Mấy ngày nay, từ người dân miền Tây kêu mít rớt giá, đến xoài Úc ở Khánh Hòa rụng đầy gốc không ai mua. Giá cả là yếu tố thị trường, nhưng khi giá giảm hàng loạt và kéo dài, đây không chỉ là bài toán cung- cầu mà còn phản ánh những “vấn đề” của nền nông nghiệp: chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất, cũng như chuyện liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Trong khi xoài Úc ở Cam Lâm, Khánh Hòa đang vào vụ chín rộ, giá chỉ còn 5.000-8.000 đ/kg, không bằng tiền thuê người hái. Năm ngoái, xoài loại 1 có giá 30.000 đ/kg. Năm nay, hầu như không có loại 1, loại 2 cũng rớt còn 4.000 đ/kg. Huyện Cam Lâm có đến 4.000ha xoài Úc, hàng trăm hộ dân như đang “đứng hình” vì xoài không có nơi tiêu thụ. Tại Tiền Giang- thủ phủ mít Thái, giá loại 1 trước đây lên đến 22.000 đ/kg, nay chỉ còn 4.000-6.000 đ/kg. Mít méo, xơ đen hay trái nhỏ thì thương lái… lắc đầu. Đáng nói, phần lớn mít bán ra hiện đều chỉ đạt loại chợ, khó vào được siêu thị hay xuất khẩu.
Trước đó là sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, nhãn, chôm chôm… đều không bán được mức giá như mong đợi của nông dân là “phá huề”, thậm chí “lỗ cả công hái”. Các loại trái cây đều “chung cảnh ngộ”: Giá giảm, đầu ra khó khăn, nông dân thua lỗ, thậm chí bỏ luôn không thu hoạch. Hiện ĐBSCL có đến 35.000ha sầu riêng, riêng Tiền Giang chiếm 24.000ha, phần lớn diện tích tăng vọt trong 2-3 năm gần đây. Cũng như mít Thái, nhiều nông dân trồng theo phong trào, thấy người kia trồng giá cao thì chạy theo, không có hợp đồng bao tiêu, không qua HTX, cũng không có định hướng chất lượng rõ ràng.
Trong khi trái cây Việt Nam ngày càng đi vào thị trường xuất khẩu cao cấp như Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, yêu cầu về chất lượng ngày càng khắt khe. Xuất khẩu không còn dễ dàng như trước. Với xoài, Trung Quốc từng là thị trường chủ lực, nhưng hiện nay quốc gia này đã trồng được xoài và thu hoạch trùng mùa với Việt Nam. Các nước khác thì yêu cầu rất cao về dư lượng thuốc BVTV, bảo quản, logistics… mà nông dân nhỏ lẻ khó đáp ứng.
Thực tế cho thấy, sản xuất nhỏ lẻ, tự phát ngày càng khó đáp ứng nhu cầu thị trường. Địa phương và ngành nông nghiệp cần có quy hoạch sản xuất gắn với thị trường, cần có dữ liệu và dự báo cung- cầu. Đồng thời, đẩy mạnh vai trò HTX, liên kết nông dân với doanh nghiệp để từ khâu giống, canh tác, thu hoạch đến bao tiêu đều có sự gắn kết chặt chẽ. Những mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… cần được nhân rộng. Bên cạnh thay vì chỉ bán trái tươi, cần đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ số là nền tảng để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng tính minh bạch sản phẩm về dư lượng thuốc BVTV, truy xuất nguồn gốc…
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin