Đại biểu Quốc hội cho rằng, xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do đó, đề nghị không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, sáng nay (9/5), Quốc hội nghe Bộ trưởng Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Bộ trưởng Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) tại nghị trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho biết, ông nhất trí về đối tượng chịu thuế quy định tại điều 2.
Đại biểu đề nghị không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.
“Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nói.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông. |
Đại biểu đề nghị nếu trong trường hợp chúng ta thấycần phải tăng thuế bảo vệ môi trường để bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, thì cần tăng giá trị tuyệt đối đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng và không đưa mặt hàng này là hàng hóa phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của nó.
Điều hòa nhiệt độ từ trên 24.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với mặt hàng điều hòa, đại biểu đánh giá cao việc cơ quan chủ trì soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, đưa mặt hàng đối với điều hòa dưới 9.000 BTU và trên trên 18.000 BTU là nâng mặt hàng điều hòa từ trên 24.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vì các lý do sau:
“Thứ nhất, hiện nay ở các đô thị, đối với các khu chung cư, căn hộ chung cư thông thường có từ một đến hai phòng và một phòng khách. Qua tham khảo một số các kỹ sư trong lĩnh vực điện lạnh cho rằng, đối với căn hộ mà có 3 phòng mà lắp một điều hòa 24.000 BTU cho cả 3 phòng này thì vừa tiết kiệm điện và vừa tiết kiệm chi phí của người dân.
Đây là thực tế hiện nay đang rất phổ biến ở các khu đô thị, đặc biệt là đối với các chung cư. Do đó tôi đề nghị áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa nhiệt độ trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU. Vì từ trên 90.000 BTU là điều hòa công nghiệp rồi. Chúng ta nên tiếp thu để phù hợp với thực tế, đặc biệt là các khu đô thị”.
![]() |
ĐBQH đề nghị xăng dầu không phải là đối tượng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, điều hòa nhiệt độ từ trên 24.000 BTU mới phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. |
Về đối tượng không chịu thuế tại quy định tại điều 3, khoản 4 điều 3 dự thảo luật quy định miễn thuế đối với xe ô tô chuyên dùng khác.
Theo quy định của Thông tư số 53 ngày 15/11/2024 của Bộ trưởng Bộ GTVT, nay là Bộ Xây dựng quy định về phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới chuyên dùng sử dụng.
Nếu quy định thuế đối với ô tô chuyên dùng khác là mở rộng phạm vi khá lớn so với luật hiện hành.
“Đối với xe ô tô cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ, xe ô tô thiết kế có chỗ ngồi vừa có chỗ đứng để chở được từ 24 người trở lên... tất cả đều là xe chuyên dùng rồi. Nhưng bây giờ chúng ta lại mở rộng ra xe ô tô chuyên dùng khác. Tôi cũng đề nghị không mở rộng. Nếu cần thiết có những loại ô tô chuyên dùng gì thì chúng ta quy định cụ thể”, đại biểu nói.
Về thuế suất, mức thuế tuyệt đối quy định tại điều 8, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đã trình, cần rà soát về thuế, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt để quyết định về lộ trình áp thuế.
Tuy nhiên đại biểu vẫn đề nghị cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn để đạt được mục tiêu theo Nghị quyết 192 của Quốc hội với mục tiêu tăng trưởng là năm 2025 là tăng trưởng 8% và các và các năm tiếp theo là hai con số.
“Việc đánh thuế thế này thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu tăng trưởng của chúng ta. Chính phủ cũng đã tiếp thu, cũng đã có giải trình và điều chỉnh. Tuy nhiên là tôi đề nghị là tiếp tục có cái đánh giá một cách kỹ hơn để mà báo cáo với Quốc hội có một cái lộ trình đánh thuế, đánh thuế tuyệt đối một cách phù hợp. Xin hết. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội”, đại biểu đề nghị.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với điều hòa, rượu bia, nước giải khát
Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất ban đầu là 10%, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe nhân dân, ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì, giảm rủi ro bệnh tật không lây nhiễm và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tại dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) mới nhất gửi các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội để lấy ý kiến trước ngày 5/5/2025, cơ quan soạn thảo đã có chỉnh lý về lộ trình áp thuế đối với mặt hàng nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, cụ thể từ năm 2027, mức thuế suất là 8% và từ năm 2028 là 10%.
Với mục tiêu kiểm soát tiêu thụ rượu bia và tăng nguồn thu, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó đưa ra hai phương án tăng thuế đối với bia trong giai đoạn 2026-2030.
Phương án 1: Từ năm 2026, tăng thuế từ 65% lên 70%, sau đó tăng 5% mỗi năm, đạt 90% vào năm 2030.
Phương án 2: Tăng "sốc" từ 65% lên 80% ngay năm 2026, rồi tiếp tục tăng 5% mỗi năm, đạt 100% vào năm 2030.
Tại dự thảo mới nhất gửi các đại biểu Quốc hội, Chính phủ vẫn giữ các mặt hàng như điều hòa, xăng các loại, rượu bia, nước giải khát thuộc nhóm đối tượng chịu thuế này.
Tuy nhiên, điều hòa công suất nhỏ (dưới 18.000 BTU) được đưa ra khỏi nhóm chịu thuế. Còn loại công suất từ 18.000-90.000 BTU trở xuống vẫn thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10%, tương tự mức duy trì từ 2008 đến nay.
Dự thảo sau khi được giải trình, chỉnh lý, tiếp thu theo các ý kiến góp ý sẽ được cơ quan thẩm tra báo cáo, trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Theo Phi Long/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin