Giá cam sành liên tục sụt giảm làm cho nhiều nhà vườn lỗ nặng và không còn khả năng để tiếp tục đầu tư. Hiện tại giá cam tại vườn chỉ còn 2.000-2.500 đ/kg và rất ít thương lái tìm mua. Đây là mức giá thấp kỷ lục từ trước đến nay khiến nhiều nông dân phải thua lỗ nặng.
![]() |
Hiện thương lái thu mua cam sành với giá 2.000 đ/kg. |
Nông dân Phạm Trường Đức (xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình) trồng cam trên 10 năm, cho biết: Giá thu mua 2.000 đ/kg như hiện nay thì nhà vườn lỗ hoàn toàn, chỉ đủ tiền thuê nhân công để thu hoạch cam ra khỏi vườn. Với giá rẻ chưa từng có nhưng hiện rất ít thương lái đến thu mua. “Gia đình tôi được 4 công cam đang chín tới mà thương lái chê lên chê xuống, nhìn cam rụng đầy vườn nên tôi hái cam bán lẻ cầm chừng hoặc cân sỉ cho các quán bán nước ép với giá 3.500 đ/kg”.
Cũng như ông Đức, nhiều nông dân đang trồng cam ở Tam Bình lao đao vì giá thấp, đầu ra bấp bênh, không có thương lái đến thu mua. Ông Võ Văn Hải ở xã Mỹ Thạnh Trung cho hay, ông canh tác 1ha cam sành, chi phí đầu tư hơn 350 triệu đồng. Với giá cam 2.000 đ/kg, gia đình đang đứng trước nguy cơ lỗ nặng và không còn chi phí để tiếp tục đầu tư cho vườn cam trong thời gian tới.
Thời điểm những năm trước 2021, giá cam sành giao động từ 18.000-20.000 đ/kg, người trồng có thể lời 100 triệu đồng mỗi công, thấy vậy nông dân ở một số địa phương đổ xô trồng loại cây này. Nhưng vài năm trở lại đây cam sành liên tục rớt giá làm cho người trồng phải thua lỗ không thu hồi vốn được, có người không có tiền trả tiền thuê đất. Việc trồng cam sành ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch của ngành chuyên môn đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Ngoài ra, thị trường cam sành chỉ tiêu thụ trong nước tập trung ở Hà Nội và miền Bắc, trong khi miền Trung và miền Bắc cũng đang vào vụ thu hoạch cam, bưởi và các loại cây có múi khác, càng khiến giá cam sành thu hẹp thị trường.
Vấn đề đặt ra hiện nay là các địa phương cần xem xét để có hướng quy hoạch, chuyển đổi diện tích trồng cam sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc tăng cường tiêu thụ nội địa, mở rộng thị trường xuất khẩu, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm là những giải pháp cần thiết để ổn định giá cam và hỗ trợ người trồng. Điều quan trọng hơn là phải tìm đầu mối bao tiêu ổn định, tránh tình trạng trồng theo phong trào đến khi cung vượt cầu thì lại vướng vào vòng lẩn quẩn “được mùa- mất giá”, “trồng- chặt”, “chặt- trồng”.
Bài, ảnh: NĐ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin