Doanh nghiệp ĐBSCL: Cơ hội và hướng đi mới

09:42, 16/05/2025

Doanh nghiệp (DN) ĐBSCL dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2025. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu DN biết tận dụng cơ hội và nắm bắt xu thế thì vẫn phát triển với nhiều đột phá. Trong khi đó, cộng đồng DN cũng mong muốn nghị quyết về kinh tế tư nhân sớm đi vào đời sống thực tế, tháo gỡ những rào cản trong thời gian qua.

Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, tìm cơ hội, hướng đi mới để vượt qua khó khăn.
Các doanh nghiệp cần chủ động thích ứng, tìm cơ hội, hướng đi mới để vượt qua khó khăn.

Đối mặt nhiều khó khăn

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh ĐBSCL vừa tổ chức Hội nghị “Thích ứng trước thách thức thương mại toàn cầu: Cơ hội và hướng đi mới cho DN ĐBSCL”.

Ông Võ Tấn Thành- Phó Chủ tịch VCCI, cho biết, năm 2024, kinh tế khu vực ĐBSCL tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, phần lớn nhờ nỗ lực không ngừng của đội ngũ DN. GRDP toàn vùng đạt 7,3%, vượt mức tăng trưởng năm 2023 (6,6%) và cao hơn mức bình quân cả nước (7,1%). Nhiều tỉnh có mức tăng trưởng ấn tượng, như Trà Vinh (10%), Hậu Giang (8,76%), Long An (8,3%), Kiên Giang (7,5%),…

Trong khi đó, cơ cấu kinh tế của vùng vẫn đặc trưng bởi tỷ trọng lớn từ khu vực nông- lâm- thủy sản (30,8%), dịch vụ (37,5%), công nghiệp- xây dựng (27,3%). Đặc biệt, xuất nhập khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 41,9 tỷ USD (tăng 17,45% so với năm 2023).

Trong đó, xuất khẩu đạt 28,19 tỷ USD (tăng 15,6%), nhập khẩu 13,76 tỷ USD (tăng 21,3%). Các tỉnh có tỷ trọng xuất siêu cao gồm Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long,… Khu vực ĐBSCL cũng đóng góp tới 57% tổng giá trị thặng dư từ thương mại quốc tế vào ngân sách quốc gia.

Tuy nhiên, ông Võ Tấn Thành cũng chỉ ra những khó khăn mà nhiều DN trong khu vực còn trăn trở. Đó là, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn khiêm tốn cả về số lượng dự án lẫn quy mô. Năm 2024, toàn vùng chỉ thu hút được 142 dự án FDI mới, với tổng số vốn đăng ký 628 triệu USD, bằng 4,2% cả nước. Bên cạnh đó, cộng đồng DN còn đối diện nhiều khó khăn, dù số lượng DN mới thành lập tăng nhưng chỉ bằng 8% tổng số cả nước, vốn đăng ký chỉ chiếm 6,7% toàn quốc.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh- Phó Giám đốc VCCI chi nhánh ĐBSCL, nhấn mạnh, theo khảo sát, năm 2024, DN ĐBSCL gặp nhiều khó khăn. Trong đó có 3 khó khăn lớn nhất là: khó khăn về thị trường (liên quan cầu tiêu dùng, đối tác…); bất ổn chính trị, kinh tế thế giới; chi phí sản xuất, kinh doanh tăng cao do nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng.

“So sánh với năm 2023, các khó khăn của năm 2024 tăng gấp đôi. Ngoài ra, những khảo sát thường niên trước đó thì vấn đề khó khăn về tiếp cận vốn, tài chính luôn được nêu ra đầu tiên; thì năm 2024 khó khăn này chỉ xếp thứ tư. Đây là sự thay đổi lớn về sự nhìn nhận của DN ĐBSCL”- bà Linh cho biết.

Số DN mới tăng 30%, đó là số liệu do Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện thông tin trong 4 tháng đầu năm 2025, khu vực ĐBSCL có 4.981 DN mới gia nhập thị trường, chiếm 9,6% tổng số DN đăng ký mới của cả nước, với tổng vốn đăng ký 39.575 tỷ đồng, thu hút và tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động. Đây là tín hiệu tích cực trước bối cảnh khó khăn liên tục trong những năm vừa qua.

Cần có chiến lược kinh doanh trong tình hình mới

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nhiều bất định từ kinh tế toàn cầu, chính sách thương mại của Hoa Kỳ, xung đột địa chính trị và biến động của thị trường tài chính… DN Việt Nam, đặc biệt là DN khu vực ĐBSCL cần nhạy bén thích ứng, nắm bắt cơ hội và vạch ra chiến lược phát triển phù hợp.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu rõ chuỗi cung ứng của thế giới đã và đang dịch chuyển phân mảng về Mỹ, châu Âu, Ấn Độ... Do vậy, chúng ta xây dựng chiến lược riêng cho từng khu vực nêu trên để tiếp cận thị trường có hiệu quả. Bên cạnh đó, các DN cần tận dụng được những lợi thế, ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước.

Việc tiếp cận thị trường các nước Hồi giáo (Halal) lên tới 2.000 tỷ USD thế nào, cũng như cần lưu ý đến yêu cầu rất thực tế là chuyển đổi xanh khi xuất khẩu sang các nước như EU. Đồng thời, chúng ta cần coi trọng thị trường trong nước, tránh tình trạng hàng hóa xuất khẩu tốt hơn hàng hóa tiêu thụ nội địa.

Trước động thái áp thuế cao của Hoa Kỳ, ông Phú cũng đặt vấn đề là chúng ta phải nhìn nhận nghiêm túc những thách thức, bất lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chịu đựng các cú sốc của nền kinh tế thế giới.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) cho rằng, thách thức cho các DN vùng ĐBSCL chính là có một số chính khách Hoa Kỳ yêu cầu áp mức thuế cao với hàng nông, thủy sản Việt Nam nhằm để bảo hộ mặt hàng này của nước họ. Do đó, cùng với nỗ lực của Chính phủ trong đàm phán với Hoa Kỳ, các DN cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng đầu vào, đặc biệt là cần chuyển dịch tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng.

DN cả nước hiện nay nói chung, các DN ĐBSCL nói riêng đang hồi hộp chờ đợi kết quả đàm phán của đoàn đàm phán về thuế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để làm sao cộng đồng DN có những cơ hội mới tốt hơn, làm sao ĐBSCL vươn mình trong thời gian tới.

 

Theo các chuyên gia, giai đoạn này, tình hình trong nước thì đang bước vào giai đoạn cải cách sâu rộng về thể chế và bộ máy quản lý nhà nước. Đồng thời những nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị như Nghị quyết số 18 về tinh gọn bộ máy, Nghị quyết số 57 về phát triển khoa học công nghệ, Nghị quyết số 66 về cải cách thể chế, Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân đang mở ra những nền tảng mới để DN phát triển mạnh mẽ hơn.

Ông Nguyễn Văn Đức- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Bến Tre, cho biết, các DN rất kỳ vọng vào nghị quyết Trung ương mới ban hành về phát triển kinh tế tư nhân. Đồng thời, mong muốn cần nhanh chóng đưa nghị quyết vào đời sống để DN tiếp cận tốt hơn, nhất là vấn đề đất đai, môi trường và thủ tục đầu tư…

Trong khi đó, theo nhiều DN, hiện nay các thách thức lớn như thuế quan, biến động tỷ giá, chi phí logistics và vận chuyển quốc tế cao, các rào cản phi thuế quan, quy định pháp lý, rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu, thiếu thông tin thị trường và biến động chính trị dẫn đến quyết định của khách hàng. DN đề nghị được tham vấn và đề xuất chính sách nhằm cải thiện điều kiện kinh doanh, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật, cập nhật môi trường kinh doanh, tổ chức hội thảo chuyên đề để kiến nghị chính sách, tăng cường năng lực kinh doanh cho DN thông qua đào tạo, tư vấn.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, thời gian tới, DN cần chủ động chứng minh xuất xứ hàng hóa (C/O, truy xuất chuỗi cung ứng). Đây cũng là vấn đề được Mỹ đề cao khi so sánh với Hàn Quốc và Nhật Bản trong quá trình đàm phán. Đồng thời, đầu tư công nghệ và tuân thủ cao hơn các tiêu chuẩn lao động, môi trường, minh bạch tài chính, cũng như chính sách hỗ trợ khi xuất khẩu với thị trường Mỹ, EU. Đặc biệt là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Hoa Kỳ. Tái cơ cấu thị trường xuất khẩu, khuyến khích hỗ trợ DN chuyển hướng sang EU, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi bằng cách tận dụng các FTA như EVFTA, CPTPP, UKVFTA và Bộ Công Thương hỗ trợ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh