy trì và phát triển giống gà ta nuôi thả vườn theo hướng an toàn sinh học; nuôi lươn thương phẩm theo quy trình lọc tuần hoàn…
Cùng với đó, lực lượng khuyến nông tăng cường công tác tập huấn, thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ ở một số lĩnh vực sản xuất. Khuyến nông đô thị với nhiều chương trình, dự án, mô hình đạt hiệu quả, tạo được hướng chuyển biến tích cực, thay đổi tập quán của người dân từ hình thức sản xuất theo phương pháp truyền thống chuyển sang theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mang tính bền vững cao.
Thực hiện mô hình trồng nấm bào ngư an toàn gắn với tiêu thụ, anh Nguyễn Thanh Phong (phường Long Châu) cho biết: “Nhờ được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật nên tôi trồng rất hiệu quả. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về chất lượng của người tiêu dùng. Sản phẩm nấm làm ra thực sự an toàn vì điều kiện nước tưới, nhà trồng nấm sạch sẽ, khép kín và không sử dụng phân, thuốc BVTV trong suốt quá trình sản xuất”.
Trong khi đó, triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, thời gian qua, lực lượng khuyến nông cộng đồng đã tham gia, phối hợp hướng dẫn người dân áp dụng các kỹ thuật như sạ cụm/sạ hàng, sạ bằng thiết bị bay không người lái (drone), tưới ngập khô xen kẽ (AWD), sử dụng phân hữu cơ, sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ hoặc quy trình giảm phát thải,...
Tham gia đề án này, chú Nguyễn Văn Trung (xã Phước Hảo) cho biết: “Nhờ được tập huấn, tôi đã thay đổi kỹ thuật sản xuất như: giảm lượng giống gieo sạ, tưới ướt khô xen kẽ, sử dụng phân bón cân đối, quản lý rơm rạ và ứng dụng công nghệ số vào sản xuất. Từ đó, giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng hạt gạo, cải thiện thu nhập, bảo vệ môi trường”.
Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững
![]() |
Lực lượng khuyến nông triển khai nhiều mô hình trình diễn và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân. |
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, các mô hình trình diễn ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ góp phần giảm chi phí phân bón, thuốc BVTV, công lao động nhằm giảm giá thành sản phẩm từ 10-15%, năng suất tăng từ 10-20%, lợi nhuận tăng từ 15-20% so với thực tế sản xuất của nông dân tại địa phương.
Mô hình ứng dụng công nghệ như: Sử dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước, thiết bị máy cơ giới hóa, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học vào sản xuất để giảm công lao động, thích ứng biến đổi khí hậu giúp người nông dân giảm rủi ro, giải quyết được tình trạng thiếu lao động cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất bền vững, đảm bảo lợi nhuận, thu nhập ổn định. Nông dân cũng mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất, mở rộng quy mô, ứng dụng công nghệ cao, sản suất theo hướng hữu cơ, góp phần tích cực làm cho số hộ nông dân khá, giàu tăng lên, giảm số hộ nghèo.
Theo ông Nguyễn Chí Cường- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, các dự án khuyến nông có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, là điều kiện hỗ trợ người dân trong kinh tế nông nghiệp, giúp người dân phần nào nâng cao được kỹ thuật sản xuất, thu nhập và kiến thức về sản xuất nông sản sạch an toàn sức khỏe cho người sản xuất lẫn người tiêu thụ.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông, xây dựng kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, tập trung vào các sản phẩm chủ lực; áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào bảo quản sau thu hoạch nhằm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Tăng cường các hoạt động khuyến nông hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm, mã số vùng trồng, vùng nuôi cho các sản phẩm chủ lực; khuyến khích duy trì, mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn.
Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin