(VLO) Ngày 27/3, tại TP Hồ Chí Minh, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024.
Theo VCCI, giai đoạn 2015-2023, đầu tư công vào ĐBSCL tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đồng thời các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cũng tăng đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển vùng.
Khu vực công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong hơn 1 thập niên qua, đã đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản bậc nhất, hàng năm đóng góp gần một nửa trong tổng thặng dư thương mại của quốc gia.
Tuy nhiên, kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn: cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chậm chuyển đổi cơ cấu, thu hút đầu tư kém, doanh nghiệp chậm phát triển cả về số lượng và năng lực, vùng thiếu cơ hội việc làm cho người lao động, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn yếu...
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 tập trung phân tích cấu trúc các nguồn vốn cấu thành tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để tìm hiểu những nguyên nhân và hạn chế mà ĐBSCL gặp phải trong quá trình huy động vốn cho phát triển.
Từ đó khuyến nghị các chính sách cần thiết để Trung ương xây dựng chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, khai thác tiềm năng kinh tế to lớn của vùng.
Theo báo cáo, quy mô kinh tế của tỉnh Vĩnh Long tăng dần theo từng năm từ 2018-2024. Cụ thể, đã tăng từ 49.171 tỷ đồng (2018) lên 83.668 tỷ đồng (2024) và đứng vị trí thứ 9 trong khu vực.
KHÁNH DUY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin