Nhiều doanh nghiệp (DN) xác định đầu tư trang thiết bị, công nghệ cao vào sản xuất là rất cần thiết, nhằm nâng cao sản lượng, vừa tăng chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng sức cạnh tranh.
![]() |
Doanh nghiệp hiện rất chú trọng đến việc đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất. Ảnh minh họa: THẢO LY |
Đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, nhiều cơ sở, DN địa phương đã nâng cao được nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chất lượng và thương hiệu. Từ đó, đầu tư nhiều hơn cho các hoạt động cải tiến quy trình sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, thực hiện các quy trình quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế, góp phần đẩy mạnh và phát triển sản phẩm chất lượng cao, tạo thương hiệu sản phẩm.
Là cơ sở sản xuất ngành thực phẩm, đòi hỏi nhiều quy trình và chất lượng tuyệt đối an toàn. Theo ông Trương Thái Thông- quản lý kinh doanh cơ sở sản xuất Ba Khánh, hiện cơ sở đã hiện đại hóa quy trình sản xuất và áp dụng thành công hệ thống quản lý an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 22000:2005 vào năm 2017 và sau đó nâng cấp lên tiêu chuẩn ISO 22000:2018 từ năm 2019.
DN hiện nay xem chất lượng là một trong những yếu tố quan trọng làm nên thương hiệu, nên rất chú trọng nâng cao và đảm bảo chất lượng ổn định. Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Putin không ngừng đổi mới và nâng cao công nghệ theo hướng tự động hóa một phần, tiến tới tự động hóa hoàn toàn. Năm 2024, công ty đầu tư nâng cấp mới dây chuyền sản xuất tự động gần 20 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Tấn Thụ- Giám đốc công ty, thì việc đổi mới và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất là hết sức quan trọng, không chỉ nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn đẩy nhanh tiến độ tiếp cận với công nghệ mới hơn, đang thay đổi từng ngày. “Qua việc đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, hiệu quả kinh doanh của DN tăng cao. Góp phần giúp DN nâng cao khả năng cạnh tranh, khả năng tái đầu tư và đa dạng hóa sản phẩm tốt hơn trong thời gian tới”- ông Thụ cho biết.
Đổi mới và tăng cường tiếp thị
Theo ông Lê Gia Bảo- Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Công ty TNHH Hòa Hiệp, bên cạnh nâng cao chất lượng thì DN đã có nhiều nỗ lực để gia tăng mức độ nhận diện và tin cậy của người tiêu dùng. Thông qua nhiều hoạt động marketing, đẩy mạnh truyền thông, nhất là trên các kênh trực tuyến hay tại các điểm bán.
DN tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với các hệ thống phân phối, đặc biệt là chủ động tiếp cận và đàm phán để đưa sản phẩm vào phân phối trong các hệ thống bán lẻ lớn như Coopmart, Big C-Go, AOEN,…
Theo ông Nguyễn Tường Nam- Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, nhìn chung, các DN trong tỉnh đã có nhiều quan tâm cải tiến quy trình, máy móc thiết bị để kiểm soát chất lượng tốt hơn và năng suất cao hơn. Tuy nhiên, về mặt công nghệ mới, quy trình hiện đại thì còn ít DN ứng dụng vì đòi hỏi chi phí cao hơn và nguồn nhân lực chất lượng. Ngoài ra, ngành công nghiệp phụ trợ về công nghệ, thiết bị của tỉnh chưa phát triển nên có nhiều chi phí phát sinh và kéo dài thời gian, gây ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của DN.
Ông Nguyễn Tường Nam cho biết, thời gian tới, hiệp hội sẽ tiếp tục hỗ trợ kết nối DN, giao thương, tạo cơ hội tham gia xúc tiến thương mại, bán hàng, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, kết nối DN ngoài tỉnh và các thị trường tiềm năng, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, đây là thị trường thương mại hàng hóa rất lớn, có cơ hội hợp tác đầu tư.
“Hiệp hội cũng đã thành lập CLB xúc tiến thương mại, đồng hành hỗ trợ các DN có nhu cầu thích hợp. Hiệp hội cũng là thành viên của Hội đồng Các hiệp hội DN ĐBSCL và đã ký một số hợp tác cùng với Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, mang cơ hội mới cho hợp tác DN và phát triển thị trường. Trong đó không chỉ là giao thương hàng hóa mà còn tương tác với người tiêu dùng, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, phản hồi khách hàng và thông tin về thị trường, cũng như xu hướng tiêu dùng mới”- ông Nam nói.
Theo kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, HTX và tổ hợp tác chuyển đổi số; phát huy vai trò dẫn dắt của DN đầu ngành trong chuyển đổi số, phát triển và nhân rộng nền tảng số ngành, tạo hệ sinh thái số trong các ngành, lĩnh vực. Ngoài thực hiện Đề án “Xác định chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số DN và hỗ trợ DN chuyển đổi số”, còn triển khai các chương trình hỗ trợ DN, cơ sở, cửa hàng bán lẻ, hộ sản xuất nông nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể chuyển đổi số, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử… |
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin