Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm tại khu vực phía Nam, tại TP Cần Thơ ngày 21/4.
“Giải quyết được 5 phương thức giao thông (đường bộ, hàng không, đường biển, đường sông, đường sắt) thì ĐBSCL thoát nghèo, do đó chúng ta phải quyết tâm làm, mỗi thế hệ làm một ít để hoàn thành”, Thủ tướng chỉ đạo, cùng với đó là ứng phó các vấn đề sụt lún, sạt lở, hạn mặn tại ĐBSCL.
Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía Nam, nhất là tại khu vực ĐBSCL. Từ nơi được coi là “vùng trũng” cao tốc, đến nay, mạng lưới hạ tầng giao thông kết nối tại ĐBSCL đã có sự chuyển biến.
Về đường bộ, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL là 1.256km đường bộ. Đến nay, ĐBSCL đã hoàn thành 121km trục dọc (gồm Bến Lức- Trung Lương- Mỹ Thuận 91km, cầu Mỹ Thuận 2 dài 7km, Mỹ Thuận- Cần Thơ 23km). Trong giai đoạn 2021-2025, đang triển khai 10 dự án/dự án thành phần cao tốc với chiều dài 432km.
Thời gian tới, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đầu tư thêm khoảng 703km, trong đó có dự án Cà Mau- Đất Mũi 90km. Các dự án đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, hiện chỉ còn một số vướng mắc. Các khó khăn, vướng mắc về vật liệu xây dựng cũng cơ bản được xử lý, tuy nhiên một số địa phương cần nỗ lực hoàn thành thủ tục cấp phép khai thác mỏ cho một số dự án…
Về hàng không, khu vực ĐBSCL có 4 cảng hàng không gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Rạch Giá và Phú Quốc. Về đường sắt, ĐBSCL quy hoạch 1 tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh- Cần Thơ 174km, lộ trình đầu tư trước năm 2030. Hiện đang nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch đoạn tuyến kết nối TP Cần Thơ- TP Cà Mau.
Theo quy hoạch hàng hải, khu vực ĐBSCL gồm 12 cảng biển: Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Về đường thủy nội địa, đang triển khai các dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam qua các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai; dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Mương Khai- Đốc Phủ Hiền qua tỉnh Đồng Tháp; chuẩn bị đầu tư nâng cấp tuyến vận tải thủy Hà Tiên- Rạch Giá- Cà Mau…
Định hướng trong giai đoạn tiếp theo, Thủ tướng yêu cầu cần làm nhiều hơn, tốt hơn, mạnh mẽ hơn, “thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa” theo tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong phát triển hạ tầng giao thông cho ĐBSCL cũng như các hạ tầng chiến lược khác, năm sau tốt hơn năm trước, nhiệm kỳ sau cao hơn nhiệm kỳ trước. Phải nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết.
LÝ AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin