Trợ lực phát triển ngành sản xuất gốm truyền thống

06:00, 02/02/2025

(VLO) Thời gian qua, tỉnh đã chú trọng các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sản xuất gốm, bao gồm đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, đồng thời hỗ trợ tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm. Góp phần giúp DN mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

 
Chương trình khuyến công đã phát huy tốt vai trò là nguồn vốn ban đầu, khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới máy móc, thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh.

Lan tỏa hiệu quả khuyến công

Vĩnh Long nổi bật với trữ lượng đất sét phong phú, là nguồn nguyên liệu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất gạch, gốm đỏ phát triển mạnh mẽ. Trải qua nhiều giai đoạn, ngành nghề này đã không ngừng đổi mới, đặc biệt là trong công nghệ sản xuất.

Việc áp dụng lò nung liên hoàn và sử dụng trấu làm nhiên liệu thay thế các phương pháp truyền thống đã mang lại hiệu quả vượt trội. Sự cải tiến bước đầu không chỉ giảm đáng kể tỷ lệ hao hụt từ 50% xuống còn 10-20%, mà còn góp phần bảo vệ môi trường và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Theo Sở Công thương, năm 2024, sở đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp phối hợp triển khai thực hiện 22 đề án.

Trong đó, để thực hiện hiệu quả Đề án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025”, trong năm 2024, ngành công thương đã triển khai và nghiệm thu tại 8 DN sản xuất gốm, tập trung hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến; tư vấn thiết kế mẫ mã sản phẩm; tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho cơ sở, DN sản xuất gốm… với tổng kinh phí thực hiện trên 700 triệu đồng từ nguồn sự nghiệp kinh tế năm 2024.

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, hoạt động khuyến công trong tỉnh đáp ứng kịp thời nhu cầu của các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất gạch, gốm đỏ.

Chính sách khuyến công huy động hiệu quả nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư vào sản xuất công nghiệp nói chung, tiểu thủ công nghiệp nói riêng, hỗ trợ các làng nghề truyền thống phát triển và thu hút thêm nhiều ngành nghề mới.

Theo đó, nhiều sản phẩm gạch, gốm đỏ sau khi được hỗ trợ đã cải tiến cả về chất lượng, mẫu mã, bao bì, có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tự tin chiếm lĩnh thị phần trên thị trường.

Không chỉ thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các chính sách khuyến công còn góp phần mở rộng quy mô và gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo việc làm mới và nâng cao thu nhập cho người dân. Những kết quả này từng bước khẳng định vai trò quan trọng của công tác khuyến công trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp tỉnh nhà.

Để cải tiến kỹ thuật sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ tháng 11, Công ty TNHH Sáu Mừng (xã An Phước, huyện Mang Thít) đã đầu tư mới dây chuyền cán đất mê với kinh phí đầu tư gần 260 triệu đồng, trong đó, vốn khuyến công hỗ trợ 115 triệu đồng.

Theo lãnh đạo Công ty Sáu Mừng, mức hỗ trợ từ chương trình khuyến công tỉnh đã tạo “vốn mồi” giúp DN có điều kiện cải tiến máy móc thiết bị tiên tiến phục vụ sản xuất gốm, tạo ra sản phẩm hoàn thiện theo đơn đặt hàng.

Bà Huỳnh Kim Thủy- Giám đốc Công ty, chia sẻ: “Có hơn 15 năm sản xuất và kinh doanh gốm mỹ nghệ, DN đang tạo việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương với nguồn thu nhập ổn định. Việc đầu tư máy cán đất theo công nghệ hiện đại từ nguồn vốn khuyến công đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Trước đây, công nghệ cũ chỉ cho phép chế biến khoảng 2 khối đất mê/1 giờ, nhưng với máy móc mới, sản lượng đã tăng gấp đôi. Không chỉ cải thiện năng suất, máy móc hiện đại còn giúp DN tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất như tiền điện, thuê nhân công, qua đó nâng cao lợi nhuận trên từng sản phẩm”.

Bà Thủy mong muốn, thời gian tới, DN sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ các cấp, ngành thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại. Nhằm tạo động lực mới, giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường.

Đa dạng nội dung hỗ trợ

Ngành sản xuất gốm đất nung tại Vĩnh Long, hình thành từ năm 1983, đã có giai đoạn phát triển rực rỡ từ năm 1997-2007.

Sản phẩm “Gốm đỏ Vĩnh Long” với sắc đỏ đặc trưng đã chiếm được sự yêu thích của khách hàng trong và ngoài nước, trở thành ngành nghề mang lại giá trị kinh tế cao, đồng thời tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn.

Tuy nhiên, từ năm 2008, ngành sản xuất này bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn như thị trường tiêu thụ suy giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, khiến quy mô, giá trị và sản lượng sản xuất giảm đáng kể.

Để khôi phục và phát triển ngành gạch gốm, UBND tỉnh Vĩnh Long đã ban hành Đề án Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất Gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020, nhằm hỗ trợ các cơ sở và DN nâng cao nhận thức, cải tiến công nghệ sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Kết quả từ đề án đã mang lại những thay đổi tích cực, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian nung, qua đó giảm chi phí sản xuất và cải thiện tính cạnh tranh của sản phẩm so với trước đây.

Để tiếp tục nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2021-2025, đề án nhằm bảo tồn làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Đề án “Nâng cao chuỗi giá trị ngành sản xuất gốm đỏ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2021-2025” tập trung vào việc nâng cao tay nghề, năng lực sản xuất và quản lý thông qua đào tạo, tập huấn cho các cơ sở, DN; hỗ trợ 12 đơn vị ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, 20 đơn vị thiết kế mẫu mã sản phẩm, và 10 DN xây dựng website thương mại điện tử.

Đồng thời, tạo điều kiện cho 24 cơ sở tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử và hỗ trợ tham gia 8 hội chợ triển lãm, kết nối cung cầu trong và ngoài nước.

Trong đó, công tác khuyến công sẽ tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nâng cao năng lực sản xuất gắn với các nội dung của đề án cơ cấu lại ngành công thương.

Khi tiếp cận nguồn vốn khuyến công, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc tiên tiến, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.
Khi tiếp cận nguồn vốn khuyến công, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc tiên tiến, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các DN, cơ sở, hộ kinh doanh sản xuất sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường…

Song song đó, tạo điều kiện hỗ trợ các DN tham gia hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm, hội nghị kết nối cung cầu, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp- Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ Vĩnh Long, cho biết: Trong nhiệm kỳ 2023-2028, Hiệp hội đặt mục tiêu phát huy hiệu quả nhãn hiệu “Gạch nung Vĩnh Long” và “Gốm đất đỏ Vĩnh Long”.

Hiệp hội đã tổ chức quảng bá sản phẩm thông qua các sự kiện lớn như Festival Nông sản Vĩnh Long 2023, “Con đường nghệ thuật gốm đỏ”, “Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam” và “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống bằng gốm đỏ lớn nhất Việt Nam”.

Những hoạt động này góp phần xây dựng thương hiệu, thúc đẩy du lịch và phát triển thị trường cho sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long. Cạnh đó, Hiệp hội còn giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện lớn ngoài tỉnh như chợ Hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” và Hội chợ Quốc tế Lifestyle Vietnam, dự kiến sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long sẽ tiếp tục tham gia chuỗi sự kiện Festival Gốm truyền thống Biên Hòa- Đồng Nai trong năm tới.

Đồng thời, với vai trò trong BCH Hiệp hội Gốm sứ Gia dụng Việt Nam (VCCA), Hiệp hội tích cực hỗ trợ xuất khẩu và quảng bá gốm đỏ Vĩnh Long ra thế giới. Đặc biệt, Hiệp hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan để thực hiện Đề án Di sản đương đại Mang Thít, vận động hội viên bảo tồn lò gốm tròn, góp phần giữ gìn và phát triển ngành gốm truyền thống của tỉnh.

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh