Phòng dịch bệnh trên vật nuôi  ngay từ khâu chọn giống

17:50, 04/04/2025

Thời tiết nóng lạnh bất thường ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, nguy cơ xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm cao. Ngành chức năng khuyến cáo các địa phương cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi. 

Chủ động “phòng bệnh hơn trị bệnh” là giải pháp tốt để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn.
Chủ động “phòng bệnh hơn trị bệnh” là giải pháp tốt để bảo vệ đàn vật nuôi an toàn.

Theo ngành chăn nuôi và thú y, tổng đàn vật nuôi lớn nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao; giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số, trong khi đó tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine còn thấp. Bên cạnh thời tiết nóng lạnh bất thường khiến nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi và bệnh dại.

Từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã xảy ra 6 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 4 tỉnh; 68 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 20 tỉnh; 9 ổ dịch lở mồm long móng tại 7 tỉnh; 11 ổ dịch bệnh viêm da nổi cục tại 4 tỉnh; bệnh dại xảy ra 44 ổ dịch trên động vật tại 21 tỉnh, thành phố và đã có 19 người tử vong vì bệnh dại tại 12 tỉnh. Tại tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 1 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi. 


Mới nuôi lại gần 10 con heo, cô Nguyễn Thị Hai (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ) cho hay: “Nghe thông tin bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại, tôi đã chú ý vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại định kỳ và tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh”. 


Rút kinh nghiệm từ đợt nuôi trước có một số gà bị nhiễm bệnh, anh Phạm Văn Đông (xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm) cho hay: “Khi chăn nuôi, điều quan trọng nhất là phòng ngừa dịch bệnh, một khi đàn vật nuôi xảy ra bệnh thì việc điều trị sẽ rất khó. Do đó, ngay từ khâu chọn con giống, tôi đã nhập gà con của trang trại lớn, có chất lượng. Để phòng ngừa dịch bệnh trong suốt thời gian chăn nuôi, tôi thực hiện tiêm phòng vaccine tất cả các loại bệnh theo sự hướng dẫn của cán bộ thú y địa phương”.


Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, thời gian tới nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao, do mầm bệnh lưu hành trên đàn vật nuôi và ngoài môi trường còn khá cao, ở phạm vi rộng. Để chủ động ngăn chặn các loại dịch bệnh trên động vật phát sinh, lây lan trên diện rộng, sở khẩn trương trực tiếp chỉ đạo các đơn vị có liên quan chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.


Ông Nguyễn Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Các địa phương cần khẩn trương rà soát, thống kê chính xác tổng đàn vật nuôi; triển khai thực hiện kế hoạch công tác tiêm phòng đợt 1/2025 cho đàn vật nuôi. Tổ chức tiêm vaccine phòng các bệnh động vật như: viêm da nổi cục, lở mồm long móng, cúm gia cầm, dại chó... bảo đảm tối thiểu đạt trên 80% tổng đàn.

Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chủ động tiêm phòng các loại vaccine xã hội hóa như vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch tả heo cổ điển, tụ huyết trùng, Newcastle và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.

Chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.


Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cũng khuyến cáo, các địa phương cần tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh cho đàn vật nuôi; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; chủ động xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện.

Với phương châm phòng bệnh là chính, bên cạnh việc chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cần thiết người chăn nuôi cần chú ý đến chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; đảm bảo nguồn thức ăn và nước uống sạch; thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ việc ra vào khu vực chăn nuôi.

Cần tuân thủ quy định khai báo chăn nuôi với địa phương. Khi phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường, nghi ngờ mắc bệnh, cần báo ngay cho nhân viên thú y địa phương để được hướng dẫn, xử lý kịp thời, tránh lây lan dịch bệnh. 

Bài, ảnh: NGUYÊN KHANG 
 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh