Nếu có thương hiệu (TH) gạo quốc gia sẽ giúp định vị vị thế sản phẩm gạo của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được TH gạo quốc gia có sự nhận biết rộng rãi, cũng như thiếu vắng các TH gạo của doanh nghiệp trên kệ bán lẻ thế giới. Để cùng chung tay xây dựng TH quốc gia cho gạo Việt Nam cần có chiến lược tổng thể và giải pháp đồng bộ.
Phát triển thương hiệu gạo tại Việt Nam đã mang lại nhiều kết quả. |
Ngành lúa gạo phát triển ấn tượng
Năm 2024, xuất khẩu gạo của nước ta tiếp tục lập kỷ lục, giúp Việt Nam giữ vững vị thế top 3 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu 9,18 triệu tấn gạo, thu về 5,75 tỷ USD. So với năm 2023, mặc dù khối lượng xuất khẩu chỉ tăng khoảng 13% nhưng kim ngạch tăng tới 23% nhờ giá gạo xuất khẩu tăng mạnh. Gạo Việt Nam đã đi khắp thế giới với khoảng 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Ông Lê Thanh Hòa- Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp-PTNT) cho biết: Ngành lúa gạo Việt Nam đã trải qua quá trình phát triển ấn tượng. Từ một nước nhập khẩu, Việt Nam đã trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới, được tổ chức lương thực thế giới (PAO) xếp là quốc gia đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
“Vai trò của TH trong phát triển ngành gạo là yếu tố gia tăng giá trị sản phẩm và tính cạnh tranh, gắn kết mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao giá trị gia tăng. Phát triển TH gạo tại Việt Nam hiện nay đã mang lại kết quả. Cụ thể là một số doanh nghiệp gạo Việt Nam đã thành công trong việc xây dựng TH và tạo dựng chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Như gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua, đã mang lại niềm tự hào cho ngành nông nghiệp Việt Nam khi giành danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới”- ông Hòa cho biết thêm.
Ông Hồ Quang Cua cho rằng: “Rất mừng là năm 2024, chúng ta bước vào thị trường gạo cao cấp của thế giới, hành vi doanh nghiệp và nông dân đã thay đổi nhiều. Doanh nghiệp và người dân từng bước yêu cầu qua yêu cầu lại, hỗ trợ qua hỗ trợ lại để cùng nâng cấp. Đó là yếu tố cho chúng ta tiến bước lên”.
Bên cạnh đó, hiện Bộ Nông nghiệp-PTNT đang triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL. Không chỉ chuyên gia trong nước, các chuyên gia nước ngoài cũng cho rằng đây là hướng đi đúng đắn và một yếu tố quan trọng trong xây dựng TH gạo Việt Nam hiệu quả.
Theo ngành chức năng, việc thực hiện Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính mà còn giúp nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo, tăng cường thu hút đầu tư, tạo ra giá trị gia tăng cao cho nông dân và cho ngành nông nghiệp Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Liêm- Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” là bước ngoặt làm thay đổi ngành hàng lúa gạo, với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng chuỗi sản xuất lúa gạo, nâng cao thu nhập, đảm bảo an ninh lương thực, giảm phát thải khí nhà kính.
Cần có giải pháp đồng bộ, chiến lược tổng thể
Trong 30 năm, Việt Nam đã xuất khẩu gạo với nhiều chủng loại. Trước đây gạo trắng, trong, hạt dài chỉ chiếm 15-20%, hiện tại đã chiếm khoảng 75%. Bên cạnh đó, thành công của ST25 là minh chứng cho tiềm năng lớn của ngành gạo Việt Nam, tạo tiền đề để ngành gạo Việt Nam nâng tầm TH trên thị trường toàn cầu.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2025 việc xuất khẩu gạo của Việt Nam được nhận định nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Đó là thực tế khách quan, mà nguyên nhân là do nhu cầu suy yếu trong khi cạnh tranh gia tăng giữa các nước sản xuất.
Bên cạnh đó, việc phát triển TH gạo Việt Nam còn một số khó khăn, như xây dựng lòng tin về chất lượng, thiếu hỗ trợ pháp lý trong việc bảo hộ TH quốc tế và chưa chú trọng thị trường nội địa. Trong khi đó, thị hiếu tiêu dùng một số thị trường truyền thống cũng đã có sự thay đổi đáng kể.
Nhiều nước và người tiêu dùng không chỉ quan tâm đến sản phẩm gạo ngon, nhiều dinh dưỡng, an toàn cho sức khỏe mà còn yêu cầu sản xuất ra hạt gạo phải thân thiện với môi trường. Điều đó cho thấy ngành lúa gạo của Việt Nam đang đứng trước thử thách và cơ hội đan xen.
Theo ngành chức năng, dù đã có uy tín trên trường quốc tế nhưng nếu xây dựng thành công TH gạo quốc gia thì đó sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tương lai.
Ông Phạm Thái Bình- Chủ tịch HĐQT Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng: “Chúng ta xây dựng gạo là xây dựng niềm tin của người tiêu dùng tức là khi ăn gạo của chúng ta thì người tiêu dùng khen ngon và chấp nhận khẩu vị. Gạo Việt Nam có rất nhiều giống và người tiêu dùng không chỉ ở trong nước mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Gạo Việt Nam xuất khẩu gạo đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, do đó, phải làm sao sản xuất ra những loại gạo để đáp ứng được khẩu vị của tất cả các phân khúc trên thế giới. Có như vậy mới xây dựng TH gạo thành công”.
Để xây dựng TH gạo quốc gia, TS Võ Hùng Dũng- chuyên gia kinh tế, cho biết: Xây dựng TH gạo Việt Nam gồm 2 khía cạnh, trước đây chúng ta hay nhấn mạnh tầm quốc gia và chính sách, kế đến nữa là ngành hàng trong việc đảm bảo các hợp đồng; nhưng bây giờ phải gắn thêm các TH riêng của các công ty, những TH đó phải có sản phẩm chất lượng, phải có sức sống và bền vững.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, gạo sản xuất giảm phát thải là một trong những yếu tố có thể mang lại giá trị rất cao cho TH gạo quốc gia. Bởi hiện nay trên thế giới đang ngày càng có nhiều người sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm thân thiện với môi trường hoặc tốt cho sức khỏe. Vậy nên nếu Việt Nam có hướng sản xuất thân thiện với môi trường hoặc hữu cơ thì nó cũng là một đóng góp rất tốt cho TH gạo Việt Nam.
Cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu gạo, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. |
Để khắc phục và xây dựng TH gạo Việt Nam, ông Lê Thanh Hòa đề ra nhiều giải pháp như cần nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển TH gạo và chỉ dẫn địa lý, đa dạng hóa sản phẩm gạo xuất khẩu. Phát triển sản phẩm gạo giá trị gia tăng, đổi mới công nghệ trong sản xuất gạo và đẩy mạnh xúc tiến thương mại quốc tế, khẳng định vị thế TH gạo trên thị trường quốc tế.
Bài, ảnh: TRÀ MY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin