TRÀ ÔN:
Thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng kinh tế 

01:54, 15/04/2025

Đầu năm đến nay, kinh tế huyện Trà Ôn tiếp tục phát triển, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ tăng trưởng khá. Cùng với các giải pháp chỉ đạo phát triển kinh tế, huyện đang tập trung tăng tỷ lệ giải ngân, tạo động lực thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên. 


Mở rộng phát triển sản xuất, kinh doanh


Gắn bó với nghề làm bánh tráng hơn 40 năm, bà Trần Thị Thúy Liễu- ấp Tân Thạnh (xã Lục Sĩ Thành) cho biết: Hàng tháng, cơ sở của bà cung cấp ra thị trường 5-6 thiên bánh. Ngoài các sản phẩm truyền thống (bánh tráng nhúng, bánh tráng nem), người dân nơi đây đã không ngừng sáng tạo, làm ra những món bánh tráng mới như: bánh tráng ngọt sữa, bánh tráng ngọt thanh long, bánh tráng ngọt mít, bánh tráng ớt... Với hương vị thơm ngon, mềm dẻo, chất lượng, nên món bánh tráng ngày càng được nhiều người yêu thích và muốn đến thăm trực tiếp để tìm hiểu về Làng nghề bánh tráng cù lao Mây. 


Xuất phát từ việc muốn tái hiện chợ nổi Trà Ôn, anh Trần Minh Vẹn (ở ấp Long Hưng, xã Lục Sĩ Thành) đã mạnh dạn đầu tư và thuê hơn 20 công đất của người dân xung quanh có vườn chôm chôm, nhãn, dừa... Đồng thời, trùng tu hơn 10 chiếc ghe, tàu cũ. Mới đây, khu du lịch đón thêm “vị khách đặc biệt”- đó là đàn cá sông đến trú ngụ, đã để lại ấn tượng trong lòng du khách mỗi khi có dịp đặt chân đến đây.

Đàn cá sông đến trú ngụ tại Khu du lịch chợ nổi Trà Ôn đã tạo nên điểm đến du lịch thú vị. 
Đàn cá sông đến trú ngụ tại Khu du lịch chợ nổi Trà Ôn đã tạo nên điểm đến du lịch thú vị. 


Để đẩy mạnh phát triển du lịch, anh Trần Minh Vẹn đã tạo điều kiện cho người xung quanh cùng làm và hưởng lợi từ du lịch. Việc phát triển khu du lịch góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả liên kết giữa dịch vụ du lịch với nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội địa phương. 


Theo Huyện ủy Trà Ôn, quý I/2025, các điểm du lịch tại xã Lục Sĩ Thành đã đón 4.500 lượt khách, doanh thu khoảng 1 tỷ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt gần 1.474,9 tỷ đồng, tăng gần 8,5% so cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt gần 97,4 tỷ đồng, tăng gần 7,5%. 
Toàn huyện có 37 cơ sở chăn nuôi theo quy mô trang trại, tăng 3 trang trại so cùng kỳ. Trong đó, 29 trang trại chăn nuôi gia công gà thịt với tổng đàn 570.700 con, đem lại lợi nhuận khá cao.


Với 5.000m2 đất, ông Nguyễn Văn Lệ đầu tư 4 trại nuôi gà công nghiệp tại khóm Cây Điệp (TT Trà Ôn). Ông Lệ cho biết: Ông đang nuôi gia công 60.000 con gà, cứ 42 ngày thì xuất chuồng, giá bán 29.000 đ/con. Mỗi năm nuôi 5 đợt, ông thu lợi nhuận khoảng 450-500 triệu đồng/năm. 


Nhận định: “Các cấp chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để các cá nhân, tập thể phát triển các mô hình làm ăn có hiệu quả, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương”- đồng chí Trần Tiến Dũng- Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long còn biểu dương các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi, sản xuất các mặt hàng truyền thống, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, góp phần giải quyết việc làm cho người dân. 


Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trần Tiến Dũng lưu ý: Các chủ cơ sở tiếp tục đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và chú trọng hơn nữa đến chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường...


Tăng tỷ lệ giải ngân, thúc đẩy tăng trưởng 8%


Ông Nguyễn Văn Minh- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Trà Ôn, cho hay: Quý I, kinh tế của huyện tiếp tục phát triển, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, thương mại- dịch vụ tăng trưởng khá. Huyện chỉ đạo thu ngân sách, chi ngân sách đúng quy định. Bên cạnh, chăm lo chu đáo gia đình chính sách, cán bộ hưu trí và thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tạo sức lan tỏa tích cực trong dân...


Quý II, huyện tập trung lãnh, chỉ đạo toàn diện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế nông nghiệp; tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, công ty, HTX, hộ sản xuất kinh doanh. Bên cạnh, chỉ đạo khẩn trương công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình theo kế hoạch năm 2025; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chuyển tiếp và phê duyệt quyết toán các dự án, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; triển khai thi công các công trình nguồn vốn trung hạn, nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


Theo Huyện ủy Trà Ôn, kế hoạch vốn đầu tư công phân bổ năm 2025 hơn 110,7 tỷ đồng, đã thực hiện và giải ngân gần 4,2 tỷ đồng. Kế hoạch vốn chi sự nghiệp có tính chất đầu tư năm 2025 là 18,8 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện. Toàn huyện có 37 công trình. Trong đó, có 19 công trình chuyển tiếp, đã hoàn thành 4 công trình; khởi công mới 5/18 công trình. Huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án, công trình chuyển tiếp năm 2024; hoàn thành các thủ tục, hồ sơ đầu tư, triển khai thi công các công trình kế hoạch năm 2025.


Bày tỏ phấn khởi khi thấy huyện Trà Ôn có nhiều khởi sắc, đồng chí Trần Tiến Dũng- Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận và biểu dương nỗ lực của huyện, nhất là quyết tâm trong thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển, tăng trưởng kinh tế, quan tâm thực hiện tốt công tác đền ơn, đáp nghĩa, an sinh xã hội, xóa nhà tạm cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… 

Bà Đặng Thị Bé Sáu- Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn
Sắp tới sẽ sáp nhập xã, không tổ chức cấp huyện. Song, lĩnh vực phát triển kinh tế vẫn luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Hiện, huyện chỉ đạo tăng cường công tác giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình xây dựng cơ bản. Theo đó, huyện chủ động phối hợp với các sở, ban ngành tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện và các xã, phối hợp đẩy nhanh được tiến độ, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Huyện quyết tâm thực hiện đạt theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Bài, ảnh: XUÂN ANH 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh