Giá tiêu dùng tăng nhẹ, giá điện điều chỉnh từ giữa tháng 5 tạo áp lực chi tiêu cho người dân. Thị trường tiêu dùng vì thế cũng kém sôi động, tiểu thương ở các chợ lo lắng vì lượng khách thưa vắng, sức mua giảm sút kéo dài.
![]() |
Giá nhiều thực phẩm tại chợ có xu hướng tăng, trong khi sức mua chưa cải thiện. |
Nhiều mặt hàng tăng giá, sức mua giảm
Những ngày đầu tuần, nhiều chợ trở nên vắng vẻ hơn thường lệ do người dân có xu hướng tranh thủ mua sắm vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ, rồi chế biến dùng dần cho cả tuần. Thói quen này buộc tiểu thương phải điều chỉnh lượng hàng nhập cho phù hợp, nhất là các mặt hàng tươi sống, trái cây cao cấp. Không ít sạp hàng chọn nghỉ bán vài ngày sau rằm, mùng 1- khi sức mua chững lại thấy rõ.
Cô Đặng Thị Phượng- tiểu thương bán rau tại chợ TP Vĩnh Long (điểm 1, Phường 8), chia sẻ: “Sức mua giảm hơn phân nửa so với đầu năm. Rau ăn lá gặp mưa đầu mùa dễ giập, dễ hư nên giá thu mua ở vườn tăng mạnh. Cải ngọt, cải xanh, rau muống hiện dao động từ 20.000-25.000 đ/kg, tăng gần gấp đôi so với tháng trước. Bán chậm nên mỗi ngày tôi chỉ lấy mỗi loại 1kg để bán cầm chừng”.
Tương tự, giá thịt heo hiện vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, đùi heo khoảng 120.000 đ/kg, xương giò 120.000-140.000 đ/kg, thịt ba rọi dao động từ 140.000-150.000 đ/kg, riêng sườn non có nơi lên đến 200.000 đ/kg. Theo chị Nguyễn Cẩm Thúy- tiểu thương bán thịt heo: “Từ sau Tết đến nay, các loại thịt đã tăng khoảng 15.000-20.000 đ/kg, tuy đây là mặt hàng gần như không thể thiếu trong bữa ăn của nhiều gia đình, nhưng sức mua đã giảm hơn 30%”.
Tại không ít sạp trái cây, nhiều người bán cho biết họ chấp nhận giảm lời, khuyến mãi thêm trái cây cho khách “ăn thử thấy ngon, mua ủng hộ giùm”. Trong khi một số loại như xoài, thanh long, quýt… có giá khá thấp nhưng sức mua vẫn không cải thiện. Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc loại 1 hiện còn 35.000-40.000 đ/kg, trong khi mùa trước giá từ 50.000-60.000 đ/kg; quýt đường 35.000-40.000 đ/kg; thanh long 30.000 đg/kg; mãng cầu 60.000 đ/kg; chôm chôm 55.000-60.000 đ/kg. Một số loại trái cây nhập khẩu cũng đã giảm giá nhẹ như táo 45.000-55.000 đ/kg; nho Mỹ 150.000 đ/kg…
Chị Ngọc Hoài Nhi- tiểu thương bán trái cây tại chợ Vĩnh Long, cho biết: “Mùa này trái cây đa dạng, giá nhiều loại giảm gần một nửa so với năm ngoái, vậy mà sức mua lại giảm gần 50% so với trước. Người tiêu dùng không chỉ chi tiêu thận trọng hơn, còn có nhiều kênh mua sắm khác như cửa hàng lớn, siêu thị hay đặt online, nên tiểu thương tại chợ cũng khó giữ khách”.
Không chỉ chịu áp lực từ giá cả, tiểu thương còn gặp khó khi phải cạnh tranh với các điểm bán tự phát mọc lên quanh chợ. Thói quen mua sắm nhanh- tiện- rẻ khiến người dân ưa chuộng hàng hóa ngoài lề đường dù tiềm ẩn rủi ro về nguồn gốc và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tiểu thương trong chợ phải đóng phí đầy đủ, tuân thủ quy định bảo quản, vệ sinh… nhưng lại rơi vào cảnh ế ẩm, cạnh tranh không lành mạnh kéo dài.
Theo bà Phạm Thị Thúy- Ban quản lý Chợ TP Vĩnh Long, tình trạng này đã kéo dài ngày càng khó kiểm soát. “Chúng tôi từng vận động được khoảng 20 người bán hàng rong ở vỉa hè vào trong chợ, nhưng sau một thời gian, chợ tự phát lại mọc lên. Người bán chủ yếu từ nơi khác đến, di chuyển linh hoạt, rất khó giải quyết dứt điểm. Thời gian tới, ban quản lý chợ sẽ tích cực phối hợp với lực lượng chức năng địa phương để ổn định trật tự mua bán”- bà Thúy cho biết.
Người đi chợ dè chừng
Từ 10/5, giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng 4,8%, lên mức 2.204,07 đ/kWh. Tính ra, mỗi hộ gia đình có thể phải trả thêm từ 4.550-65.000 đ/tháng tùy mức tiêu thụ. Kèm theo giá thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu đã nhích lên khiến người dân ngày càng “thắt chặt chi tiêu”.
![]() |
Chị Nguyễn Thị Lan (Phường 1, TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Tôi dự đoán tiền điện tháng này của gia đình sẽ tăng cả trăm ngàn đồng so với tháng trước, vì trời nóng mà các con đang vào mùa ôn thi nên phải bật máy lạnh, đèn học nhiều hơn. Cạnh đó, rau, thịt ngoài chợ cũng lên giá, đi chợ càng phải cân nhắc”.
Anh Thế Hùng (nhân viên văn phòng ngụ Phường 3, TP Vĩnh Long) cho biết: “Cơm bụi chưa tăng giá, nhưng nhìn lượng thịt bị cắt giảm trong mỗi phần ăn là biết. Chủ trọ cũng thông báo điều chỉnh tiền điện. Thu nhập không đổi, tôi đành cắt bớt chi tiêu lặt vặt, muốn mua gì cũng phải tính toán kỹ hơn”.
Cạnh đó, các hộ kinh doanh ăn uống cũng bị ảnh hưởng. Chị Trúc- kinh doanh bánh mì (Phường 4, TP Vĩnh Long) cho hay: “Tủ lạnh, lò vi sóng, bếp gas, quạt điện... đều phải chạy suốt trong lúc bán hàng. Giá ổ bánh mì thường là 15.000đ, tôi chưa dám tăng vì sợ mất khách. Nhưng khoảng 2 tuần nay, tôi bắt đầu điều chỉnh lượng nhân trong bánh, đồng thời gợi ý khách chọn loại 20.000đ đầy đủ hơn. Dù vậy, phần lớn vẫn chọn ổ thường”.
Ở nhiều chợ, hình ảnh thường thấy gần đây là người mua đi vòng vài lượt, chọn lọc kỹ càng, hỏi giá... Chị Thanh- nội trợ (Phường 8, TP Vĩnh Long) than thở: “Trước đây 100.000đ mua được gần đủ nguyên ngày ăn cho gia đình 3 người. Giờ phải cắt bớt thịt, xen kẽ thực phẩm khác mới đủ chi tiêu”.
Có thể thấy, trong bối cảnh sức mua giảm, giá cả sinh hoạt tiếp tục nhích lên, những bất cập của hệ thống phân phối nhỏ lẻ càng khiến người dân lẫn tiểu thương gặp không ít khó khăn trong tính toán mua bán, chi tiêu hàng ngày. Trước tình hình này, các ngành chức năng cũng tăng cường theo dõi sát diễn biến thị trường, điều tiết cung cầu hàng thiết yếu; tiếp tục thực hiện chương trình bình ổn giá theo kế hoạch; kiểm tra hoạt động lưu thông hàng hóa, góp phần giữ ổn định nguồn cung, không để xảy ra biến động bất thường về giá.
Theo Chi cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm tăng 3,46% so với cùng kỳ, cao hơn 0,53 điểm phần trăm so với số liệu tương ứng của năm 2024. Theo đó, CPI bình quân 4 tháng đầu năm của 23/32 nhóm hàng hóa, dịch vụ tăng so với cùng kỳ tác động làm tăng CPI chung, trong đó đáng kể là dịch vụ cá nhân tăng 11,59%, nhà ở tăng 10,29%, ăn uống ngoài gia đình tăng 8,05%, thực phẩm tăng 5,19%, dịch vụ điện tăng 4,43%... |
Bài, ảnh: THẢO TIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin