Phát huy tối đa nguồn lực cho mục tiêu  tăng trưởng kinh tế

05:45, 28/05/2025

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế. Đồng thời cũng ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. 

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Tiến Dũng tham quan các gian hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Hội chợ Xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Vĩnh Long năm 2025. 
Bí thư Tỉnh ủy- Trần Tiến Dũng tham quan các gian hàng sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Hội chợ Xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền tỉnh Vĩnh Long năm 2025. 

 

Chủ động thích ứng kịp thời, hiệu quả

UBND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả” để đạt mục tiêu đã đề ra. Khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể của ngành, địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Song song đó, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025. Đặc biệt là ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 8,0-8,5% và phấn đấu đạt 2 con số trong những năm tiếp theo.

Theo kế hoạch, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn khoảng 10% so với năm 2024; tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo; tiếp tục tập trung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh.

UBND tỉnh cũng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt và thu hút mọi nguồn lực xã hội; thúc đẩy đầu tư tư nhân, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh phòng, chống lãng phí góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời yêu cầu các cấp, các ngành xác định và tập trung thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu lớn như triển khai hiệu quả các định hướng của quy hoạch tỉnh, các đề án lớn, các kế hoạch thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025…; tập trung các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế- xã hội; chủ động phân cấp, phân quyền và giải quyết nhanh, hiệu quả những khó khăn phát sinh trong thực tiễn, không để chậm trễ, kéo dài như năm 2024.

Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời cũng yêu cầu năm 2025 cần tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,… Đồng thời thực hiện các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI). Hỗ trợ phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp (DN) tư nhân, tạo động lực cho nền kinh tế, chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, tiếp cận, mời gọi các DN, tập đoàn lớn, các dự án phù hợp với quy hoạch và điều kiện phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh…

Tận dụng dư địa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Nhiều DN đánh giá cao sự quan tâm, đồng hành của các cấp chính quyền đối với sự phát triển của DN. Trong đó khẳng định nhờ đó mà các DN đã có nhiều hoạt động hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh- Nguyễn Tường Nam, cơ sở hạ tầng của tỉnh chưa đồng bộ, hệ thống hạ tầng giao thông, logistics, và các dịch vụ hỗ trợ chưa đáp ứng đủ yêu cầu của sự phát triển kinh tế. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư cũng như phát triển thương mại.

“Mặc dù có những chính sách ưu đãi, chúng ta vẫn gặp khó trong việc thu hút nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, DN FDI. Bên cạnh đó, hàm lượng khoa học- công nghệ trong sản xuất kinh doanh và nền kinh tế chưa cao, DN trong tỉnh còn rất nhiều hạn chế về nhân sự lãnh đạo, nguồn lực tài chính và lao động kỹ năng chuyên môn đáp ứng đủ các yêu cầu nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”- ông Nguyễn Tường Nam chia sẻ.

Ông Nam cũng cho rằng, qua theo dõi và đánh giá chuyển động của các DN trước những biến đổi, cơ hội phát triển, sự điều hành phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, DN Vĩnh Long đã có những thay đổi thích ứng.

Các DN cũng mong muốn có sự kiến tạo từ phía các cấp, các ngành, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tiết kiệm chi phí, thời gian, không ảnh hưởng cơ hội kinh doanh cho DN. Cộng động DN cũng kỳ vọng tỉnh cần tạo ra những điểm nhấn về cải thiện PCI từ sự điều hành như mô hình đối thoại tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư, hỗ trợ DN mới thành lập...

“Cần triển khai nhanh chóng các quy hoạch của tỉnh và các địa phương. Vừa qua tỉnh cũng đã công bố quy hoạch với một trục động lực theo cao tốc và 2 hành lang kinh tế dọc theo sông Tiền, sông Hậu. DN mong muốn tỉnh sẽ triển khai nhanh các quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, có chiến lược đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại để tạo cơ hội và dư địa phát triển kinh tế. Trên cơ sở quy hoạch, cần triển khai mạnh mẽ các chính sách thu hút đầu tư các ngành ưu tiên, các vùng có lợi thế tiềm năng, cần có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, cần có sự kết nối mạnh mẽ giữa Vĩnh Long với các tỉnh khu vực ĐBSCL, nhất là các trung tâm kinh tế lớn”- ông Nam nhấn mạnh.

Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sự đồng hành của tỉnh sẽ góp phần giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển.
Cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sự đồng hành của tỉnh sẽ góp phần giúp hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và phát triển.

Còn TS Ngô Minh Vũ- Khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho biết, thời gian tới, đối với phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Long cần tập trung đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến sâu nông sản, để tăng giá trị gia tăng sản phẩm và tạo cơ hội việc làm trong ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Đồng thời, cần thúc đẩy các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho DN, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là trong các ngành chủ lực như nông sản và thủy sản, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sản phẩm của tỉnh thâm nhập vào các thị trường quốc tế, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN. 

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân- Khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) cho biết, việc sáp nhập 3 tỉnh (Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre) trong thời gian tới sẽ mang đến cơ hội tận dụng các nguồn lực đa dạng, giúp Vĩnh Long có thêm lợi thế trong việc phát triển mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics, cũng như thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược. Tỉnh cần tập trung cải thiện giao thông kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển mô hình kinh tế bền vững… 

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân- Khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh) dự báo: Với việc sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre, Vĩnh Long mới sẽ có nền tảng phát triển vững mạnh trong giai đoạn 2026-2030. Để Vĩnh Long đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong giai đoạn mới, cần ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và hạ tầng giao thông, đặc biệt là công nghệ cao và chuyển đổi số. Sự phát triển đồng bộ của hạ tầng công nghiệp và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế toàn diện. Chính quyền, DN và cộng đồng cần hợp tác chặt chẽ để xây dựng một tương lai bền vững.

 Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh