50 năm qua, nông nghiệp (NN) vẫn là một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế. Xuyên suốt quá trình phát triển, ngành đã thực hiện các giải pháp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, phát triển thủy lợi nhằm khai thác hiệu quả đất đai, mặt nước, từ đó, nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập người dân.
Trong giai đoạn hiện nay, NN tiếp tục khẳng định vị thế, bệ đỡ phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh.
![]() |
Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được quan tâm, phát triển. |
Những bước tiến vượt bậc
Sau 30/4/1975, Vĩnh Long là một tỉnh NN, hệ thống thủy nông chưa phát triển, ruộng đất bị hoang hóa và nặng nề dấu tích chiến tranh (bom đạn, chất độc hóa học).
Quá trình khai hoang, phục hóa gắn liền với các hoạt động cải tạo đất, đưa nước về các vùng đất thông qua công cuộc đào kênh, đắp đất, cải tạo dòng chảy, để sản xuất ra lúa gạo đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh, cả nước và xuất khẩu. Qua 5 năm (1976-1980) khôi phục và phát triển, kinh tế của tỉnh, tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản bình quân 1,63 %/năm; giai đoạn 1981-1985 tăng bình quân 6,17 %/năm.
Sang thời kỳ đổi mới, sản xuất NN và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Từ khi có Chỉ thị số 100/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quan hệ sản xuất mới, phương thức quản lý mới từng bước được thiết lập; những công trình thủy lợi phát huy tác dụng, cơ cấu mùa vụ được hình thành… đã tác động lớn đến sản xuất, năng suất và sản lượng ngày càng tăng.
Tổng diện tích trồng lúa trong giai đoạn 1981-1985 tăng 0,48% so giai đoạn 1976-1980, năng suất bình quân tăng trên 45%, nên sản lượng lúa trong giai đoạn này tăng 48% so với giai đoạn trước đó. Đây là bước ngoặt có tính chất quyết định tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Long.
![]() |
Ngành nông nghiệp từng bước phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng. |
Những năm đầu sau đổi mới (1986-1991), Nghị quyết số 10 là bước đột phá tiếp theo quan trọng để giải phóng sức sản xuất của từng hộ nông dân và các thành phần kinh tế khác ở nông thôn. Tăng trưởng khu vực nông lâm nghiệp thủy sản giai đoạn 1986-1990 bình quân 5,82 %/năm.
Đến năm 1991, khu vực này chiếm 63,6% trong tổng sản phẩm trên địa bàn. Giai đoạn 1991-2000, ngành NN duy trì được mức độ tăng trưởng khá ổn định, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 4,8 %/năm.
Giai đoạn 2001-2010, tỉnh đã chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế trong NN, tập trung đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất NN, hàng hóa nông sản được nâng cao cả về năng suất và chất lượng. Tốc độ phát triển tổng sản phẩm khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2001-2005 tăng bình quân 5,63 %/năm.
Ông Phan Nhựt Ái- nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT (nay là Sở NN và Môi trường) cho biết: Những năm sau giải phóng, ngành NN đã khai thác triệt để hiệu quả sản xuất từ đất đai, mặt nước. Từ năm 2010-2015, ngành NN bước vào giai đoạn nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất.
Từ đó đến nay, NN đã chuyển sang giai đoạn cơ cấu lại, chuyển mạnh tư duy từ sản xuất NN sang tư duy phát triển kinh tế NN. Nông dân nâng cao ý thức trong sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trên đồng ruộng, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
Theo đó, giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản bình quân 2,69 %/năm; giai đoạn 2016-2020 đạt 1,77 %/năm.
Giai đoạn 2021-2025, sản xuất NN giữ vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm; đặc biệt là, trong đại dịch COVID-19. Năng suất lao động NN tăng từ 83,8 triệu đồng năm 2020 lên 156 triệu đồng năm 2025; hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích không ngừng tăng qua các năm, giá trị 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản tăng, đạt 430 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Văn Liêm- nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT (nay là Sở NN và Môi trường) cho biết, giai đoạn này, ngành NN tiếp tục phát triển, cơ cấu sản xuất NN tiếp tục chuyển dịch đúng hướng và tích cực. Sản xuất rau màu, cây ăn trái tiếp tục phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh để phát huy tiềm năng, lợi thế và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từng vùng; đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn
Theo ngành NN, những năm qua, sản xuất NN và kinh tế nông thôn phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa; năng suất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên nhất là từ sau Nghị quyết số 10. Sản xuất NN luôn giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Đặc biệt, những năm gần đây sản xuất NN phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả.
Ông Lê Văn Dũng- Phó Giám đốc Sở NN và Môi trường, cho biết: Hiện nay, ngành NN đã phát triển mở rộng các mô hình NN sinh thái, NN xanh, NN hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm. Xây dựng vùng sản xuất hữu cơ, mô hình sản xuất hữu cơ.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất NN được quan tâm, diện tích sản xuất cây ăn trái gắn với cấp mã số vùng trồng. Ngoài vùng chuyên canh lúa, đã hình thành một số vùng chuyên canh cây trồng đặc sản có diện tích lớn, đạt năng suất và chất lượng cao như: bưởi năm roi, xà lách xoong ở Bình Minh, bưởi da xanh ở Vũng Liêm, cam sành ở Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm, khoai lang ở Bình Tân…
Cơ giới hóa các khâu trong sản xuất lúa có nhiều đột phá. Hầu hết các chỉ tiêu về diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng đều xếp ở mức khá so với cả nước và của ĐBSCL. Trong lĩnh vực chăn nuôi, đang chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, mang tính kinh tế phụ gia đình sang chăn nuôi trang trại tập trung, an toàn sinh học, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững. Về lĩnh vực thủy sản, đã hình thành được vùng nuôi cá tra xuất khẩu, vùng nuôi cá lồng bè và các thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, trong sản xuất NN và phát triển nông thôn còn nhiều khó khăn cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục như: chất lượng một số loại nông sản hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, tính cạnh tranh thấp; liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ chưa nhiều; HTX NN chưa phát huy được vai trò hỗ trợ trong sản xuất NN; khó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN, nông thôn…
![]() |
Ngoài vùng chuyên canh lúa, đã hình thành một số vùng chuyên canh có diện tích lớn, đạt năng suất và chất lượng. |
Ông Lê Văn Dũng cho biết: Ngành NN sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại, xây dựng nền NN phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển NN ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích phát triển NN sạch, NN xanh, NN hữu cơ, NN sinh thái, NN tuần hoàn. Xây dựng nền NN phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao.
Có thể thấy, qua 50 năm, ngành NN Vĩnh Long đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện lối tư duy sáng tạo, không ngừng đổi mới. NN tiếp tục phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao, khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế- nhất là trong các giai đoạn khó khăn.
Mục tiêu của ngành NN: Giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng giá trị gia tăng ngành NN phấn đấu bình quân đạt trên 2,5 %/năm. Phấn đấu đến năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó trên 80% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 30% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 4-5 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. |
Bài, ảnh: THẢO LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin